Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Chủ nhật, 24/11/2024 , 07:12 am
Cập nhật : 02/11/2019 , 16:11(GMT +7)
Nâng cao năng suất trước hết là vì lợi ích của doanh nghiệp
Khoa học và công nghệ giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp
Doanh nghiệp có năng suất tốt, sản phẩm tốt hơn, cạnh tranh tốt hơn, có cơ hội mang lại lợi nhuận tốt hơn. Ngược lại năng suất kém, chi phí sản xuất cao, sản phẩm chất lượng không cao sẽ dẫn tới nguy cơ bị thị trường đào thải. Do vậy, mọi doanh nghiệp cần nhận thức, nâng cao năng suất trước hết là vì lợi ích của doanh nghiệp và cần phải tích cực, chủ động tìm kiếm các giải pháp để nâng cao năng suất chất lượng.

Đó là chia sẻ của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương với độc giả báo Đất Việt với chủ đề "Khoa học và công nghệ nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp" diễn ra mới đây.

PV: Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Chương trình 712) đối với doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa?

- Ông Phan Đức Hiếu: Chương trình 712 là một cách truyền thống mà Chính phủ thường sử dụng để hỗ trợ doanh nghiệp trong nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Chương trình có ý nghĩa trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nâng cao năng lực của doanh nghiệp để họ có thể thay đổi, tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cho chính doanh nghiệp.

Nhìn rộng ra, ngoài Chương trình 712, Chính phủ có nhiều chương trình để thúc đẩy cho doanh nghiệp như cải cách thể chế, giảm chi phí tuân thủ luật pháp, góp phần làm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Ví dụ, ban hành chính sách cạnh tranh, tạo động lực, sức ép để doanh nghiệp tự đổi mới, phát triển sản phẩm mới để tự phát triển.

Tuy nhiên, Chương trình 712 là sự trợ giúp của Chính phủ mà doanh nghiệp nên chủ động tham gia. Chương trình 712 đã hỗ trợ các doanh nghiệp tăng năng suất và chất lượng nhanh hơn.

Ngay cả khi không có chương trình 712 thì doanh nghiệp càng phải có sự thay đổi trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và tác động của sự phát triển khoa học công nghệ (như cuộc cách mạng 4.0).

PV: Theo ông, hiện nay các doanh nghiệp đã thực sự quan tâm đến vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa, thưa ông?

- Theo tôi, doanh nghiệp đã quan tâm đến việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, kết quả đạt được và mức độ quan tâm chưa đạt được như kỳ vọng của Chính phủ cũng như của các bên có liên quan.

Mức độ quan tâm cũng rất khác nhau giữa các doanh nghiệp do tính chất kinh doanh, ngành nghề, quy mô và trình độ của các doanh nghiệp khác nhau.

Nhưng doanh nghiệp chỉ quan tâm không thì chưa đủ, cần phải có những kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực. Ví dụ, điều tra gần đây về câu hỏi, doanh nghiệp hiểu gì về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, khoảng 80% doanh nghiệp trả lời là chỉ nghe nói hoặc hiểu biết sơ sơ. Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cơ hội cho các doanh nghiệp nâng cao năng suất, mở rộng kinh doanh nhưng các doanh nghiệp chỉ hiểu một cách mơ hồ, thể hiện sự quan tâm là chưa thực sự lớn.

PV: Với xu thế kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, nâng cao năng suất là yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế và tăng trưởng. Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa ra sao, thưa ông?

- Đây là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp. Tại sao lại như vậy? Năng suất dẫn đến 2 kết quả: Năng suất là giảm chi phí, tạo thêm nhiều sản phẩm và cùng một chi phí như vậy thì tạo ra giá trị cao hơn.

Như vậy, doanh nghiệp có năng suất tốt, sản phẩm tốt hơn, cạnh tranh tốt hơn, có cơ hội mang lại lợi nhuận tốt hơn. Ngược lại năng suất kém, chi phí sản xuất cao, sản phẩm chất lượng không cao sẽ dẫn tới nguy cơ bị thị trường đào thải.

Do vậy, mọi doanh nghiệp cần nhận thức rất rõ, nâng cao năng suất trước hết là vì lợi ích của doanh nghiệp và cần phải tích cực, chủ động tìm kiếm các giải pháp để nâng cao năng suất và họ phải làm việc này ngay cả khi Chính phủ không có một chương trình hay không tìm được một chương trình trợ giúp nào của Chính phủ.

Trong tư duy của doanh nghiệp, cần tư duy rất đơn giản, tìm mọi cơ hội để giảm chi phí sản xuất hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm.

PV: Theo ông, năng suất, chất lượng có phải là yếu tố cốt lõi để quyết định giá trị thương hiệu của một doanh nghiệp? Theo ông, để bắt kịp xu hướng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, mỗi doanh nghiệp cần chú trọng những vấn đề gì?

- Năng suất, chất lượng một phần là yếu tố cốt lõi để quyết định giá trị của doanh nghiệp nếu nhìn từ góc độ doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm như sản phẩm nhiều công năng hơn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hơn, chất lượng tốt hơn. Những giá trị gia tăng chính là giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nó còn đóng góp giá trị vì để có sản phẩm tốt hơn thì doanh nghiệp cũng cần có quản trị tốt hơn, có chiến lược hơn và tầm nhìn dài hạn hơn. Những yếu tố này cũng tạo giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào đầu năm 2019, nhìn chung Việt Nam đang ở vùng phát triển trũng nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, có rất nhiều năng lực doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế so với doanh nghiệp ở các nước xung quanh. Các báo cáo về môi trường kinh doanh, chỉ số đổi mới sáng tạo… đều chỉ ra hàng loạt năng lực hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam như: vấn đề về quản trị doanh nghiệp, chỉ số sáng chế, tính mạo hiểm trong kinh doanh, kỹ năng marketing, chỉ số năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) …

Để bắt kịp xu hướng này, trước hết doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu một cách sâu sắc, Cách mạng Công nghiệp 4.0 là gì và tác động tiêu cực, tích cực như thế nào đến doanh nghiệp của mình bởi vì sẽ không có lời giải chung cho mọi doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp sẽ chịu tác động khác nhau, tiêu cực và tích cực. Chỉ khi nào tự doanh nghiệp hiểu được tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 thì mới có thể tận dụng được cơ hội và hạn chế được tác động của chúng.

Trong câu chuyện này, chính quyền và các Hiệp hội doanh nghiệp có thể đóng vai trò hỗ trợ, cung cấp các chuyên gia cùng thảo luận với doanh nghiệp để đánh giá chính xác tác động và cơ hội, từ đó có giải pháp hợp lý. Doanh nghiệp vẫn phải đặt bài toán về chi phí và lợi ích nhưng ở tầm nhìn dài hạn hơn.

PV: Việc sản phẩm bị cạnh tranh gay gắt đến từ các nước tiên tiến trên thế giới đang là một trong những khó khăn lớn hiện nay của các doanh nghiệp. Đứng trước khó khăn và thử thách này, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những giải pháp như thế nào trong việc nâng cao năng suất chất lượng, thưa ông?

- Việc sản phẩm của doanh nghiệp Việt bị cạnh tranh gay gắt là điều phải chấp nhận và áp lực cạnh tranh có thể còn mạnh mẽ hơn nữa. Nâng cao năng suất, chất lượng là giải pháp hàng đầu cho doanh nghiệp Việt Nam.

Có rất nhiều giải pháp kỹ thuật cho doanh nghiệp để nâng cao năng suất như: LEAN, ISO, GMP, 5S… và hàng trăm giải pháp kỹ thuật khác.

Tôi cho rằng, doanh nghiệp cần lưu ý phải có chiến lược dài hạn về nâng cao năng suất. Điều đặc biệt quan trọng là tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng suất không chỉ là sự thay đổi và phải quản trị được sự thay đổi đó trong dài hạn.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trả lời câu hỏi của độc giả

PV: Theo ông, để tiếp tục đẩy mạnh Chương trình 712 trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp cần phải làm những gì?

- Việc đầu tiên, cần phải bố trí đủ nguồn lực về tài chính, kỹ thuật và nhân lực để thực thi một cách đầy đủ mục tiêu của Chương trình đặt ra. Nếu chương trình không thể bố trí đủ các nguồn lực thì doanh nghiệp sẽ không được hưởng lợi ích gì. Chúng ta đã nhận được nhiều bài học về những chương trình của Chính phủ mà doanh nghiệp không thể tiếp cận được.

Vấn đề tiếp theo là truyền thông một cách rộng rãi đến các đối tượng doanh nghiệp về Chương trình 712. Nếu thất bại trong việc truyền thông có thể tạo ra sự không công bằng và méo mó trong hoạt động kinh doanh. Trong trường hợp này, truyền thông đến tổ chức trung gian như Hiệp hội doanh nghiệp, chính quyền địa phương… là rất quan trọng vì các Hiệp hội và chính quyền địa phương là nơi truyền đạt thông tin sâu rộng hơn đến mọi doanh nghiệp, thuộc mọi địa bàn khác nhau.

Ở quy mô rộng hơn, ngoài Chương trình 712 thì trợ giúp lớn nhất từ Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách là phải có môi trường thể chế, giảm thiểu chi phí, có tính an toàn cao và ít rủi ro cho doanh nghiệp. Như vậy, trong thời gian trước mắt, cần rà soát và bãi bỏ triệt để các quy định tạo ra gánh nặng chi phí không cần thiết, giảm can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh. Về dài hạn, cần thúc đẩy cạnh tranh và duy trì cạnh tranh lành mạnh là động lực bền vững để doanh nghiệp nâng cao năng suất.

PV: Theo ông, Việt Nam cần có những chính sách gì để tiếp tục thúc đẩy năng suất, chất lượng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?

- Theo tôi, Việt Nam cần có 3 nhóm chính sách:

Thứ nhất, cần có cải cách mạnh mẽ chính sách hiện hành để cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Như vậy, ngay lập tức sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất.

Thứ hai, hỗ trợ trực tiếp cho năng lực của doanh nghiệp trong việc tổ chức lại sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất. Các chính sách này thường bao gồm ưu đãi về thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển R&D, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng hạ tầng như logistic, viễn thông, đường sá…

Thứ ba, xây dựng một thể chế giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc đáp ứng nhu cầu, cung cầu của thị trường. Ví dụ, các chính sách rất quan trọng về phá sản, giải thể phải thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đây là cách nhanh nhất để doanh nghiệp tái cơ cấu, nâng cao năng suất, thay đổi chiến lược kinh doanh. Ví dụ, thị trường lao động phải thực sự linh hoạt, thuê lao động theo nguyên tắc thị trường, tôn trọng tự do lao động. Một số quy định cứng nhắc về giảm giờ làm, nâng lương tối thiểu… cũng có thể làm giảm năng suất.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bảo Chi (lược ghi)

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner