Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hội nhập Quốc tế Thứ bảy, 19/04/2025 , 04:39 am
Cập nhật : 26/10/2013 , 09:10(GMT +7)
Nâng cao năng lực quản lý đổi mới sáng tạo tại Việt Nam
ây chuyền sản xuất của Công ty Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông. Nguồn: rangdong.vn
Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) đã và đang góp phần khơi dậy hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Giai đoạn II của Chương trình sẽ được triển khai từ năm 2014 - 2018 với kinh phí dự kiến khoảng 10 triệu Euro. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TS TRẦN QUỐC THẮNG, GIÁM ĐỐC CHƯƠNG TRÌNH IPP tại Việt Nam về một số vấn đề xung quanh việc triển khai giai đoạn II của chương trình.

- Xin Ông cho biết mục tiêu tổng thể của Chương trình IPP là gì?

- IPP là một trong những chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tiên do Chính phủ Phần Lan thực hiện trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo (ĐMST). Trên thế giới, các chương trình tương tự do Phần Lan tài trợ đã được thực hiện ở Nam Phi, Tanzania, Mozambic và một số nước ở châu âu. Ở Việt Nam, IPP là một trong những chương trình ODA không hoàn lại của Phần Lan dành cho Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng cường hệ thống ĐMST quốc gia (NIS).

IPP là nỗ lực của hai Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển hệ thống ĐMST quốc gia tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 với nền kinh tế trí thức thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tăng cường hiệu quả mối liên kết giữa 3 nhà: nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà quản lý; thúc đẩy sáng tạo, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp; hình thành, phát triển các doanh nghiệp KHCN mới.

- Ông có thể đánh giá khái quát về những kết quả đã đạt được của chương trình trong thời gian qua?

- Giai đoạn I của Chương trình được thực hiện từ năm 2009 đến năm 2013 với ngân sách hoạt động 7 triệu Euro dưới sự quản lý của Bộ KH - CN Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan. Đây là giai đoạn khởi động và đã đạt được những kết quả tích cực.

Thứ nhất, nhận thức của xã hội về ĐMST đã tăng lên. Trước đây, chúng ta nâng cao năng lực phát triển kinh tế dựa vào nhân công giá rẻ, nguyên liệu thô và có những chính sách phù hợp để tạo động lực phát triển kinh tế, nhưng nếu giờ chúng ta vẫn tiếp tục dựa vào những yếu tố trên sẽ không bền vững. Điều cần thiết phải dựa vào tri thức để tạo ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, nâng cao giá trị sản phẩm. Đó chính là ĐMST. Những hoạt động của IPP trong giai đoạn I vừa qua đã góp phần nâng tầm nhận thức về ĐMST của xã hội. Từ các nhà hoạch định chính sách, đội ngũ quản lý hoạt động KHCN; các viện nghiên cứu, trường đại học đến doanh nghiệp càng ngày càng quan tâm đến Chương trình IPP, cũng đồng nghĩa với quan tâm đến ĐMST, đến mục đích sống còn của doanh nghiệp là đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh. Đây là điều tôi rất tâm đắc trong giai đoạn I.

Thứ hai, thông qua IPP, nhiều tiểu dự án có tính chất thí điểm đã tạo được mối liên kết rất hiệu quả giữa người tạo ra tri thức (các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học), tạo ra công nghệ, đổi mới công nghệ với doanh nghiệp, kết hợp cơ chế tạo điều kiện của chương trình. Thành công bước đầu rất khả quan đối với các doanh nghiệp.

- Vậy, khó khăn lớn nhất mà chương trình đã gặp trong thời gian triển khai tại Việt Nam là gì, thưa Ông?


- Khó khăn lớn nhất là cơ chế, đặc biệt là cơ chế tài chính chưa phù hợp. Hiện Bộ KH - CN và một số bộ liên quan đang phối hợp để đổi mới vấn đề này. Thứ hai, ban đầu chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý một dự án rất mới về ĐMST. Việc này sẽ được khắc phục trong thời gian tới. Hiện Bộ KH - CN đang xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, đặc biệt là quản lý tài chính trong hoạt động KH - CN. Trong hồ sơ dự án giai đoạn II, chúng tôi cũng sẽ xây dựng hướng dẫn về cơ chế tài chính để phù hợp với quy định của Việt Nam, phù hợp với nhà tài trợ và tạo điều kiện để thực hiện dự án một cách thành công.

- Trong giai đoạn I, các tiểu dự án thuộc cả 4 lĩnh vực hoạt động chính của chương trình còn bị chậm so với tiến độ nhưng đã được triển khai đạt mục tiêu đề ra, đảm bảo chương trình được triển khai thành công. Vậy, trong giai đoạn II, Ban chỉ đạo sẽ có giải pháp gì để các tiểu dự án không bị rơi vào tình trạng chậm tiến độ, thưa Ông?

- Như đã nói ở trên, đây là một dự án đầu tiên có tính chất hệ thống về ĐMST nên kinh nghiệm để quản lý dự án cũng chưa nhiều. Hoạt động ĐMST cũng là hoạt động còn khá mới tại Việt Nam. Do đó, giai đoạn I chưa thực hiện được đúng tiến độ như kế hoạch của dự án, đặc biệt giai đoạn khởi động, chuẩn bị cho dự án hơi dài.

Trong giai đoạn II, chúng tôi sẽ khắc phục điều này. Đồng thời nâng cao hơn nữa năng lực quản lý và tăng cường công tác tuyên truyền. Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia Chương trình nhưng cách tiếp cận và xây dựng dự án chưa thực sự hợp lý nên cũng không có điều kiện tham gia. Đây cũng là điều cần phải rút kinh nghiệm trong giai đoạn II. Trong giai đoạn I vừa qua, chúng tôi đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, hỗ trợ cho các nhà quản lý hoạt động KHCN, quản lý ĐMST, hỗ trợ cho doanh nghiệp cách tiếp cận và thực hiện ĐMST.

- Qua quá trình thực hiện giai đoạn I của Chương trình, Việt Nam đã học hỏi được kinh nghiệm gì từ các doanh nghiệp ĐMST của Phần Lan, thưa Ông?

- Điều đầu tiên, có thể nói là làm ĐMST đừng sợ mạo hiểm, đừng sợ thất bại. Trong ĐMST có thể có những thất bại, nếu chúng ta biết cách đi đúng, sẽ tránh được rủi ro. Chúng ta cũng học tập được từ họ ý chí quyết tâm và tinh thần khoa học của các nhà doanh nghiệp. Họ dựa vào khoa học, dựa vào công nghệ (những viện, trường - nơi sản sinh ra tri thức, công nghệ) để phát triển. Chúng ta cũng học được từ các viện, trường, nhà khoa học của Phần Lan ý chí và tinh thần doanh nghiệp; việc nghiên cứu, chuyển giao những gì doanh nghiệp cần, chứ không chỉ làm những gì ta biết, ta có hay ta thích.

- Theo Ông, để thực hiện thành công Chương trình IPP trong giai đoạn II cần tập trung vào những điểm cốt lõi nào?

- Trong giai đoạn II, chúng tôi vẫn thực hiện theo 4 cấu phần của giai đoạn I, đó là: hoàn thiện thể chế; nâng cao năng lực ĐMST; hỗ trợ các sáng kiến, dự án ĐMST của doanh nghiệp thông qua quan hệ viện, trường - doanh nghiệp; hợp tác Việt Nam - Phần Lan. Tuy nhiên, giai đoạn II sẽ nhấn mạnh thêm hoạt động kết hợp, lồng ghép giữa Chương trình IPP với các chương trình Bộ KH - CN hiện đang thực hiện như: Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020: Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ...

Việc lồng ghép như vậy sẽ giúp các chương trình hỗ trợ lẫn nhau, học hỏi kinh nghiệm, tăng cường tiềm lực, tập trung nguồn lực để hướng đến mục tiêu rất quan trọng của Bộ KH - CN là đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp và lấy doanh nghiệp làm trung tâm hoạt động của ĐMST, đổi mới công nghệ.

- Xin Ông cho biết nguồn kinh phí IPP sẽ tài trợ thực hiện trong giai đoạn II. Kỳ vọng của Ông khi thực hiện giai đoạn II là gì?

- Chương trình đã hoàn thiện giai đoạn I với tổng kinh phí 7 triệu Euro (trong đó 89% do Chính phủ Phần Lan tài trợ, 11% kinh phí đối ứng của chính phủ Việt Nam). Giai đoạn II, Chính phủ Phần Lan dự kiến sẽ hỗ trợ 10 triệu Euro.

Với kế hoạch đặt ra, trong giai đoạn II, chúng tôi kỳ vọng số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia vào IPP và số lượng doanh nghiệp thành công sẽ tăng lên. Đặc biệt, việc kết hợp một số chương trình quốc gia với IPP có thể sẽ tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng của các vùng miền Việt Nam nhưng mang thương hiệu quốc gia.

Cùng với đó, thông qua giai đoạn II, hy vọng năng lực quản lý ĐMST, đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động KH - CN, hoạt động ĐMST sẽ được tăng cường. Các đơn vị trực thuộc Bộ KH - CN tham gia Chương trình như  Trường Quản lý KH - CN, Viện Chiến lược và Chính sách KH - CN,... cũng sẽ nâng cao năng lực đào tạo, đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với hoạt động KH - CN và ĐMST.

- Xin cám ơn Ông!

Nguồn tin: Báo Đại biểu nhân dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner