Kể từ năm 2020, bên cạnh chứng nhận VIETG.A.P., nông dân có thể chọn chứng nhận LOCALG.A.P. như một đảm bảo cho nông sản an toàn. Thông qua công cụ này, năng lực sản xuất của nông dân Việt sẽ được nâng cấp, cũng như nông sản Việt Nam sẽ được cấp “thị thực” ra nước ngoài.
Từng bước chuẩn hóa nâng cao chất lượng
Đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với nhiều yêu cầu khắt khe về chuẩn hóa, số hóa trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua nhiều bộ tiêu chuẩn mới, các doanh nghiệp Việt đã được tiếp sức để hội nhập toàn cầu.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh phát triển nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) đã có chương trình thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp (DN) xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Phát biểu tại hội nghị “Tiêu chuẩn mới cho DN và nông dân để khởi động kinh doanh sau cách ly” được tổ chức mới đây, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết: Trong giai đoạn 2020-2021, hoạt động trọng tâm của Hội DN HVNCLC vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu số hóa - chuẩn hóa và thương mại hóa. Trong đó, tập trung cho mục tiêu thương mại hóa trong điều kiện nền kinh tế bị tác động mạnh vì đại dịch Covid-19, tạo điều kiện để DN thay đổi công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất, chú trọng hơn kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, đầu năm 2019, Hội DN HVNCLC đã ban hành Bộ tiêu chí HVNCLC - Chuẩn hội nhập cho các ngành dệt may - da giày, cao su - nhựa, hóa mỹ phẩm, chế biến gỗ và Bộ tiêu chí áp dụng cho các ngành phi thực phẩm còn lại. Với việc thông qua bộ tiêu chí này giúp tạo sức mạnh cho các DN địa phương hội nhập bền vững vào thị trường toàn cầu, bằng việc khuyến khích các DN đầu tư và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và tiêu chuẩn ở mức độ địa phương và quốc tế, sau đó hỗ trợ cho DN trong thương mại và hợp tác quốc tế.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng bày tỏ, trong 2 năm thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Bộ KH&CN với Hội DN HVNCLC, nhiều tiêu chuẩn mới đã được thông qua, giúp cộng đồng DN và nông dân nâng cao nhận thức trong lĩnh vực xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, qua đó giảm thiểu các lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng, bảo vệ môi trường, có trách nhiệm với người lao động và cộng đồng... tạo hành lang pháp lý vững chắc thúc đẩy sản phẩm hàng hóa, nông sản Việt Nam xuất khẩu.
Tuy nhiên, các chuyên gia tại hội nghị cũng khuyến cáo, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, các vấn đề về nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc được các quốc gia trên thế giới trong thời gian gần đây đặc biệt quan tâm, trong đó có Việt Nam. Do đó, để vững tin bước vào một kỷ nguyên mới, DN, nông dân cần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh để tiếp cận với các yêu cầu sản xuất, quản lý mới phù hợp với các tiêu chuẩn, số hóa theo quy chuẩn trong nước và quốc tế.
Cơ hội mới cho nông sản Việt
Trước yêu cầu về chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày càng được nâng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm không chỉ giúp DN chinh phục thị trường trong nước, mà còn vươn ra các thị trường lớn trên thế giới.
Là một trong 4 đơn vị được trao chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập”, ông Đặng Bá Thanh, đại điện Công ty TNHH Thịnh Phát, chuyên sản xuất phụ gia phục vụ cho các ngành chế biến thủy sản cho biết: “Tiêu chuẩn HVNCLC đã được người tiêu dùng đánh giá cao từ lâu. Năm nay có thêm tiêu chuẩn HVNCLC - Chuẩn hội nhập rất tốt cho những DN xuất khẩu. Đây là tiền đề để công ty nỗ lực xuất khẩu nhiều hơn, đặc biệt trước thềm sân chơi EVFTA". Theo ông Thanh, để rộng cửa vươn ra sân chơi quốc tế, ngay từ khâu đầu các DN nên chuẩn bị sẵn sàng tâm thế, đầu tư bài bản và đặc biệt cần chú trọng đến các tiêu chuẩn, số hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
Các doanh nghiệp được trao chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập”
Đánh giá về ý nghĩa của việc từng bước hiện đại hóa các quy chuẩn trên, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, trước đây hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc không yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhưng hiện nay việc truy xuất đều phải thực hiện 100%. Đây không đơn thuần là hàng rào kỹ thuật, mà thể hiện nhu cầu của người tiêu dùng ở thị trường lớn. Khi đời sống con người cao lên thì nhu cầu về chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng phải được nâng cao, đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm…
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, mục tiêu xây dựng của 2 bộ tiêu chuẩn Localg.a.p và Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập không chỉ đưa hàng Việt Nam xuất khẩu mà còn phục vụ người tiêu dùng trong nước. Người Việt Nam cũng phải được dùng HVNCLC, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Nguyễn Thanh Nguyệt - Giám đốc Công ty Thời trang Cỏ và Hoa, đơn vị vừa được cấp chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập chia sẻ, việc DN đủ tiêu chuẩn cấp chứng nhận sẽ giúp tăng niềm tin và mở ra cho DN nhiều cơ hội hợp tác hơn; giúp DN không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn có thể vươn ra toàn cầu.
Để đáp ứng đủ tiêu chí, đòi hỏi DN cần nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng đầu tư chất lượng. "Việc xây dựng hàng rào kỹ thuật an toàn trong sản xuất, kinh doanh sẽ giúp DN giảm lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm nhân lực, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng sản phẩm, cải thiện hình ảnh, thương hiệu và tính cạnh tranh của DN" - bà Nguyễn Thanh Nguyệt nhấn mạnh.
HVNCLC Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập là một dự án nhằm tạo sức mạnh cho các doanh nghiệp địa phương hội nhập bền vững vào thị trường toàn cầu bằng việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và tiêu chuẩn ở mức độ địa phương và quốc tế, sau đó hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thương mại và hợp tác quốc tế.
Trong 2 năm thực hiện Thỏa thuận giữa Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao và Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn HVNCLC – Chuẩn hội nhập, đã có 54 doanh nghiệp được cấp chứng nhận. Trong đó có 26 doanh nghiệp ngành phi thực phẩm Đặc biệt, từ sự lan tỏa và tính thiết thực, Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập đã được nhiều tổ chức như BQL ATTP TP.HCM, GMP, GlobalG.A.P.… thừa nhận. Đầu năm 2019, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã ban hành Bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao cho các ngành phi thực phẩm.
|
Bài, ảnh: Diệu Huyền