Với việc áp dụng quy trình, kỹ thuật canh tác, đặc biệt hình thành các mô hình liên doanh liên kết để tranh thủ về nguốn vốn, thừa hưởng các thành tựu khoa học, Dự án “Xây dựng mô hình thâm canh mía trên vùng đất nhiễm phèn, mặn ở tỉnh Bến Tre” đã giúp cho người dân trồng mía tiếp cận các tiến bộ KH&CN trong sản xuất mía cũng như thu được hiệu quả kinh tế cao từ nghề trồng mía.
Dự án thuộc Chương trình Nông thôn Miền núi giai đoạn 2011- 2015, do Công ty Cổ phần Mía đường Bến Tre chủ trì thực hiện.
Cải tiến mía giống chất lượng cao
Là một tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bến Tre có diện thích tự nhiên là 2.356 km2, được hình thành bởi cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long bồi tụ mà thành. Địa hình bằng phẳng, đất đai khá đồng nhất về chất lượng. Theo tài liệu khảo sát của phân Viện quy hoạch và thiết kế Nông nghiệp năm 2009 thì đất trồng mía tỉnh Bến Tre thuộc 2 nhóm đất chính là nhóm đất phù sa nhiễm mặn, nhiễm mặn ít và nhóm đất phù sa không nhiễm phèn mặn, có độ phù sa ở mức trung bình khá, một ít nhiễm mặn nhẹ và phần lớn ở dạng tiềm tàng, dễ rửa trôi. Nhìn chung đây là vùng đất khá phù hợp với việc phát triển cây mía.
Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, diện tích trồng mía trong tỉnh giảm đáng kể, từ 7.000 ha vụ 2007 – 2008 xuống còn 4.300 vụ 2011 – 2012. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do nhiều vùng được ngọt hóa nên nông dân chuyển đổi một phần diện tích trồng mía sang trồng loại cây khác như cây ăn quả, cây ca cao, cây dừa…
Trước tình trạng đó, việc duy trì và phát triển vùng chuyên canh mía với diện tích khoảng 4.300 ha đến năm 2020 theo quy hoạch của UBND tỉnh Bến Tre là rất cần thiết và cấp bách. Với cơ cấu giống hiện nay có trong sản xuất Suphanburi7, K88- 200, K95 – 84, KL92-11, K88-92… là các giống mía mới chiếm 80%, các giống mía cũ còn lại Co775, Co715 chiếm 20%, nhưng chưa phát huy hết tiềm năng về năng suất cũng như chữ đường mong đợi.
Ngoài ra, diện tích mía đang trồng nhiều giống mía còn có hiện tượng thoái hóa như ROC16 bị thối đỏ, K84-200 bị rệp sáp, R570 bị sâu đục thân, VĐ86- 368 bị bệnh than…
Bên cạnh đó, còn một thực tế cần phải nhìn nhận là kỹ thuật canh tác theo kiểu truyền thống như trồng khoảng cách hàng hẹp, lên liếp chưa đủ độ cao, thời vụ trồng chưa tận dụng được thời điểm tối ưu để xuống giống, phân bón chưa đầy đủ và chưa cân đối, ít sử dụng phân kali, vôi và phân hữu cơ, kỹ thuật bón phân chưa đúng và chưa kịp thời…
Sự liên kết sản xuất tiêu thụ mía trong tỉnh cũng chưa mạnh, nhất là diện tích trồng mía ở tỉnh Bến Tre của các hộ gia đình thường nhỏ lẻ nên thường tự phát về cả sản xuất, tiêu thụ mía. Đồng thời, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, cộng thêm sự bất ổn về giá cả không ổn định khiến cho người trồng mía không yên tâm sản xuất.
Do đó, việc cải tiến, bổ sung bộ giống mía có năng suất, chất lượng cao cũng như áp dụng quy trình, kỹ thuật canh tác, đặc biệt hình thành các mô hình liên doanh liên kết trong cộng đồng để tranh thủ về nguốn vốn, thừa hưởng các thành tựu khoa học đạt hiệu cao đóng vai trò quyết định.
Bên cạnh đó, để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường trong thời kỳ hội nhập. Theo Quyết định số 26/2007/QĐ-TTg ngày 15/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 phải đầu tư thâm canh diện tích mía hiện có, mở rộng diện tích ở nơi có điều kiện theo hướng trồng giống mía mới, áp dụng công nghệ tiên tiến đến năm 2020, năng suất mía bình quân của nước đạt 80tấn/ha, chữ đường bình quân 12 CCS (Chữ đường: CCS viết tắt của cụm từ Commercial Cane Suga).
Để thực hiện được mục tiêu trên, được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, Văn phòng Chương trình Nông thôn Miền núi, UBND tỉnh và Sở KH&CN Bến Tre đã giao cho Công ty Cổ phần Mía đường Bến Tre chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng mô hình thâm canh mía trên vùng đất nhiễm phèn, mặn ở tỉnh Bến Tre”.
Tạo vùng nguyên liệu sản xuất đường bền vững
Ban chủ nhiệm dự án phối hợp cùng Viện Nghiên cứu mía tổ chức 1 lớp bồi dưỡng đào tạo 10 kỹ thuật viên là cán bộ các trạm nông vụ trực thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Bến Tre và 09 cán bộ xã trong vùng dự án đạt 100%. Chương trình huấn luyện, đào tạo, chuẩn bị được khá đầy đủ công phu các tài liệu minh họa theo phương pháp trực quan kết hợp trao đổi thảo luận đã giúp các học viên tiếp thu nhanh các kiến thức về kỹ thuật canh tác giống mía mới.
Thông qua hoạt động huấn luyện và các hoạt động khác cơ bản đã tạo nội lực trên địa bàn thực hiện dự án, hình thành nhóm cán bộ quản lý, kỹ thuật nòng cốt có khả năng xác định, phân tích các vấn bức xúc, lập tổ triển khai dự án…
Các kỹ thuật viên sau khi được đào tạo đã theo dõi giám sát từng công đoạn của các hộ nông dân tham gia xây dựng điểm trình diễn. Sau lớp tập huấn và được sự hỗ trợ tận tình của các kỹ thuật viên nông dân đã nhận thức được vai trò quan trọng trong việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất, đã tuân thủ đúng quy trình chuyển giao.
Qua triển khai thực hiện dự án, vụ mía năm 2012 – 2013 đã trồng được 50 ha với 73 hộ dân tham gia tại 4 huyện trọng điểm trong tỉnh. Kết quả bước đầu mía đã sinh trưởng rất tốt, đến nay đã có 25 ha trồng vào đầu tháng 02/2011 được đánh giá mía cho năng suất trên 125 tấn/ha, chất lượng mía qua lấy mẫu phân tích đạt trên 10 CCS. Các diện tích mía còn lại xuống giống tháng 4/2012 hiện đang cho vươn dóng và phát triển tốt.
Dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, song song đó, quy trình kỹ thuật thâm canh giống mía mới được chuyển giao rất phù hợp với thổ nhưỡng của Bến Tre, đến nay trên 95% mía tại các mô hình đều phát triển tốt. Từ đó đã làm thay đổi tập quán canh tác của các hộ trong vùng dự án như trồng các giống mía mới thay giống mía cũ, canh tác đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, chuẩn bị hom, khoảng cách hàng trồng hợp lý, sử dụng phân bón đầy đủ và đúng quy trình. Kết quả dự án cũng đã góp phần ổn định và phát triển vùng mía nguyên liệu trước mắt và lâu dài, nâng cao năng suất thu hồi đường và kéo dài thời gian chế biến cho các nhà máy sản xuất đường, giúp ngành mía đường của tỉnh đứng vững trong xu thế hội nhập hiện nay và nâng cao năng lực cạnh tranh trong tương lai.
Kết quả của dự án còn góp phần gia tăng năng suất và chất lượng mía khoảng 50 tấn/ha mía quy 10 CCS, đem lại lợi nhuận cho người trồng mía khoảng 40.000.000 đồng/ha, với giá bán 1.000.000 đồng/tấn 10 CCS tại nhà máy thì 4.300 ha lợi nhuận tăng thêm 172 tỷ đồng.
Dự án “Xây dựng mô hình thâm canh mía trên vùng đất nhiễm phèn, mặn ở tỉnh Bến Tre” đã giúp cho người dân trồng mía và các bộ tham gia dự án nâng cao trình độ, hệ thống lại kiến thức trồng mía, tiếp cận các tiến bộ KH&CN trong sản xuất mía. Trong thời gian tới, cán bộ dự án sẽ tiến hành nhân nhanh mô hình trồng mía được tuyển chọn với khối lượng lớn để phổ biến rộng rãi và kịp thời cho nông dân nhằm đẩy nhanh việc thay thế giống mía mới để nâng cao năng suất, chất lượng mía góp phần ổn định vùng nguyên liệu của công ty, tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng mía và nhà chế biến.
Bài, ảnh: Hoàng Anh