Đoàn chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị chức năng đã tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc tại một số cơ sở nấu chì ở Bà Rịa - Vũng Tàu và mở rộng khu vực tìm kiếm đến huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Liên quan đến vụ việc nguồn phóng xạ Co-60 (nguồn phóng xạ thuộc nhóm 4) nhập về từ năm 2010 dùng để đo mức thép lỏng trên dây chuyền lò đúc số 3 của Nhà máy thép Pomina 3 đóng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị thất lạc khiến dư luận đang rất quan tâm, lo lắng. Xoay quanh vấn đề này phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ.
-Hiện nay dư luận đang rất quan tâm về việc thất lạc nguồn phóng xạ. Được biết, đoàn chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ do ông làm trưởng đoàn cũng đã dự họp và mang theo nhiều thiết bị dò tìm phóng xạ từ Hà Nội vào để hỗ trợ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn, để dư luận nắm rõ hơn tình hình nguồn phóng xạ này?
Ông Vương Hữu Tấn: Theo đánh giá của chúng tôi, nguồn phóng xạ Co-60 bị mất về mặt cường độ không phải nguồn phóng xạ lớn. Nếu so với nguồn phóng xa thất lạc ở Sài Gòn vào tháng 9/2013 nhỏ hơn 1.000 lần.
Điều đó không có nghĩa rằng nó không nguy hiểm. Bởi nguồn phóng xạ với cường độ như vậy nếu ở khoảng cách tiếp xúc 10 cm có thể gây ra liều chiếu xạ khoảng 2,5 mSv/giờ. Trong khi một người dân bình thường trong 1 năm chỉ được phép chịu một liều bức xạ 1mSV. Đặc biệt mức độ ảnh hưởng còn tùy thuộc vào thời gian, khoảng cách tiếp xúc, khoảng cách càng xa càng giảm.
Qua chuyến khảo sát vừa rồi, Bộ KH&CN cũng như là các đơn vị có liên quan đã đặt ra nhữnggiải pháp nào có thể tìm kiếm? Khi tìm kiếm được Bộ KH&CN sẽ đưa ra cách khắc phục như thế nào?
Thứ nhất về phía an ninh, công an sẽ điều tra xác định rõ những kênh có khả năng mang nguồn phóng xạ từ nhà máy ra ngoài. Khi khoanh vùng được đối tượng sẽ đặt ra các kịch bản để tìm kiếm. Tuy nhiên do hình thù của nguồn phóng xạ giống như cục sắt nên không loại trừ khả năng khi đưa ra ngoài xã hội nguồn phóng xạ sẽ được bán dạng phế liệu. Vấn đề quan trọng nhất cần phải tìm hiểu trong thời gian gần đây có ai bán nguồn phóng xạ này.
Thứ hai là trong bình chứa cả chì để cản phóng xạ, rất nhiều khả năng nguồn phóng xạ được mang đến cơ sở thu mua phế liệu để làm chì.
Thứ ba nếu thanh nguồn đó rớt ra đưa vào phế liệu có thể được bán trở lại cho các nhà máy tái chế thép, khi nấu lên nguồn đó sẽ lẫn vào các sản phẩm thép tái chế nên dùng thiết bị đo có thể ghi được phóng xạ. Do vậy chúng tôi cũng lên phương án đến các nhà máy tái chế thép để tìm.
Hiện nay, chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị chức năng đã tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc tại một số cơ sở nấu chì ở Bà Rịa - Vũng Tàu và mở rộng khu vực tìm kiếm đến huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Nếu giả sử nguồn phóng xạ chôn sâu dưới 10m, đo ở trên không nhận được thông tin sẽ tính đến phương án đào bới, đo đạc.
Vừa qua, TP. HCM đã có quyết định gắn các thiết bị định vị trên các nguồn có sử dụng chất phóng xạ. Liệu đây có phải là giải pháp tốt để đảm bảo an toàn trong hoạt động ứng dụng thiết bị phóng xạ hay không? Thời gian tới cần quản lý nguồn phóng xạ ra sao để tránh được trường hợp rủi ro như vậy?
Thực chất việc gắn chip đã được Việt Nam đã cam kết từ năm 2012 tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở Hàn Quốc. Tại Hội nghị, Việt Nam đã ký cam kết hợp tác với Hàn Quốc để thực hiện. Bước đầu Hàn Quốc sẽ viện trợ cho Việt Nam 30 bộ thiết bị để giám sát.
Ngay sau khi xảy ra vụ mất nguồn phóng xạ vào tháng 9/2013, tại TP.HCM, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo phải sửa đổi Thông tư quản lý an ninh nguồn phóng xạ (Thông tư 23), để đưa ra được các giải pháp kỹ thuật tối ưu nhất để kiểm soát được an ninh các nguồn phóng xạ hoạt động di động. Trong khi đó, những nguồn phóng xạ hoạt động di động là những đối tượng ưu tiên cần phải kiểm soát nhưng hiện nay các nước mới kiểm soát được về mặt nội dung. Về mặt kỹ thuật sẽ đặt ra yêu cầu cho hệ thống giám sát này. Thiết bị gắn vào nguồn phóng xạ phải có các yêu cầu kỹ thuật để giám sát được hai thông số quan trọng. Một là vị trí nó đang ở đâu, hai là có phóng xạ hay không có phóng xạ, để nguồn đó luôn truyền thông tin về hệ thống quản lý giám sát đặt tại Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân.
Bên cạnh đó, khi có bất kỳ thay đổi nào đó ngoài kiểm soát (mất tín hiệu phóng xạ)thiết bị giám sát sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo tới bộ phận quản lý tại Cục An toàn BXHN có thể biết nguồn đó là nguồn nào, của ai, đang ở độ nào. Đồng thời báo cho Sở KH&CN ở địa phương nơi nguồn phóng xạ đang định vị, báo cho chủ cơ sở quản lý nguồn đó.
Chắc chắn sau khi nhận được thông tin các bộ phận liên quan sẽ có hành động kịp thời, sẵn sàng xử lý ngay khi có bất thường.
Được biết đây là lần thứ 2 ở Việt Nam xảy ra việc mất nguồn phóng xạ, vậy trên thế giới đã từng có tiền lệ? Kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này ra sao, thưa ông?
Đây không phải là sự cố lần đầu ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Mặc dù các nước trên thế giới đều có quy định về quản lý nhưng tình trạng mất nguồn phóng xạ vẫn xảy ra .
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế năm 2013, từ năm 1993-2012 có 615 vụ mất nguồn. Trung bình mỗi năm có 35-40 vụ mất nguồn. Gần đây nhất vào tháng 3/2015, tại Ba Lan mất 20 nguồn phóng xạ tương tự như nguồn phóng xạ của Việt Nam, đến thời điểm này vẫn chưa tìm thấy.
Bài, ảnh: Bảo Chi