Ngày 4/12, tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị Ban điều hành chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712).
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, Phó trưởng ban điều hành Chương trình cùng các đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đại diện của các bộ ngành thực hiện dự án như Công Thương, Y tế, Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Thông tin và truyền thông, Xây dựng...
Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, mục tiêu của chương trình là tạo bước chuyển biến rõ nét về năng suất chất lượng của sản phẩm hàng hóa chủ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh, đóng góp tích cực vào kinh tế đất nước. Bốn năm qua, chương trình đã hình thành phong trào năng suất chất lượng trong cả nước, nhận thức về năng suất chất lượng được nâng lên. Vấn đề năng suất, cải tiến xuất hiện nhiều trong tư duy của các lãnh đạo các công ty, tập đoàn và tổ chức. Đào tạo hướng đến có đội ngũ cán bộ năng suất chất lượng chuyên gia. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận các hệ thống, mô hình, tư vấn, đào tạo.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên không có điều kiện hoặc chưa tích cực tham gia. Nhiều Bộ, ngành và địa phương chưa quyết tâm thực hiện dự án. Nguồn lực về tài chính, nhân lực hạn hẹp, quy mô hạn chế. Do vậy, mục tiêu Giai đoạn I của chương trình găp không ít khó khăn, thực hiện chưa đồng bộ. Trong khi đó, năng suất nói chung, năng suất lao động được dư luận, Quốc hội quan tâm.
Từ 2011-2013 năng suất lao động Việt Nam tăng 3,46%/năm, đạt hơn 47 triệu đồng/người lao động/năm. So sánh với khu vực và quốc tế năng suất lao động như vậy là rất thấp; thấp hơn Singapore hơn 14,5 lần, Hàn Quốc 7 lần, ASEAN 2,3 lần.
Hiện nhiều yếu tố tác động tới chương trình như cơ cấu kinh tế, trình độ, kỹ năng, môi trường, khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ tiến tiến, trình độ, phương pháp quản lý.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Ngô Quý Việt cũng báo cáo các kết quả đạt được của chương trình năm 2014 và giai đoạn 2011 – 2014, kế hoạch hoạt động năm 2015.
Ngoài ra, hội nghị còn nghe các báo cáo thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của ngành Công nghiệp”; Báo cáo hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.
Được biết, trong giai đoạn 2011 – 2015, mục tiêu về phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp được xác định gồm xây dựng mới 4.000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), bảo đảm đồng bộ các TCVN cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế. 45% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với 100% các nhóm sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Thiết lập mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, phù hợp tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm hàng hóa chủ lực…
Tin, ảnh: Diệu Huyền