Là chủ đề được phát động tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ VI (năm 2005) trong Thập niên Chất lượng lần thứ hai (2006 – 2015) vừa diễn ra ngày 15/9 tại Hà Nội. Qua đó, mục tiêu của Thập niên Chất lượng lần thứ hai nhằm tạo lập uy tín, chất lượng cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm hàng hóa Việt Nam, tăng năng suất chất lượng – yếu tố quyết định để phát triển và hội nhập thành công.
Tăng khả năng cạnh tranh
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh – Đoàn chủ tịch, Chủ trì Hội nghị cho biết, từ thập niên chất lượng lần thứ nhất (1996-2005), Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trên chặng đường nâng cao chất lượng hàng hóa và hội nhập quốc tế. Với những tiến bộ vượt bậc, chỉ trong 10 năm, các doanh nghiệp đã dần khẳng định được chất lượng hàng hóa của Việt nam cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Thời gian qua, các hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng được triển khai với nhiều hoạt động khác nhau như: xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tuyên truyền, giới thiệu về năng suất chất lượng qua các kênh thông tin đại chúng từ trung ương tới địa phương, đào tạo nâng cao kiến thức về năng suất chất lượng, phát triển đội ngũ chuyên gia tư vấn cho các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, xây dựng các mô hình điểm áp dụng các hệ thống, công cụ và giải pháp nâng cao năng suất tại các doanh nghiệp đã thay đổi rõ nét bức tranh năng suất và chất lượng của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu tại Hội nghị
Tiếp nối thành công của Thập niên chất lượng lần thứ nhất, Thập niên chất lượng lần thứ 2 với chủ đề "Năng suất Chất lượng - Chìa khóa phát triển và hội nhập" đặt ra với mục tiêu mới là tạo lập uy tín chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa "sản xuất tại Việt Nam".
Nhằm triển khai thực hiện mục tiêu của thập niên chất lượng lần thứ hai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 phê duyệt Chương trình Quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020".
“Hoạt động trên đã đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất và chất lượng tại Việt nam, phục vụ công cuộc đổi mới doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội", Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho hay.
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, các dự án cụ thể trong khuôn khổ Chương trình 712. Hơn 50 tỉnh, thành phố và một số Bộ ngành đã phê duyệt và triển khai các chương trình năng suất chất lượng giúp cho việc chuyển biến từ nhận thức đến hành động ở cấp Bộ, ngành, địa phương, cũng như cộng đồng doanh nghiệp. "Năng suất chất lượng" đã trở thành yếu tố quan trọng và không thể thiếu được trong định hướng phát triển kinh tế xã hội cấp vĩ mô và nhu cầu phát triển doanh nghiệp.
Ngoài ra, chỉ tiêu năng suất yếu tố tổng hợp - TFP đã được đưa vào mục tiêu về tăng trưởng kinh tế trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, trong đó xác định: năng suất yếu tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt khoảng 35%.
Đồng thời, các Bộ, ngành từ trung ương tới địa phương đã ban hành nhiều văn bản như: sở hữu trí tuệ; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý, công cụ năng suất; đầu tư, đổi mới trang thiết bị,… nhằm khuyến khích doanh nghiệp áp dụng KH&CN cùng với đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng suất chất lượng.
Chương trình 712 đã xây dựng, công bố 4485 tiêu chuẩn quốc gia và đưa tổng số tiêu chuẩn hiện hành lên 8800 TCVN, tỷ lệ hài hòa với quốc tế, khu vực là 45%.
Đặc biệt, thông qua ứng dụng công nghệ giải pháp mới đã góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp vào tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước từ mức đóng góp không đáng kể trong giai đoạn trước đây lên trên 25% trong giai đoạn 2011 – 2014 và dự kiến đạt mục tiêu đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế trên 30% trong năm 2015 và 35% vào năm 2020.
Dấu ấn đột phá
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Trần Văn Vinh, nếu như trong thập niên lần thứ nhất (1996 – 2005), cộng đồng xã hội còn xem nhẹ yếu tố “chất lượng”, “năng suất” thì nhận thức trên đã thay đổi tại Thập niên Chất lượng lần thứ hai (2006-2015) với cụm từ “năng suất chất lượng” đã xuyên suốt trong các hoạt động trong phát triển kinh tế đất nước.
Các doanh nghiệp ngày càng nhận thức được vai trò của năng suất chất lượng và họ đã chủ động liên hệ với các cơ quan, tổ chức về năng suất chất lượng để được đào tạo, hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất kinh doanh,…
Đồng thời, người tiêu dùng thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, phát pháp luật về năng suất chất lượng,… đã ngày càng nhận thức rõ hơn về chất lượng sản phẩm hàng hóa và người dân đã tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách lựa chọn các sản phẩm hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng.
Tính riêng từ năm 2006 – 2013, đã có 43.379 lượt Giấy chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến được cấp cho tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước. Có 140 doanh nghiệp được chứng nhận hệ thống quản lý (HTQL) An toàn vệ sinh thực phẩm phù hợp TCVN/HACCP; 145 doanh nghiệp được chứng nhận HTQL An toàn sức khỏe nghề nghiệp phù hợp SA 8000; 107 doanh nghiệp được chứng nhận áp dụng tiêu chuẩn Viet Gap; 38 doanh nghiệp được chứng nhận áp dụng tiêu chuẩn Global Gap,…
Đặc biệt, từ năm 2006 – 2014 đã có 890 lượt doanh nghiệp được trao tặng Giải thưởng chất lượng, trong đó có 106 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và 24 doanh nghiệp được trao Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (GPEA).
Các đại biểu tham dự tại Hội nghị
Từ năm 2006 – 2014, có 14.800 mã doanh nghiệp GS1 đã được cấp mới; 57 mã rút gọn (EAN8); 14.840 mã toàn cầu phân định địa điểm; cấp giấy xác nhận cho 107 mã nước ngoài. (Thập niên Chất lượng lần thứ nhất chỉ có hơn 4000 mã doanh nghiệp được cấp).
Bên cạnh đó, các ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất kinh doanh; phát triển thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; triển khai thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT),… đã tác động trực tiếp đến nâng cao năng suất thời gian qua.
“Trong Thập niên Chất lượng lần thứ hai (2006-2015), việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tạo hành lang pháp lý và môi trường khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động, sáng tạo và có trách nhiệm làm ra những sản phẩm chất lượng cao” Phó Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh bày tỏ.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, nhiều tham luận của đại biểu đến từ các tổ chức, cơ quan đơn vị trong và ngoài nước đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, trao đổi thông tin, khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua hệ thống, công cụ và phương pháp cải tiến năng suất trong doanh nghiệp như: hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn; quản lý chất lượng toàn diện (TQM); 5S; sản xuất vừa đúng lúc (Just In Time); Kaizen,…
Bài, ảnh: Ngũ Hiệp – Văn Nguyên