Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Năng lượng nguyên tử Thứ bảy, 23/11/2024 , 07:20 am
Cập nhật : 05/04/2011 , 12:04(GMT +7)
Mức phóng xạ ở ta chưa ảnh hưởng sức khỏe
Đo độ nhiễm xạ cho trẻ tại Nhật Bản. Ảnh: minh họa - Internet
Thông tin một số nơi ở Việt Nam phát hiện phóng xạ làm nhiều người lo lắng. TS Đặng Thanh Lương, Phó Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ, hạt nhân (Bộ Khoa học - Công nghệ) khẳng định, nồng độ phóng xạ đo được ở các điểm trên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Nồng độ phóng xạ thấp hơn 500.000 lần so với chuẩn Việt Nam

Thông tin đã phát hiện nồng độ phóng xạ ở Việt Nam đang làm người dân lo ngại, xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

- Kết quả đo nồng độ 2 đồng vị phóng xạ I-131 và Cs-137 chỉ là hàm lượng để các nhà khoa học ghi nhận. Nồng độ phóng xạ đo được ở Việt Nam thấp hơn khoảng 500.000 lần so với giá trị giới hạn trong quy định tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). So với khí radon là chất phóng xạ trong nhà thì radon còn cao hơn gấp hàng triệu lần. Vì thế sự phát hiện nồng độ phóng xạ ở Việt Nam không gây bất cứ ảnh hưởng nào đến người dân.

Có ý kiến cho rằng, bầu không khí của chúng ta hiện nay cũng đang có phóng xạ. Xin ông cho biết thực hư?

- Đúng vậy. Phóng xạ là một tính chất vật chất, có khả năng phát ra các tia bức xạ làm ion hóa các vật chất (gọi là tia bức xạ ion hóa vật chất). Chất phát ra các tia bức xạ gọi là chất phóng xạ.

Bức xạ có khắp nơi trong môi trường, mức độ phóng xạ phụ thuộc vào địa điểm, thành phần của đất, vật liệu xây dựng, mùa, vĩ độ, và cả thời tiết... Trong không khí luôn có lượng phóng xạ. Chất radon sinh ra từ đất cát, tường nhà, vật dụng... cũng luôn phát ra bức xạ (cao gấp hàng triệu lần so mức phóng xạ đo được).

Chất phóng xạ có 2 hình thức. Một là các máy phát tia X (máy phát phóng xạ), nếu ngắt điện sẽ không phát tia nữa. Hai là các vật chất có bản chất sinh ra chất phóng xạ (tự nó phát ra và lúc nào cũng phát tia phóng xạ), tồn tại nhiều trong trái đất, có trong đất đá, nhà cửa... là những chất phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên. Có thời kỳ gạch men cũng có nhiều chất phóng xạ nguồn gốc tự nhiên.

Ngay cả rau, hoa quả và cơ thể con người cũng có chất phóng xạ (Kali trong cơ thể người cũng gây ra chất phóng xạ gọi là Kali 40). Một số chất phóng xạ khác do con người tạo ra trong phòng thí nghiệm, lò phản ứng... gọi là các chất phóng xạ nhân tạo.

Không thể phát hiện phóng xạ bằng mắt thường

Xin ông cho biết làm thế nào để phát hiện được bầu không khí hoặc rau củ quả có chất phóng xạ?

- Rất khó để phát hiện phóng xạ bằng mắt thường. Như tôi đã nói, phóng xạ có trong bầu không khí, và hàng ngày mọi người vẫn hít thở mà không cảm nhận được nó. Điều này chỉ có thể được phát hiện (một liều bức xạ nào đó) khi vào bệnh viện khám, chụp X.quang.

Về rau củ quả, rất khó phát hiện nếu không qua kiểm tra nồng độ vì chất phóng xạ không thể nhìn bằng mắt thường. Phóng xạ có trong rau củ quả do bám trên lá hoặc phóng xạ lắng xuống đất, rồi thẩm thấu trong nước, sau đó rau quả hút nước lên và phóng xạ theo vào thân cây cối, rau củ quả.

Xin ông cho biết cơ chế phóng xạ tác động để gây bệnh ở người?

- Cơ chế bức xạ tác động vào con người qua 3 con đường. Một là chiếu xạ từ bên ngoài vào người (nguồn bức xạ nằm ngoài cơ thể, tia xạ phát ra từ nguồn đâu đó, chiếu vào người - gọi là chiếu xạ ngoài); Hai là chiếu xạ trong (chất phóng xạ nằm trong không khí, hit thở và tác động vào phổi, nếu lớn sẽ gây những vết thương trong phổi, triệu chứng ung thư và mắc bệnh ung thư). Ba là qua đường ăn uống.

Tuy nhiên, bức xạ ion hóa vào cơ thể phải ở hàm lượng cao mới có thể gây bệnh. Ở liều lượng cao, chúng có khả năng ion hóa, làm tiêu hóa vật chất, tế bào, làm hỏng các chức năng di truyền của ADN... tạo các mầm ung thư gây bệnh ung thư. Riêng ở Việt Nam, chất phóng xạ trong không khí và thực phẩm chưa ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Phóng xạ có ảnh hưởng gì tới nguồn điện không, thưa ông?

- Điện, nước ở Nhật Bản bị ảnh hưởng là do động đất, sóng thần, không phải do bức xạ. Còn ở Việt Nam hiện nay, nồng độ phóng xạ rất thấp, thậm chí nếu có ở mức độ cao hơn thì các nguồn điện, nhiệt không sao. Chúng chỉ bị ảnh hưởng khi bức xạ ở mức độ cực mạnh, không còn sự sống. Hoặc các ổ điện ở trong nguồn chiếu xạ mạnh như trung tâm chiếu xạ cao mới bị ảnh hưởng vì bức xạ có thể biến tấu vật liệu. Vì vậy người dân cũng không nên quá lo lắng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Hà Dương
Báo Gia đình & Xã hội


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner