Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng trong kinh tế đối ngoại và phát triển kinh tế-xã hội của nước ta giai đoạn hiện nay.
Những năm gần đây, khoa học và công nghệ (KH&CN) nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, một phần là nhờ chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè và các đối tác trên thế giới.
Hội nhập quốc tế
Mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang là một trong những vấn đề thời sự, là yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển của mỗi nước. Cùng với những tiến bộ trên lĩnh vực KH&CN, mối liên hệ giữa các quốc gia ngày càng chặt chẽ. Xu hướng toàn cầu hoá thể hiện rõ ở sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế thế giới. Đứng trước xu thế phát triển tất yếu, nhận thức được những cơ hội và thách thức mà hội nhập đem lại, Việt Nam mới có thể khai thác hết những nội lực sẵn có để tạo ra những thuận lợi phát triển kinh tế.
Với mục đích đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH&CN, Bộ KH&CN đã thành lập Ban chỉ đạo các hoạt động hội nhập của Bộ gồm các đơn vị liên quan trong Bộ như Vụ HTQT, Vụ Tổ chức Cán bộ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục Sở hữu trí tuệ… có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hội nhập, thực thi các cam kết quốc tế của ngành, bổ sung và hoàn thiện pháp luật hiện hành của Việt Nam theo hướng phù hợp với định chế của WTO và các cam kết quốc tế khác, xây dựng và triển khai đề án đổi mới quản lý và phương thức hoạt động của các cơ quan thực thi trong nước.
Ban Hội nhập kinh tế quốc tế đã hoạt động tích cực nhằm duy trì và mở rộng hoạt động HTQT, tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của các nước và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực KH&CN nhằm phục vụ đắc lực công tác hội nhập kinh tế quốc tế.
Tính đến nay nước ta đã có quan hệ hợp tác về KH&CN với trên 70 nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Không những quy mô hợp tác được mở rộng mà hình thức, nội dung hợp tác cũng đã trở nên đa dạng, thiết thực hơn với nhu cầu phát triển KH&CN và kinh tế-xã hội của đất nước.
Tính riêng năm 2009, Bộ đã tổ chức đàm phán, xây dựng nội dung và hoàn tất các thủ tục cho việc ký kết Hiệp định hợp tác về KH&CN Việt Nam - Lào; Hiệp định hợp tác về Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan; Thoả thuận hợp tác về KH&CN Việt Nam - Tây Ban Nha và Nghị định thư cấp Chính phủ về hợp tác với Pháp trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
|
Hội nghị Bộ trưởng Việt Nam - Thái Lan lần thứ 6. |
Bộ đã tổ chức thành công 17 phiên họp thường kỳ, giữa kỳ của các uỷ ban, tiểu ban hợp tác KH&CN; trở thành đầu mối duy trì và đẩy mạnh sự tham gia có chiều sâu hơn của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và khu vực như ASEAN, APEC, IAEA, COPOUS, APCTT, UNESCO…
Hội nhập quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong việc huy động các nguồn lực khác nhau để phát triển KH&CN. Trong xu thế hội nhập, các hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN sẽ ngày càng được đẩy mạnh và thực sự trở thành một nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển KH&CN, phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.
Mở rộng phát triển KH&CN
Tham gia hội nhập kinh tế quốc tế tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp thu KH&CN tiên tiến, tạo cơ sở vật chất kĩ thuật cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hội nhập kinh tế quốc tế là con đường khai thông thị trường nước ta với khu vực và thế giới, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, có hiệu quả. Qua đó mà các kĩ thuật, công nghệ mới có điều kiện du nhập vào nước ta, đồng thời tạo cơ hội để chúng ta lựa chọn kĩ thuật, công nghệ nước ngoài nhằm phát triển năng lực kĩ thuật, công nghệ quốc gia.
Năm 2009, Bộ KH&CN đã tổ chức đón và bố trí chương trình làm việc cho gần 30 đoàn KH&CN của các nước vào làm việc tại Việt Nam, trong đó có nhiều đoàn cấp cao như: Đoàn Bộ trưởng Bộ KH&CN Thái Lan tham dự Khoá họp lần thứ 6 Uỷ ban hỗn hợp Hợp tác KH&CN Việt Nam - Thái Lan và tham dự Techmart Việt Nam ASEAN+3; Đoàn Thứ trưởng Bộ KH&CN Trung Quốc sang thăm và làm việc tại Việt Nam, hội đàm với Bộ KH&CN Việt Nam nhằm đánh giá giữa kỳ hợp tác về KH&CN Việt - Trung theo nghị định thư khoá VII, hai bên đã ký kết Biên bản hội đàm thúc đẩy hợp tác về công nghệ cao, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ và đào tạo cán bộ KH&CN…
|
Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Ảnh: Thu Uyên
|
Hội nhập kinh tế quốc tế cũng góp phần không nhỏ vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong nhiều lĩnh vực. Năm qua, có hơn 40 đoàn của các đơn vị thuộc Bộ KH&CN và địa phương tham gia các khoá đào tạo, khảo sát, học tập kinh nghiệm quản lý hoạt động KH&CN tại một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Australia, Canada, Bungari, Liên bang Nga, Tây Ban Nha…
Bộ KH&CN đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị tổ chức thành công Techmart Việt Nam ASEAN+3; hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thuỵ Điển; hội thảo EU-ASEAN giới thiệu Chương trình khung về KH&CN của Liên minh Châu Âu lần thứ 7…, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Tăng cường Hội nhập Quốc tế về KH&CN. Bộ cũng đã hoàn tất các thủ tục và đưa vào thực hiện 54 nhiệm vụ hợp tác quốc tế về KH&CN; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xem xét và đề xuất 67 nhiệm vụ hợp tác quốc tế về KH&CN theo nghị định thư bắt đầu thực hiện từ năm 2010.
Dự kiến năm 2010, Bộ KH&CN sẽ chú trọng tổ chức các hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN bao gồm: thực hiện tốt các hiệp định, thoả thuận song phương và đa phương đã ký, đồng thời tích cực mở rộng đối tác, nội dung và hình thức hợp tác mới; xúc tiến thành lập Trung tâm Tư vấn, dịch vụ hỗ trợ giao lưu quốc tế về KH&CN, tìm kiếm bí quyết công nghệ, môi giới chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ nước ngoài, nhu cầu công nghệ trong nước, phát triển thị trường công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, đào tạo chuyên gia theo êkip. Trong đó đặc biệt chú ý hỗ trợ nhu cầu tìm kiếm công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và địa phương; làm đầu mối xử lý thông tin của hệ thống đại diện KH&CN nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động HTQT.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến và Đại sứ Mỹ Michael Michalak đã đại diện cho chính phủ hai nước ký Bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Việc ký kết này thể hiện quan điểm hợp tác của hai Chính phủ là sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn, vì mục đích hòa bình; tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực hạt nhân dân sự, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và tiêu chuẩn đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng hạt nhân; tiếp cận nguồn cung cấp nhiên liệu đáng tin cậy cho các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ của Việt Nam.
Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và HTQT về KH&CN nói riêng thực sự sẽ tạo điều kiện thuận lợi, không chỉ đơn thuần là mở rộng giao lưu với các nước mà còn là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể phát triển kinh tế, khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế.
LĐ