Ngày 12/12, tại Hà Nội, Trường Quản lý khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo “Tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 để Việt Nam sớm đạt mục tiêu nước công nghiệp”.
Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp những kiến thức để có cái nhìn đúng đắn và đánh giá toàn diện hơn về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (I 4.0) đang tác động tới đời sống chính trị, văn hóa, xã hội nước ta.
Tham dự có lãnh đạo Trường Quản lý KH&CN, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ KH&CN và đại diện các tổ chức, cơ quan ban ngành có liên quan.Tại Hội thảo, các báo cáo viên cùng các đại biểu chia sẻ nhận thức về nền tảng KH&CN của I 4.0, đồng thời có những dự báo về I 4.0, xã hội 5.0; đánh giá những tác động cụ thể của I 4.0 đối với đời sống, sản xuất, kinh doanh trong xã hội như: tạo ra những mặt trận cạnh tranh mới; tái định nghĩa chuỗi giá trị trong các mô hình kinh doanh; những tác động làm thay đổi thế giới công việc; tác động, đánh giá các tác động ở phạm vị quốc gia; tác động đối với doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh; thị trường lao động; giáo dục, đào tạo; người dân,…
Đặc biệt, Hội thảo đã đưa ra điều kiện tiền đề cho I 4.0; cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ,… Qua đó, trình bày, phân tích sâu các thuật ngữ làm nên I 4.0 như: dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing) và Internet kết nối vạn vật (IoT). Sự kết hợp của dữ liệu lớn – điện toán đám mây – internet kết nối vạn vật tạo ra một môi trường hoàn toàn mở cho các công nghệ mới như: công nghệ in 3D, máy móc tự động hóa và tích hợp con người (máy móc là những động lực chính thúc đẩy tăng năng suất công nghiệp) vào sản xuất hàng các sản phẩm hàng hóa.
Thông qua Hội thảo, các đại biểu còn có cơ hội nhìn nhận, đánh giá rõ hơn về I4.0, những cơ hội, thách thức của Việt Nam trước I4.0 qua các tham luận được trình bày tại Hội thảo như: những tác động và đánh giá tác động của I4.0; I4.0 tại Việt Nam với hoạt động hội nhập KH&CN; I4.0 - động lực phát triển xã hội 5.0; phân tích SWOT về I 4.0 tại Việt Nam và các ngành, lĩnh vực chịu tác động của I 4.0; nền tảng KH&CN của I4.0.
Tin, ảnh: Ngũ Hiệp