Chương trình chia sẻ tri thức (KSP) 23/24 tại Việt Nam được kỳ vọng, sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý điều hành của Quỹ đổi mới công nghệ (ĐMCN) quốc gia trong hoạt động hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp ĐMCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST); thiết lập hệ sinh thái ĐMCN cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong việc phối hợp xây dựng hệ sinh thái ĐMCN cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Phát triển kinh tế - xã hội dựa vào tri thức, chuyển giao công nghệ
Ngày 22/4/2024, tại Hà Nội, Quỹ ĐMCN quốc gia đã tổ chức Lễ khởi động Chương trình KSP 23/24 tại Việt Nam.
Toàn cảnh buổi Lễ.
Phát biểu khai mạc, ông Kyungwook Hur, Cố vấn cấp cao Chương trình KSP 23/24 tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Tài chính Quốc tế Hàn Quốc cho biết, Chương trình KSP 23/24 là sáng kiến chia sẻ tri thức tiêu biểu của Hàn Quốc nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế và các nỗ lực tái cơ cấu thể chế của các quốc gia đối tác phát triển thông qua chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các quốc gia đối tác của Chương trình. Chương trình KSP 23/24 tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào hợp tác tri thức, nâng cao năng lực trong quá trình ĐMCN và ĐMST cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.
Hiện nay, có khoảng 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 40% GDP ở Việt Nam, do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ĐMCN đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Ông Kyungwook Hur mong muốn, dự án sẽ giúp thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) và ĐMCN cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam; là cơ hội để tăng cường hợp tác bền chặt giữa hai quốc gia.
Cố vấn cấp cao Chương trình KSP 23/24 tại Việt Nam Kyungwook Hur phát biểu tại buổi Lễ.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Thế Ích, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ ĐMCN quốc gia nhấn mạnh, trong những năm qua, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đã và đang được Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược, là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đưa Việt Nam sớm đạt mục tiêu trở thành nước có nền công nghiệp phát triển hiện đại vào năm 2030 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), phát triển kinh tế - xã hội dựa vào tri thức, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật từ nước ngoài vào Việt Nam là một trong những chủ trương định hướng của Đảng và Chính phủ. Theo đó, nhiều giải pháp chính sách đã được đưa ra, bao gồm các thể chế, cơ chế tài chính nhằm tăng cường năng lực công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.
Với vai trò là tổ chức tài chính trực thuộc Bộ KH&CN, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận với các hoạt động chính gồm cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ vốn (từ nguồn ngân sách nhà nước) nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ; đến nay, Quỹ đã xây dựng đầy đủ hệ thống văn bản chính sách để thực hiện các chức năng nhiệm vụ và bước đầu đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hệ sinh thái ĐMCN và ĐMST của Việt Nam đang bước sang giai đoạn mới, cần thúc đẩy hơn nữa sự kết nối và hợp tác để tận dụng hiệu quả các nguồn lực, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMCN và ĐMST, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái KNST. Vì vậy, Quỹ sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức hoạt động hiệu quả, nâng cao năng lực quy trình nghiệp vụ, xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin và tri thức để thực hiện tốt vai trò của mình và hỗ trợ các doanh nghiệp ĐMCN.
Phó Giám đốc phụ trách Quỹ ĐMCN quốc gia Nguyễn Thế Ích phát biểu tại buổi Lễ.
Ông Nguyễn Thế Ích cho biết, sau khi nộp đề xuất, Quỹ được Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (thông qua Viện Phát triển Hàn Quốc - KDI) hỗ trợ nguồn lực để thực hiện dự án “Hợp tác chuyển giao tri thức và nâng cao năng lực của các tổ chức hỗ trợ ĐMCN và KNST cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam”. Ông Nguyễn Thế Ích mong muốn, Chương trình sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý điều hành của Quỹ trong hoạt động hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp ĐMCN, ĐMST; thiết lập hệ sinh thái ĐMCN cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong việc phối hợp xây dựng hệ sinh thái ĐMCN cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái KNST, ĐMCN cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo ông Yoon Sangkey, Tham tán Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc, đồng thời doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang tích cực mở rộng thị trường sang Hàn quốc; qua đó thúc đẩy dự án kịp thời đưa ra những khuyến nghị chính sách cho hệ sinh thái KNST, ĐMCN ở Việt Nam, đem lại những đổi mới tích cực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
Tham tán Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam Yoon Sangkey phát biểu tại buổi Lễ.
Báo cáo tại buổi Lễ, ông Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ ĐMCN quốc gia nhấn mạnh, để phát triển hệ sinh thái KNST, ĐMCN cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh mẽ hơn nữa, thời gian tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam cần chủ động nghiên cứu, làm chủ các công nghệ; đẩy mạnh ĐMST trong doanh nghiệp; nâng cao năng lực quản lý, tiếp cận công nghệ mới, nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài...
Chánh Văn phòng Quỹ ĐMCN quốc gia Chử Đức Hoàng báo cáo tại buổi Lễ.
Trong khuôn khổ buổi Lễ, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung: Thiết lập hệ sinh thái ĐMCN cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam; Phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp vừa và nhỏ ĐMCN dựa trên Hiệp hội Innobiz; Nâng cao năng lực của Quỹ ĐMCN quốc gia với tư cách là cơ quan tài trợ toàn diện hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ĐMCN tại Việt Nam.
Đồng thời, các nhà quản lý, các nhà khoa học Hàn Quốc đã chia sẻ, thảo luận về kinh nghiệm thực tiễn quản lý và cách thức phát triển hệ sinh thái ĐMST; cải thiện cơ cấu tổ chức, quy trình, cơ chế hoạt động và nâng cao năng lực quản trị, vận hành của Quỹ; góp phần thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp ĐMCN của Việt Nam.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.
Bài, ảnh: Thùy Linh