Thời gian qua, nhờ những chính sách tài chính mới, khoa học và công nghệ (KHCN) Việt Nam đã có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, trên thực tế chính sách này vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đây chính là "điểm nghẽn" trong hoạt động KHCN cần được tháo gỡ trong giai đoạn tới để đẩy nhanh sự phát triển của KHCN.
Cần tăng đầu tư
Nếu đến Hàn Quốc, không khó để nhận thấy rằng quốc gia này từ đống đổ nát sau chiến tranh nhưng chỉ khoảng nửa thế kỷ họ đã có bước phát triển vượt bậc nhờ yếu tố con người và KHCN. Lãnh đạo Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến KHCN, cụ thể là cho xây dựng Viện Nghiên cứu KHCN Hàn Quốc (KIST) từ năm 1967. Nhiều giáo sư Hàn Quốc đang làm việc ở nước ngoài được mời về với chế độ nhà ở, tiền lương cao gấp nhiều lần so với thu nhập chung của xã hội. Từ KIST, nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực đóng tàu, chất bán dẫn, điện tử... đã ra đời và chinh phục thế giới bằng thương hiệu Posco, Hyundai, Samsung, LG... Năm 2011, tổng đầu tư cho KHCN của Hàn Quốc là khoảng 46,5 tỷ USD, trong đó Nhà nước đầu tư 13,2 tỷ USD (chiếm 28,3%). Phần kinh phí còn lại thuộc về các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp. Hiện nước này dành tới 4,5% GDP đầu tư cho hoạt động KHCN, vươn lên đứng thứ 6 thế giới về giao dịch thương mại trong khi dân số chỉ hơn 50 triệu dân với thu nhập đầu người trung bình khoảng 21.000 USD/năm.
Tại Trung Quốc, 5 năm qua Quỹ khoa học tự nhiên quốc gia đã chi hơn 15 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 2,37 tỷ USD, khoảng 45 nghìn tỷ đồng cho các nghiên cứu về khoa học tự nhiên) và hỗ trợ 113.742 dự án nghiên cứu.
Còn ở Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, tỷ lệ đầu tư cho KHCN từ ngân sách nhà nước tính trên GDP của Việt Nam là 0,5%, không thấp so với thế giới. Nhưng mức đầu tư của xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước cho KHCN còn rất thấp, khoảng 0,3-0,4% GDP. Như vậy, tổng đầu tư của Việt Nam cho KHCN hằng năm vẫn dưới 1% GDP. Nếu tới năm 2020, tổng mức đầu tư cho KHCN của Việt Nam không đạt 2% GDP sẽ rất khó để chúng ta thành công trong công cuộc CNH, HĐH đất nước.
Bộ trưởng cho biết thêm, thời gian tới, đầu tư cho KHCN cần tập trung vào đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ KHCN của đất nước để tăng hàm lượng tri thức trong mỗi sản phẩm hàng hóa, xây dựng đội ngũ lao động có trình độ cao. Trong từng giai đoạn và yêu cầu phát triển của đất nước thì ngân sách đầu tư cho KHCN có thể gia tăng. Với ngân sách dành cho khoa học còn nhiều hạn chế nhưng nếu biết đầu tư đúng hướng, quản lý tốt cùng với nguồn lực xã hội huy động được thì sẽ đạt hiệu quả.
Thay đổi theo hướng nào?
Không còn cách nào khác, để "cởi trói" sức sáng tạo của các nhà khoa học, thu hút nhân lực có trình độ cao cần có những chính sách quyết liệt hơn nữa. Đây chính là nhiệm vụ và thử thách không nhỏ cho ngành KHCN thời gian tới.
Theo GS Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Chủ tịch Viện KHCN Việt Nam, sai lầm của chúng ta bấy lâu là chú ý đầu tư cho cơ sở vật chất mà không đầu tư cho con người để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật đó. Tập thể khoa học mạnh cũng chưa được chú trọng trong khi con người mới là yếu tố quyết định mọi sự thành công.
Một trong những giải pháp đổi mới hiện nay được nhiều nhà khoa học đưa ra là hướng đến cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu trong nghiên cứu khoa học. Theo ông Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ KHCN và môi trường (Bộ NN&PTNT), cơ chế khoán sẽ mang lại lợi ích lớn cho hoạt động KHCN của nước ta nhằm giảm bớt các khâu về thủ tục hành chính rườm rà, giúp cho các nhà khoa học chuyên tâm trong công tác nghiên cứu, phát huy năng lực sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Thực tế hiện nay các cơ chế hiện hành không phát huy được hiệu quả trong công tác nghiên cứu, nhiều khi gây cản trở không nhỏ tới năng suất và hiệu quả nghiên cứu của các nhà khoa học.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, trong bối cảnh hiện nay, đầu tư cho KHCN cần phải quan tâm, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. "Tôi được biết, hiện cả 5 bộ, ngành: Công thương, KHCN, Tư pháp, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đều có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhưng dường như các cơ quan này chưa kết nối được với nhau và trong cảnh "đèn ai nấy rạng".
Thiết nghĩ, nếu một doanh nghiệp được hỗ trợ cả 5 lĩnh vực trên sẽ rất hữu ích cho chính họ và cho đất nước" - ông Đông nhấn mạnh.
Với những người làm KHCN hiện nay, cơ chế tài chính là nỗi "ám ảnh", làm nản lòng các nhà khoa học sử dụng kinh phí nhà nước, làm giảm hiệu quả nghiên cứu khoa học, cản trở quá trình đưa kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất. Trong thời gian tới, để động viên khuyến khích đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, Đảng và Nhà nước ta cần thiết phải đổi mới chính sách đối với đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, từ đào tạo, tuyển chọn, quản lý, sử dụng đến chính sách đãi ngộ, khen thưởng và tôn vinh các nhà khoa học để các nhà khoa học được hưởng thụ sự đãi ngộ tương xứng với giá trị đóng góp.
Ánh Tuyết