Với những giá trị cao, xuất sắc về khoa học thể hiện thế mạnh và tri thức khoa học chuyên sâu, đã góp phần bổ sung những tri thức mới, phát hiện mới về khoa học trên lĩnh vực lịch sử tư tưởng Việt Nam, cụm công trình “Lịch sử tư tưởng Việt Nam” của GS.TS. Nguyễn Tài Thư và 6 đồng tác giả đã nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam dưới nhiều lát cắt khác nhau. Cụm công trình này vừa được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đợt V. Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN sẽ diễn ra vào ngày 15/1/2017 tới đây.
Nghiên cứu lịch sử tư tưởng dưới nhiều lát cắt
Cụm công trình Lịch sử tư tưởng Việt Nam gồm các cuốn "Nho học và Nho học ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn", "Vấn đề con người trong Nho học sơ kỳ", "Lịch sử Phật giáo Việt Nam", "Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1". Đây là những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc, thể hiện thế mạnh và tri thức khoa học chuyên sâu, đã góp phần bổ sung những tri thức mới, những phát hiện mới về khoa học trên lĩnh vực lịch sử tư tưởng Việt Nam một cách khoa học, cơ bản, hệ thống, trên cơ sở lý luận, phương pháp tiếp cận mới, hiệu quả, đặc biệt là phương pháp phân tích và tổng hợp, lôgic và lịch sử, phương pháp văn bản học.
Về chủ đề Nho học và Nho học ở Việt Nam, cụm công trình đã trình bày, phân tích, đánh giá một loạt các vấn đề lý luận, thực tiễn, giá trị lịch sử của Nho giáo: Tính chất của Nho học; Nho học và sự phát triển kinh tế; Nội dung, tính chất và vai trò lịch sử của Nho học; Quan hệ giữa con người Nho học và con người Tây học, con người mácxít; Chủ nghĩa xã hội có thể kế thừa giá trị của Nho học không; Nguyên nhân sức sống của Nho học; Nho học và một số vấn đề của lịch sử tư tưởng Việt Nam qua các vấn đề sự du nhập, ảnh hưởng của nó trong lịch sử tư tưởng; Nho học và lễ giáo phong kiến với sự phát triển con người Việt Nam trong lịch sử; Quan niệm của Nho học về gia đình; Vai trò của Nho học trong sự hình thành và sử dụng pháp luật ở Việt Nam; Vai trò của Nho học trong lịch sử và hiện tại ở Việt Nam qua các nhà tư tưởng, các triều đại phong kiến Việt Nam... Đó thực sự là những vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Với chủ đề Phật giáo Việt Nam, từ trước đến nay ở Việt Nam đã có một số công trình lớn như “Việt Nam Phật giáo sử lược” của Thích Mật Thể, Tổng hội Tăng ni Bắc Việt, Hà Nội, 1942; “Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII” của Trần Văn Giáp, Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1968; “Việt Nam Phật giáo sử luận” của Nguyễn Lang, tập 1, Lá Bối, Sài gòn 1974; tập 2, Lá Bối, Paris, 1978,... Tuy nhiên, công trình "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" do GS.TS. Nguyễn Tài Thư chủ biên được tiếp cận, nghiên cứu trên cơ sở, phương pháp luận mới, trình bày một cách hệ thống sự tiến triển của Phật giáo Việt Nam gắn với điều kiện lịch sử xã hội từ khi du nhập đến giữa thế kỷ XIX. Công trình đã làm rõ thời điểm, cách thức, con đường du nhập, các trung tâm Phật giáo, các nhà truyền giáo, các giai đoạn vận động, biến đổi của Phật giáo Việt Nam vừa mang tính lịch sử vừa mạng tính logic. Đó là những đóng góp mới về khoa học của công trình.
Về chủ đề lịch sử tư tưởng Việt Nam, trên cơ sở xác định vấn đề phương pháp luận của việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam, giá trị cao về khoa học, bổ sung tri thức mới của công trình là lần đầu tiên đã trình bày một cách rất hệ thống, cơ bản và khoa học về lịch sử hình thành, phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam, phản ánh các đặc điểm, yêu cầu của thực tiễn, lịch sử - xã hội Việt Nam qua các giai đoạn, trào lưu, các nhà tư tưởng lớn như: tư tưởng Việt Nam theo kỳ tiền sử và sơ sở, tư tưởng Việt Nam thời kỳ Bắc thuộc, tư tưởng Việt Nam thời kỳ phục hồi và xây dựng quốc gia độc lập phong kiến, tư tưởng Việt Nam thời kỳ thịnh vượng của chế độ phong kiến; tư tưởng Việt Nam thời kỳ khủng khoảng của chế độ phong kiến,.... giúp bổ sung nghiên cứu mới về lịch sử tư tưởng Việt Nam cả về đối tượng, phương pháp, nội dung một cách hệ thống, cơ bản.
PGS.TS Nguyễn Đức Sự, một trong những đồng tác giả cụm công trình cho biết, “Chúng tôi dựa vào các tài liệu của từng giai đoạn lịch sử, ví dụ như thời Lý – Trần thì dựa vào các tác phẩm văn học như Chiếu dời đô, Nam quốc sơn hà… để phân tích, rút ra các giá trị tư tưởng cốt lõi xuyên suốt, khác với văn học, lịch sử. Trong nhiều năm liền, tôi cùng nhóm tác giả tiến hành thu thập tài liệu, tích lũy kiến thức để viết. Mãi đến giữa thập kỷ 80, công trình trở thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, có kinh phí và chúng tôi bắt đầu ngồi viết. GS.TS Nguyễn Tài Thu lúc đó là chủ nhiệm đề tài, tôi và anh Phan Đại Doãn là cộng tác chính. Công trình hoàn thành trong thời gian hơn 2 năm, nhưng trước đó, chúng tôi đã bỏ ra hàng chục năm nghiên cứu, thu thập tài liệu rồi. Cụm công trình Lịch sử tư tưởng Việt Nam có 6 phần với độ dày gần 500 trang”.
Cụm công trình của GS.TS. Nguyễn Tài Thư và các đồng tác giả nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam dưới nhiều lát cắt khác nhau. Dưới góc nhìn lịch đại, cụm công trình đã nghiên cứu tư tưởng của cư dân trên đất Việt Nam từ thời tiền sử, sơ sử, qua giai đoạn Bắc thuộc, phong kiến cho tới thời cận hiện đại. Dưới góc nhìn đồng đại, cụm công trình đã nghiên cứu các vấn đề nổi bật của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo Việt Nam và tư tưởng bản địa. Các chủ đề lớn của lịch sử tư tưởng Việt Nam như các vấn đề bản thể luận, nhận thức luận, thế giới quan, nhân sinh quan, luân lý đạo đức, đạo trị nước,... cũng như các mối quan hệ lớn như thiên - nhân, hình - thần, tâm - vật, hữu - vô, trị - loạn, vua - dân,... đều được các tác giả phân tích một cách chặt chẽ, logic, có căn cứ xác đáng.
Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt IV diễn ra năm 2012.
Có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội
Theo các thành viên của Hội đồng xét tặng Giải thưởng chuyên ngành cấp Nhà nước, cụm công trình "Lịch sử tư tưởng Việt Nam" của GS.TS. Nguyễn Tài Thư và 6 đồng tác giả thực sự có tác dụng và ảnh hưởng lớn trong xã hội, góp phần hiểu biết sâu sắc hơn, hệ thống hơn về lịch sử tư tưởng Việt Nam, Phật giáo Việt Nam, Nho giáo Việt Nam. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức, lòng tự hào, bảo tồn, phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập hiện nay.
Từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hoá, con người Việt Nam, tuy nhiên có một lĩnh vực có thể coi là linh hồn dân tộc, chính là lĩnh vực tư tưởng Việt Nam thì chưa được nghiên cứu nhiều. Vì vậy, cụm công trình có ý nghĩa rất lớn. Bên cạnh các công trình viết về lịch sử tư tưởng Việt Nam khác, cụm công trình của GS.TS. Nguyễn Tài Thư và các đồng nghiệp là một trong những cụm công trình đầu tiên đưa ra cách tiếp cận, phương pháp luận nghiên cứu mới về lịch sử tư tưởng Việt Nam một cách khách quan, hệ thống. Cụm công trình đã trình bày một cách xuyên suốt và khoa học về lịch sử hình thành, phát triển của tư tưởng dân tộc, làm rõ nội dung, tính chất, đặc điểm của lịch sử tư tưởng Việt Nam, so sánh để thấy tính phổ quát, nét đặc thù của tư tưởng Việt Nam trong lịch sử. Công trình đã làm rõ tầm cao tư duy của dân tộc Việt cũng như các giá trị, hạn chế và bài học lịch sử quý báu ông cha ta để lại.
Cách đặt vấn đề, phương pháp luận nghiên cứu và một số luận điểm cơ bản của cụm công trình đã được không ít tác giả tiếp thu, kế thừa, phát triển trong nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Việt Nam. Cụm công trình trên đã được sử dụng làm giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ cho quá trình nghiên cứu, đào tạo trong nước cũng như ở nước ngoài với lĩnh vực lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sự, những tư tưởng để lại ấn tượng sâu đậm nhất với ông là tư tưởng về quốc phòng của Trần Quốc Tuấn, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi và tư tưởng vì người bệnh và trung thực với nghề nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông, đó là những tư tưởng có giá trị đến tận ngày nay.
Theo GS.TS Phạm Xuân Nam – Thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng chuyên ngành cấp Nhà nước, 4 công trình nêu trên đều là những công trình nghiên cứu cơ bản, sâu, có giá trị khoa học cao. Chúng có tác dụng nâng cao nhận thức của giới học thuật nói riêng và đông đảo độc giả nói chung về lịch sử tư tưởng Việt Nam (gồm lịch sử Nho học, lịch sử Phật giáo). “Tôi đánh giá cuốn "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" có giá trị cao nhất. Bản thân tôi đã từng tham khảo cuốn sách quý giá này khi nghiên cứu một vài chuyên đề có liên quan”. Cũng theo GS. Nam, cụm công trình đã được nhiều người quan tâm trong giới khoa học xã hội và nhân văn, cả trong và ngoài nước chú ý tham khảo. Cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã được dịch ra tiếng Anh và phổ biến ra nhiều trường Đại học, viện nghiên cứu về vấn đề có liên quan ở nước ngoài.
Bài, ảnh: Hạnh Nguyên