NATIF ra đời bảy năm trước nhằm đáp ứng mong mỏi đó của các doanh nghiệp với kỳ vọng sẽ thổi làn gió mới vào việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua cả hoạt động tài trợ cho đổi mới công nghệ và vay vốn, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ lãi suất vay cho các doanh nghiệp dựa trên việc đánh giá, định giá tiềm năng công nghệ. Tuy nhiên khi đi vào hoạt động, những khó khăn mới bắt đầu xuất hiện. “Quỹ của chúng tôi chính thức hoạt động từ 2015, đến nay là bảy năm. Tuy nói là bảy năm nhưng thực chất chỉ có thể triển khai cho hoạt động đổi mới KH&CN, đổi mới sáng tạo có ba năm từ 2015 đến 2017 thôi. Còn từ năm 2018 đến nay, hầu như chưa thể triển khai hoạt động hỗ trợ cho đổi mới công nghệ”, TS. Phan Hồng Sơn, Phó giám đốc Quỹ cho biết.
Theo lý giải của anh, vào đúng thời điểm quỹ khai trương hoạt động thì Luật Ngân sách nhà nước 2015 mới ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2017, trong đó có một số thay đổi ảnh hưởng đến Quỹ, đặc biệt về cơ chế cấp kinh phí cho các quỹ tài chính của nhà nước. Theo quy định trước, ngân sách vẫn cấp kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước nhưng theo luật mới, ngân sách nhà nước sẽ dừng rót kinh phí cho các quỹ này. Do đó, kể từ năm 2017, thay vì cấp kinh phí hoạt động hằng năm thì ngân sách nhà nước sẽ chỉ cấp cho Quỹ đủ vốn điều lệ một lần và đa số các quỹ tài chính nhà nước đều chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ.
Thay đổi mới này khiến cho bắt đầu từ năm 2018, NATIF không còn đủ nguồn lực để triển khai các hoạt động như mục đích ban đầu. Để tiếp tục con đường của mình, NATIF phải xây dựng điều lệ hoạt động mới. Vào tháng 1/2021, điều lệ mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho Quỹ, trong đó quy định NATIF là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc Bộ KH&CN, hoạt động phi lợi nhuận theo mô hình công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ. “Trong thời gian sắp tới, chúng tôi xác định mục tiêu của quỹ là xây dựng quỹ phát triển, hoạt động hiệu quả, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Phan Hồng Sơn nói.
Nguyên tắc bảo toàn vốn
Tới đây, với mục tiêu hoạt động sắp tới, với đầy đủ các quy định tại Điều lệ mới (Quyết định số 04/2021 của Thủ tướng Chính phủ), không chỉ dừng ở việc tài trợ như trước nữa, NATIF sẽ phải tập trung vào các nhiệm vụ còn lại, gồm: cho vay ưu đãi theo hai phương thức cho vay trực tiếp (từ NATIF cho doanh nghiệp vay) và cho vay gián tiếp (thông qua phối hợp với ngân hàng thương mại) để cho vay ưu đãi cho các doanh nghiệp có dự án, nhiệm vụ đầu tư đổi mới công nghệ; Quỹ hỗ trợ lãi suất vay đối với doanh nghiệp đã hoàn thành các dự án đầu tư đổi mới công nghệ nhằm thực hiện nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, chuyển giao, đổi mới công nghệ; Tiếp nhận vốn viện trợ, đóng góp.
Trong các tổ chức tín dụng hiện nay, chỉ có NATIF mới có thể đứng ra giúp bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn bằng chính công nghệ của họ, như GS.TS Hoàng Văn Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, nguyên Chủ tịch NATIF giải thích là phải chứng minh được với “các ngân hàng, nhà kinh doanh tiền tệ thấy được tiềm năng, thấy được công nghệ đó giúp doanh nghiệp nâng cao được năng suất, được ra được sản phẩm mới, tạo ra thị trường mới và sẽ đầu tư. Với sự bảo lãnh của một tổ chức nắm trong tay những thông tin về công nghệ ấy, minh chứng được sức mạnh của công nghệ ấy sẽ tạo cho doanh nghiệp có cơ hội được nâng cao năng suất”.
Nhưng Quỹ có đầu tư cho những dự án công nghệ đột phá có sức ảnh hưởng lớn đi kèm với đó là cả rủi ro mà thường có thiên hướng hỗ trợ trong vùng “an toàn” hay không vẫn là một câu hỏi, như ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ trao đổi tại hội thảo. “Có thể nói, các đối tượng được hưởng ưu đãi của Quỹ phần lớn là “lành tính” hơn so với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hiện nay, vì các doanh nghiệp này chủ yếu thực hiện công tác chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ, ngoài ra một phần trong số họ cũng là các doanh nghiệp đạt giải thưởng trong chương trình, cuộc thi quốc gia...”. Đó là chưa kể, để thực hiện được mục tiêu thu hút, tiếp nhận vốn từ các nguồn khác (đến 2025 tiếp nhận 1000 tỉ) thì “cần phải có sự “bứt phá”, “khác lạ” và đâu đó có tính “mạo hiểm” trong hoạt động của Quỹ. Vậy, trong khuôn khổ tỷ lệ % rủi ro mà Quỹ có thể chấp nhận được thì các hoạt động nằm trong khuôn khổ đó phải làm sao mang tính “hấp dẫn” đối với xã hội và với các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân nước ngoài”, ông Nguyễn Văn Thân nói.
Nhưng dù sẽ tiếp tục hoạt động an toàn hay là đòi hỏi có sự bứt phá thì NATIF vẫn đang đứng dưới một chiếc ô “bảo toàn vốn” của Luật Ngân sách công. Bước sang một giai đoạn mới, NATIF được hoạt động dưới chiếc áo mới là mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ, mà theo lời giải thích của GS.TS Hoàng Văn Phong là “quỹ phải trở thành một tổ chức kinh doanh”, mà kinh doanh ở đây thì “phải làm sao giảm rủi ro, có lãi, lấy tiền nuôi lại bộ máy” và bảo toàn được 100% đồng vốn của nhà nước đã giao cho.
Nếu muốn tiếp tục nằm trong lưới an toàn, Quỹ có thể sử dụng vốn hiện có (theo Điều lệ mới là 2000 tỉ) liên kết với các ngân hàng, để ủy thác cho ngân hàng và cho vay nhưng lúc này Quỹ không có cơ hội phát triển bứt phát. “Thế thì cái quỹ này làm sao mà phát triển được? Dựa vào ngân hàng thì họ cầm trịch, họ nói gì nghe thế. Chưa kể là các ngân hàng họ không mặn mà lắm vì quy định của quỹ thì chỉ được lấy lãi suất bằng 80% lãi của ngân hàng lớn”, ông Nguyễn Văn Thân cho biết. Theo ông Thân, đây không chỉ là cái khó của riêng NATIF mà là cái khó chung của các quỹ có quy mô nhỏ tương tự, như chính Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do ông làm chủ tịch hay quỹ khác như Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ cũng đang gặp phải, cho nên “phải thay đổi, nếu không thay đổi thì không cho vay được”.
Ông Nguyễn Văn Thân gợi ý, NATIF có thể liên kết với các quỹ khác, các công ty quản lý quỹ đã có kinh nghiệm phát triển, thẩm định những dự án rất tiềm năng không mạo hiểm và rủi ro nữa mà vẫn bảo toàn được vốn. Việc các quỹ, chẳng hạn như NATIF, Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc các quỹ khác cùng liên kết lại với nhau theo hình thức “ba cây chụm lại” sẽ cùng giúp giảm rủi ro và chia sẻ kinh nghiệm quản lý quỹ. Khi đã có kinh nghiệm thu hút vốn, đánh giá thẩm định giá trị công nghệ thì NATIF có thể sẽ trở thành công ty quản lý nhiều quỹ khác nhau chứ không chỉ một nguồn quỹ.
Một khía cạnh khác quan trọng không kém việc bảo lãnh hay cho vay mà NATIF cần phát huy, là việc xây dựng cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ, bắc cầu cho phía có công nghệ là giới nghiên cứu trong và ngoài nước với khu vực doanh nghiệp đang mong muốn đổi mới, theo GS.TS Hoàng Văn Phong. “Nếu tôi điều hành Quỹ, tôi sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu rất đầy đủ: Sản phẩm nào được Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm? Có bao nhiêu loại sản phẩm, mỗi loại sản phẩm ấy có bao nhiêu doanh nghiệp tham gia, từ những sản phẩm ấy có thể tuyển chọn, lựa chọn, hoặc kêu gọi tham gia vào các công nghệ mà quỹ có thể giới thiệu được. Dữ liệu thứ hai là dữ liệu công nghệ, công nghệ đó xuất xứ ở đâu, trình độ ở mức độ nào, khả năng biến thành công cụ cho các doanh nghiệp nào. Sức mạnh lớn nhất của Quỹ là có bao nhiêu công nghệ giới thiệu đi, nắm bao nhiêu doanh nghiệp cần công nghệ đấy, thảo luận cùng với họ xem nếu công nghệ ấy vào tay họ thì làm năng suất tăng bao nhiêu lần, sản phẩm chiếm lĩnh được bao nhiêu thị trường, từ đó doanh số tăng lên bao nhiêu, và chứng minh rằng ngân sách ít, nhưng tôi làm ra được gấp 10 lần 20 lần ngân sách bỏ ra”, GS.TS Hoàng Văn Phong nói. Tuy nhiên đây là việc không thể ngày một ngày hai mà có thể mất 5 – 10 năm, và cũng phụ thuộc cả vào tiềm lực KH&CN trong nước có sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp hay không.
Đây không phải là lần đầu tiên NATIF gặp khó khăn. Nhưng dù đối diện với những thách thức như vậy, NATIF vẫn muốn bước tiếp vào một giai đoạn mới, với mục tiêu ngoài vốn điều lệ thì thu hút thêm nguồn vốn hoạt động - tăng ít nhất 1.000 tỷ đồng, tiếp nhận trên 1.000 đề xuất, ý tưởng cần hỗ trợ tài chính để triển khai các nhiệm vụ, dự án về đổi mới công nghệ; đến cuối năm 2025 có khoảng 90 lượt vay vốn ưu đãi với doanh số cho vay giải ngân trên 700 tỷ đồng, 80 doanh nghiệp, tổ chức được hỗ trợ vốn, hỗ trợ lãi suất vay vốn của Quỹ và từ các chương trình, nhiệm vụ KH&CN do Bộ KH&CN giao với kinh phí trên 300 tỷ đồng; hợp tác, liên kết được với ít nhất 4 ngân hàng thương mại, 10 hiệp hội doanh nghiệp, các quỹ, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế cùng đầu tư hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ.