Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 11:15 am
Cập nhật : 08/07/2019 , 16:07(GMT +7)
Nâng cao nhận thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá
Tuyên truyền không hút thuốc tại cơ quan làm việc
Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra chủ đề "Thuốc lá và các bệnh về phổi”. Theo đó, thông qua chủ đề này, WHO muốn thông tin đến cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về phổi.

Tác hại khôn lường

Theo WHO, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi trên thế giới hiện nay, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. WHO đã thống kê, có 90% trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Cũng theo WHO, hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Còn tại Việt Nam, theo số liệu của bệnh viện Ung bướu Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Bà Nguyễn Thị Việt Anh, cán bộ của quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết: Việt Nam là 1 trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Theo con số điều tra năm 2015 (con số mới nhất tính đến thời điểm hiện nay), số nam thanh niên ở độ tuổi trưởng thành hút thuốc chiếm 45,3%, như vậy cứ 2 thanh  niên thì sẽ có 1 người hút thuốc lá. Cụ thể hơn con số còn có thể khiến giật mình với tỷ lệ 45,3% nam giới trưởng thành hút thuốc lá thì tương đương với 15 triệu người Việt Nam trưởng thành hút thuốc lá và 33 triệu người Việt Nam đang bị hút thuốc thụ động. 

Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người không hút thuốc nhưng hít phải khói (gọi là hút thuốc lá thụ động). Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc thụ động là đặt con người vào mức không “an toàn”, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai. Ngoài bệnh tật và tử vong, thuốc lá còn ảnh hưởng đến sự phát triển giống nòi, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, kinh tế của gia đình, xã hội. Mặc dù việc hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng hiện nay, nhiều người vẫn còn xem nhẹ, coi thường hiểm họa từ thuốc lá.

Theo PGS. TS Vũ Văn Giáp – Phó Giám đốc Trung tâm hô hấp bệnh viện Bạch Mai, hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh liên quan đến phổi như: ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đây là hai căn nguyên chính gây tử vong phổ biến hiện nay, đặc biệt là những nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao trong cộng đồng trong đó có Việt Nam. Thực tế những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì chất lượng cuộc sống cũng như chất lượng phổi suy giảm rất nhiều và những giai đoạn cuối cùng bệnh nhân phải thường xuyên nhập viện vì bệnh cấp và gánh nặng về kinh tế gia đình xã hội là hết sức nghiêm trọng. Bên cạnh đó những triệu chứng hô hấp khác rất phổ biến ở những người hút thuốc , ví dụ như triệu chứng ho khạc đờm có thể là do viêm họng mãn tính viêm phế quản mãn tính hoặc bản thân tổn thương niêm mạc hô hấp có thể gây viêm phổi gây nhiễm trùng phổi.

PGS.TS. Vũ Văn Giáp – Phó Giám đốc Trung tâm hô hấp bệnh viện Bạch Mai tại Lễ mít tinh hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá do Bộ KH&CN tổ chức

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thời gian qua, Bộ Y tế, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, các tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động cụ thể. Các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá; nhiều cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động hưởng ứng Luật như đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm; đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động... Nhiều tỉnh, thành phố đã có những sự kiện nổi bật thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, như sự kiện thể thao không khói thuốc...

Thực tế những năm qua, tỷ lệ người hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động đang có xu hướng giảm cả ở môi trường trong nhà, nơi làm việc, trường học lẫn trên phương tiện công cộng. Đánh giá trên được đưa ra sau hàng loạt cuộc điều tra, khảo sát về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành được thực hiện trong thời gian gần đây. Kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thực hiện lần thứ hai tại Việt Nam cho thấy, trong 5 năm qua, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà giảm từ 73,1% xuống 60%; tại nơi làm việc giảm từ 56% xuống 42%; tại trường học giảm từ 22,3% xuống 16,15%; trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%... Điều này cho thấy nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá cũng như ý thức tuân thủ các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có những chuyển biến tích cực.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, có được kết quả trên phần lớn nhờ vào công tác tuyên truyền rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng, bởi lẽ thời gian qua các chế tài xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng vẫn chưa hiệu quả. Vì vậy để giảm tối đa người hút thuốc, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử phạt các vi phạm, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, thường xuyên hơn. Có như vậy vừa giảm được nguy cơ bệnh tật và tử vong, vừa bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc. Điều quan trọng nhất là phải từ ý thức của cá nhân mỗi người. 

Theo PGS.TS. Vũ Văn Giáp – Phó Giám đốc Trung tâm hô hấp bệnh viện Bạch Mai, đặc điểm của thuốc lá là rất nhanh nghiện rất dễ nghiện và khi đã nghiện rồi thì rất khó bỏ khó cai, cho nên đối với những người chưa từng hút thuốc thì không nên thử hút thuốc. Đối với những người đang nghiện thuốc thì phải bỏ thuốc lá ngay càng sớm càng tốt để tránh những bệnh có liên quan đến thuốc lá hoặc những bệnh đang mắc trở nên trầm trọng hơn.

Cũng theo TS. Vũ Văn Giáp, những người chưa cai được thuốc lá thì cố gắng hút ở những nơi bên ngoài tránh hút ở trong phòng làm việc, phòng ngủ, phòng ở và tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh và tốt nhất là nên bỏ ngay lập tức trước khi quá muộn. 

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các công sở, trường học và cơ sở y tế đã đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ; hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư; chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; lồng ghép việc kiểm tra tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn quản lý. Trong Tuần lễ quốc gia không thuốc lá, các địa phương, sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng nhiều hình thức. Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, các cấp, các ngành, các đoàn thể và địa phương tiếp tục phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên ký cam kết không hút thuốc lá. Tại các khu dân cư lồng ghép phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa gắn với việc không có người hút thuốc; các cơ quan truyền thông đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá. 

Bài, ảnh: Nhóm PV

 

 

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner