Thành công của Dự án “Tăng cường năng lực và tính hiệu quả của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và tổ chức hỗ trợ kỹ thuật của Cục” (VN3.01/13) đã tạo tiền đề quan trọng để nâng cao năng lực của cơ quan pháp quy trên cả ba phương diện về: quản lý pháp quy; năng lực kỹ thuật trong quản ý an toàn, ứng phó sự cố, quản lý chất thải; Xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực bền vững. Để hiểu rõ hơn về kết quả của Dự án này, phóng viên đã có cuộc phóng vấn ông Nguyễn Tuấn Khải – Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ.
PV: Xin ông giới thiệu chung về Dự án “Tăng cường năng lực và tính hiệu quả của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và tổ chức Hỗ trợ của Cục”?
- Ông Nguyễn Tuấn Khải: Dự án “Tăng cường năng lực và tính hiệu quả của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và tổ chức Hỗ trợ của Cục” (gọi tắt là VN3.01/13) được thực hiện trong 3 năm từ tháng 5/2016 đến tháng 4/2019, trong khuôn khổ hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), được Liên minh châu Âu tài trợ. Mục tiêu chung của Dự án nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả của cơ quan pháp quy và tổ chức hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan pháp quy.
Trên cơ sở mục tiêu chung, Dự án đặt ra một số mục tiêu cụ thể là: Xây dựng và hoàn thiện khung văn bản đối với quản lý an toàn hạt nhân cho nhà máy điện hạt nhân; xây dựng hệ thống quản lý tích hợp đối với cơ quan pháp quy hạt nhân cũng như tổ chức hỗ trợ kỹ thuật dựa trên các tiêu chuẩn và thực tiễn mới nhất của châu Âu; xây dựng năng lực kỹ thuật và năng lực pháp quy cho cơ quan pháp quy hạt nhân trong việc đánh giá, thẩm định các hồ sơ an toàn liên quan đến ứng dụng triển khai các thiết bị hạt nhân tại Việt Nam; xây dựng Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và chương trình đào tạo nguồn nhân lực bền vững cho cơ quan pháp quy và tổ chức hỗ trợ kỹ thuật dựa trên các tiêu chuẩn mới nhất của châu Âu; xây dựng cơ sở hạ tầng cho thanh sát hạt nhân Việt Nam; nâng cao năng lực, tính minh bạch và xây dựng các quy trình truyền thông công chúng của cơ quan pháp quy về vai trò và trách nhiệm của cơ quan pháp quy trong quản lý an toàn các hoạt động ứng dụng năng lượng hạt nhân ở Việt Nam.
PV: Theo ông, cơ quan pháp quy hạt nhân Việt Nam, cụ thể ở đây là Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có thuận lợi gì trong triển khai Dự án này, thưa ông?
- Ông Nguyễn Tuấn Khải: Dự án VN3.01/13 có thể xem là Dự án tiếp nối (pha 2) của Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao khung pháp lý về an toàn hạt nhân và tăng cường năng lực cho Cơ quan pháp quy về hạt nhân của Việt Nam và Tổ chức hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan pháp quy” (VN3.01/19). Đây là Dự án đầu tiên chúng tôi được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép thực hiện trong 3 năm, từ 2012-2015 với sự tài trợ của Liên minh châu Âu. Thuận lợi đầu tiên là chúng tôi đã được thừa hưởng những kết quả, thành tựu và kinh nghiệm có được từ Dự án VN3.01/19, tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí đối ứng cho các hoạt động của Dự án. Thuận lợi tiếp theo là đối tác hỗ trợ vẫn là Liên minh châu Âu và Cơ quan triển khai thực hiện RISKAUDIT đã cung cấp các chuyên gia có kinh nghiệm, năng lực từ các cơ quan pháp quy hạt nhân và các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật của các nước tiên tiến ở châu Âu: Pháp, Đức, Phần Lan, Bỉ. Các cán bộ của Cục có cơ hội học tập, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia EU, được đào tạo thực hành tại các các cơ quan pháp quy hạt nhân và hỗ trợ kỹ thuật của Pháp, Đức, Phần Lan và Bỉ. Việc thiết kế nội dung các hoạt động của Dự án, bao gồm các hội thảo, các chương trình trao đổi chuyên gia, các chương trình đào tạo và đào tạo thực hành (vốn rất được coi trọng ở châu Âu) là hợp lý, bao quát được 6 mục tiêu của dự án. Do vậy, các hoạt động và nội dung của mỗi hoạt động được triển khai thuận lợi trong quá trình thực hiện dự án.
PV: Vậy Cục ATBXH có vướng mắc gì trong quá trình triển khai Dự án không, thưa ông?
- Ông Nguyễn Tuấn Khải: Theo tôi, đối với Cục ATBXHN, vấn đề xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp quy cho việc quản lý an toàn hạt nhân vẫn là thách thức vì đây một lĩnh vực mới so với an toàn bức xạ - lĩnh vực mà hiện nay chúng ta đã có nhiều chuyên gia và một đội ngũ cán bộ kỹ thuật có năng lực. Vì vậy, tiếp cận yêu cầu hoàn thiện văn bản pháp quy và quản lý nhà nước Cục ATBXHN có những thuận lợi và thực tế nhiều năm qua chúng ta đã làm khá tốt công tác này. An toàn hạt nhân vẫn là lĩnh vực khá mới đối với Việt Nam, hiện nay chúng ta còn thiếu đội ngũ chuyên gia có kiến thức và cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm về các ngành vật lý, kỹ thuật hạt nhân, thủy nhiệt, vật liệu, … dẫn đến việc xây dựng văn bản pháp quy và quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn hạt nhân vẫn có những khó khăn nhất định.
Đại diện Ủy ban châu Âu, các chuyên gia EC, Lãnh đạo và cán bộ Cục ATBXHN tại Cuộc họp Khởi động Dự án (15-16/1/2015)
Do vậy, khi tiếp cận vấn đề này ở giai đoạn ban đầu của Dự án các cán bộ trẻ, chưa có kinh nghiệm đã gặp khó khăn trong việc học tập, trao đổi để tiếp thu kiến thức, nội dung các bài giảng cũng như đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra của chuyên gia. Một khó khăn nữa là liên quan tới vấn đề xây dựng hệ thống quản lý tích hợp (IMS) đối với cơ quan pháp quy hạt nhân. Đây là một khái niệm mới đối với Cục ATBXHN, mặc dù nhiều cơ quan pháp quy hạt nhân tiên tiến ở châu Âu cũng như trên thế giới đã áp dụng hệ thống quản lý này. Ở Việt Nam chúng ta đã làm quen với công tác quản lý theo ISO và thực tế các đơn vị trong Cục ATBXHN đã xây dựng các quy trình nội bộ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước của đơn vị. Với sự hỗ trợ của chuyên gia EC trong nhiệm vụ 2 của Dự án, Cục ATBXHN đã bước đầu tiếp cận khái niệm và phương pháp luận tổ chức cơ quan pháp quy hạt nhân vận hành theo hệ thống quản lý tích hợp, được xây dựng trên cơ sở tích hợp giữa ba hệ thống được xây dựng từ các đơn vị trong Cục, bao gồm: hệ thống cốt lõi (core system), hệ thống hỗ trợ (supporting system) và hệ thống quản lý (management system). Cấu trúc theo hệ thống quản lý tích hợp này theo kinh nghiệm của EC sẽ giúp vận hành cơ quan pháp quy hạt nhân hiệu quả, bao gồm cả phát triển năng lực và nhân lực cho hiện tại và tương lai.
PV: Vậy sau 3 năm thực hiện, Dự án đã thu nhận được những kết quả gì thưa ông? Xin ông cho biết cụ thể những kết quả đó?
- Ông Nguyễn Tuấn Khải: Trong 3 năm triển khai Dự án Cục ATBXHN đã nhận được sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của Liên minh châu Âu thông qua đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm đến từ các cơ quan pháp quy và tổ chức hỗ trợ kỹ thuật của Pháp, Đức, Bỉ, Phần Lan để thực hiện các hoạt động đặt ra trong 6 nhiệm vụ của Dự án mà tôi vừa đề cập ở trên. Có thể nói các kết quả đạt được của Dự án sau 3 năm thực hiện đã đáp ứng các mục tiêu ban đầu đặt ra.
Thông qua Dự án các chuyên gia của Liên minh châu Âu đã hỗ trợ cán bộ của Cục ATBXHN trong việc xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quản lý cho lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu. Nói điều này, tôi muốn nhấn mạnh rằng, khi Dự án bắt đầu khởi động vào tháng 5/2016, thời điểm đó Việt Nam vẫn đang trong tiến trình chuẩn bị cho Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, tháng 11/2016 Quốc hội đã phê chuẩn Nghị quyết số 31 ngày 22/11/2016 về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Do vậy trong Dự án VN3.01/13 này, chúng tôi đã thống nhất với Liên minh châu Âu điều chỉnh một số nội dung để phù hợp với tình hình mới, tập trung vào các lĩnh vực như: An toàn lò phản ứng nghiên cứu, chuẩn bị và ứng phó sự cố, chiến lược, chính sách và an toàn quản lý chất thải phóng xạ. Sự điều chỉnh này hoàn toàn phù hợp với dự kiến xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân, trong đó chúng ta sẽ nhận một lò phản ứng nghiên cứu mới của Liên bang Nga. Do vậy, một số nội dung của Dự án khi chuyển từ an toàn cho nhà máy điện hạt nhân sang lò phản ứng nghiên cứu và một số lĩnh vực liên quan là phù hợp.
Liên quan đến lợi ích cũng như kết quả đạt được của Dự án, đầu tiên với sự giúp đỡ của các chuyên gia châu Âu chúng ta cũng đã hoàn thiện một số dự thảo văn bản quan trọng liên quan đến quản lý pháp quy đối với lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu; ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; và quản lý chất thải phóng xạ. Tháng 6 năm 2017, Thủ tướng đã phê phê duyệt Kế hoạch quốc gia về ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân (Quyết định số 884). Tôi cho rằng, đây là một trong những đóng góp của dự án trên phương diện văn bản quản lý.
Đồng thời, thông qua dự án này Cục ATBXHN đã xây đựng được đội ngũ cán bộ bước đầu tiếp cận đến năng lực đánh giá, thẩm định các hồ sơ an toàn đối với các thiết bị hạt nhân tiên tiến nói chung và lò phản ứng nghiên cứu nói riêng. Một điểm nữa là, Cục đã tiếp cận phương pháp luận về xây dựng hệ thống quản lý tích hợp cho cơ quan pháp quy hạt nhân theo tiêu chuẩn châu Âu. Như đã đề cập ở phần trên, theo kinh nghiệm của Liên minh châu Âu, việc tổ chức hoạt động cơ quan quản lý pháp quy dựa trên sự tích hợp của 3 hệ thống, bao gồm: hệ thống cốt lõi (chức năng quản lý nhà nước), hệ thống hỗ trợ và hệ thống quản lý đảm bảo sự vận hành hiệu quả, phục vụ tốt chức năng quản lý nhà nước và chương trình phát triển cho cơ quan pháp quy hạt nhân cho hiện tại và tương lai.
Hội nghị Truyền thông về Dự án VN3.01/13 “Tăng cường năng lực và tính hiệu quả của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và tổ chức Hỗ trợ kỹ thuật của Cục” diễn ra ngày 4/4/2019 tại Hà Nội
Cùng với đó, với sự giúp đỡ của châu Âu, chúng tôi đã xây dựng được một chương trình đào tạo nguồn nhân lực dựa trên các đánh giá bằng công cụ, bằng mô hình qua đó có thể nhận diện được hạn chế về nhân lực của Cục ATBXHN trong những năm qua và có kế hoạch đào tạo, bổ sung phù hợp.
Từ việc triển khai Dự án chúng tôi cũng đã nhận thức được vai trò của an ninh và thanh sát hạt nhân đối với yêu cầu quản lý chất thải phóng xạ, quản lý vật liệu hạt nhân từ các cơ sở hạt nhân đang hoạt động, cũng như việc phát hiện vật liệu hạt nhân bên ngoài kiểm soát của cơ quan pháp quy hạt nhân. Đây là vấn đề không chỉ của Việt Nam mà còn là của một số nước trên thế giới đứng trước yêu cầu xây dựng năng lực về an ninh và thanh sát hạt nhân để đảm bảo quản lý nhà nước và an ninh khu vực. Qua dự án này cũng nâng cao năng lực truyền thông của cơ quan pháp quy, tính minh bạch trong thông tin công chúng về vai trò và chức năng quản lý an toàn bức xạ, hạt nhân của cơ quan pháp quy.
PV: Trong thời gian tới, Cục ATBXHN sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác với Liên minh châu Âu về an toàn hạt nhân và ứng phó sự cố ra sao, thưa ông?
- Ông Nguyễn Tuấn Khải: Thành công của Dự án VN3.01/13 tạo tiền đề quan trọng để nâng cao năng lực của Cục ATBXHN trên cả ba phương diện về (1) văn bản quản lý; (2) năng lực kỹ thuật trong quản ý an toàn các hoạt động ứng dụng bức xạ và hạt nhân, ứng phó sự cố và quản lý chất thải; và (3) chương trình đào tạo nhân lực bên vững và thông tin công chúng. Kết thúc dự án này chúng tôi và các đối tác châu Âu khẳng định tiếp tục duy trì các mối quan hệ hợp tác đã có thông qua một số dự án được tài trợ bởi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Sáng kiến giảm thiểu các nguy cơ sinh học, hoá học và bức xạ hạt nhân (CBRN) mà Cục ATBXHN là đầu mối. Bên cạnh đó, sự hợp tác đa phương (hợp tác vùng) giữa Cơ quan pháp quy của các nước Đông Nam Á (ASEANTOM) và Liên minh châu Âu. Như vậy, vấn đề hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, năng lực cũng như cung cấp các phương tiện kỹ thuật của EC cho các nước ASEAN sẽ thuận lợi cả về hình thức và hiệu quả hợp tác. Ví dụ, hiện tại Liên minh châu Âu đang hỗ trợ các nước ASEAN xây dựng mạng lưới về quan trắc, cảnh báo phóng xạ môi trường, trong đó Việt Nam là thành viên tích cực và được xác định là nước tuyến đầu trong ưu tiên phát triển hệ thống quan trắc vùng để đo đạc, chia sẻ số liệu, xử lý và phát hiện sớm các sự cố phóng xạ và hạt nhân bên ngoài khu vực ASEAN.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Phương Nga (thực hiện)