Ngày 15/11/2018, tại Phú Thọ, Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi đã tổ chức Khóa đào tạo “Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016 – 2025”.
Đến dự và giảng bài tại khóa đào tạo có ông Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương; ông Nguyễn Thế Ích - Chánh Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi; ông Phạm Công Hoạt - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Các ngành Kinh tế - kỹ thuật; ông Đỗ Xuân Hoàn - Giám đốc Sở KH&CN Phú Thọ cùng hàng 100 Lãnh đạo Sở KH&CN, cán bộ dự án đến từ Vùng Đồng bằng Sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc.
Phát biểu khai mạc khóa đào tạo ông Nguyễn Thế Ích cho biết, để nâng cao hiệu quả các dự án nông thôn miền núi cần chú trọng công tác đào tạo cho cán bộ quản lý các cấp, các đơn vị thực hiện dự án, do đó ngày 29/3/2017, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký Quyết định số 616/QĐ-KHCN phê duyệt nhiệm vụ đào tạo và giao cho Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi chủ trì thực hiện. Nhiệm vụ hướng tới mục tiêu sẽ đào tạo khoảng 1.600 đến 1.800 học viên cho 63 tỉnh/thành trong cả nước. Để thực hiện mục tiêu trên Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi dự kiến triển khai từ 6 đến 8 lớp đào tạo trong 2 năm 2018 và năm 2019.
Tính đến nay, Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025” (Chương trình Nông thôn miền núi) đã được Bộ KH&CN phê duyệt 348 dự án, trong đó 284 dự án thuộc nhóm Trung ương quản lý và 64 dự án thuộc nhóm ủy quyền địa phương quản lý. Các dự án đã có những kết quả bước đầu và công tác tập huấn, đào tạo được lãnh đạo các Sở KH&CN, cán bộ dự án quan tâm.
Toàn cảnh Khóa đào tạo
Tại Khóa đào tạo, các đại biểu tham dự đã được nghe ông Nguyễn Văn Liễu chia sẻ về Phương pháp xác định nội dung dự án triển khai; Phương thức tổ chức, quản lý, điều hành thực hiện dự án. Tiếp đó là bài giảng của ông Phạm Công Hoạt về Phương pháp triển khai dự án và Phương pháp duy trì, nhân rộng kết quả dự án.
Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đưa ra nhiều câu hỏi đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án và được lãnh đạo Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi, Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Vụ Khoa học công nghệ và Các ngành kinh tế kỹ thuật giải đáp thấu đáo.
Đa số các ý kiến đánh giá của các đại biểu đều cho rằng, sau 3 năm triển khai, thông qua việc hỗ trợ ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ thích hợp vào sản xuất, Chương trình Nông thôn miền núi đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên địa bàn thực hiện dự án, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số.
Tin, ảnh: Hoàng Anh