Đây là chủ đề của hội thảo khoa học nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên năm 2012, do Hội chất lượng TP.HCM tổ chức tại Trường đại học Đà Lạt (Lâm Đồng) vào ngày 12/12/2012. Ngoài nội dung chính, Hội nghị thường niên năm 2012 cũng là dịp kỷ niệm 6 năm (2006 - 2012) thành lập Hội chất lượng TP.HCM, tổng kết hoạt động của hội năm 2012, triển khai chương trình hoạt động năm 2013. TS. Ngô Văn Nhơn, chủ tịch Hội chất lượng cho biết, các bài tham luận tại hội thảo lần này sẽ được chọn lọc gửi tham dự Hội nghị chất lượng châu Á năm 2013 tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 10/2013...
Hội chất lượng TP.HCM (Vietnam Quality Association of Ho Chi Minh City, gọi tắt là VQAH) thành lập ngày 5/5/2006, tiền thân là Câu lạc bộ ISO Việt Nam. Hội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất lượng tại Việt Nam, là tổ chức đại diện cho Việt Nam tham gia thành viên Hội chất lượng châu Á. Tháng 11/2011, Hội chất lượng TP.HCM đã tiến hành tổng kết nhiệm kỳ I (2006 - 2010) và tổ chức đại hội nhiệm kỳ II (2011 - 2015).
Trong nhiệm kỳ I vừa qua, Hội chất lượng TP.HCM (tổ chức hội duy nhất trong cả nước hoạt động trong lĩnh vực này) đã có những đóng góp tích cục đáng ghi nhận cho phong trào chất lượng của TP.HCM cũng như cả nước, cụ thể là việc tư vấn, hỗ trợ cho nhiều tổ chức (bệnh viện, dịch vụ, doanh nghiệp, hành chính công, trường học...) xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý quốc tế như ISO 9000, ISO 14000, SA 8000, OHSAS 18001, GMP, HACCP, SQF, ISO 22000, ISO 26000. Hội cũng đã chú trọng việc hội nhập toàn cầu trong lĩnh vực chất lượng, cụ thể là hội đã phối hợp với Sở KH&CN TP.HCM đăng cai tổ chức Hội nghị chất lượng châu Á lần thứ 9 tại TP.HCM (từ 27 - 30/9/2011).
Hội nghị khoa học về quản lý chất lượng cấp châu lục này đã thành công tốt đẹp, được các nước đánh giá cao về công tác tổ chức cũng như tinh thần hiếu khách của nước chủ nhà. Thành công của việc tổ chức hội nghị này còn đánh dấu và thừa nhận sự hội nhập quốc tế về chất lượng của Việt Nam - một yếu tố quan trọng của chất lượng sản phẩm, dịch vụ - đảm bảo cho quá trình cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế thành công. Hiện nay Hội chất lượng đã thu hút hơn 300 thành viên, bao gồm 70 hội viên tổ chức (mỗi tổ chức có 4 thành viên), 50 hội viên cá nhân.
Nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên, năm nay Hội chất lượng TP.HCM đã phối hợp với Sở khoa học công nghệ, Sở công thương tỉnh Lâm Đồng và Trường đại học Đà Lạt tổ chức Hội nghị thường niên năm 2012 kết hợp hội thảo khoa học. Hội nghị thường niên được tổ chức ngày 12/12/2012, tại Trường đại học Đà Lạt (Lâm Đồng). Hội nghị thường niên dự kiến sẽ có khoảng gần 300 đại biểu tham gia, bao gồm các hội viên của Hội chất lượng TP.HCM, khách mời từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường học và báo đài.
Hội nghị thường niên sẽ tiến hành tổng kết hoạt động năm 2012 (công bố quyết định khen thưởng cho các hội viên tiêu biểu; công bố quyết định công nhận hội viên mới), và phương hướng hoạt động năm 2013.
Phần hội thảo khoa học sẽ có các nội dung chính như: Các tổ chức Việt Nam cần làm gì để vượt hàng rào kỹ thuật trong thương mại - TBT; Phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế (của GS.TS. Nguyễn Quang Toản, cố vấn VQAH, nguyên chủ tịch VQAH); Trường đại học Đà Lạt với công tác đảm bảo chất lượng (ThS. Lê Vũ Đình Phi, trưởng phòng khảo thí & đảm bảo chất lượng Trường đại học Đà Lạt); Tình hình triển khai áp dụng các hệ thống quản lý trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (bà Nguyễn Tú Uyên, phó phòng quản lý TCCL Chi cục tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng Lâm Đồng); Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng vững chắc để quản lý Trường cao đẳng Sơn La theo mô hình cộng đồng và xã hội hóa giáo dục ở vùng Tây Bắc (TS. Nguyễn Huy Hoàng, hiệu trưởng Trường cao đẳng Sơn La); Áp dụng ISO 22000 để sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng an toàn, góp phần an sinh xã hội và gia tăng vị thế cạnh tranh (ông Nguyễn Công Lãm, tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến trái cây An Vạn Thịnh); Áp dụng ISO 9004: 2009 để quản lý thành công bền vững tổ chức (TS. Nguyễn Phục Nghiệp, giám đốc điều hành Công ty National Quality Assurance - NQA); Áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001 và hướng đến tiêu chuẩn ISO 26000 để phát triển bền vững và nâng cao trách nhiệm xã hội trong giáo dục - đào tạo (ThS. Chử Thị Hải, hiệu trưởng Trường cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Điện Biên); Giới thiệu tiêu chuẩn quốc tế ISO 26000:2010 hướng dẫn trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội (TS. Ngô Văn Nhơn, chủ tịch VQAH, viện trưởng Viện kiểm định và phát triển chất lượng - IQAD)...
TS. Ngô Văn Nhơn, chủ tịch Hội chất lượng cho biết, hội đã đặt ra một số mục tiêu trong nhiệm kỳ 2 như sau: đào tạo tư vấn cho các tổ chức áp dụng TQM (ít nhất là 5 đơn vị); hỗ trợ tư vấn cho khoảng 50 tổ chức đạt chứng chỉ ISO 9001: 2008 và các chứng chỉ hệ thống quản lý tiên tiến khác; thúc đẩy gia tăng số lượng tổ chức được cấp chứng chỉ ISO tại TP.HCM là 5.000 đơn vị, phạm vi toàn quốc là 15.000 đơn vị đến cuối năm 2015...
|