Bằng kỹ thuật cao như trồng cây sạch bệnh, áp dụng kỹ thuật phân bón vô cơ và hữu cơ kết hợp… Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng tiêu chuẩn VietGap để phát triển vùng chuyên canh cây khóm Qeen Cầu Đúc ở Hậu Giang” đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của người dân, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và mang lại hiệu quả kinh tế cao từ nghề trồng khóm.
Áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất
Được xem là một trong những cây trồng chủ lực, hình thành và phát triển khoảng 80 năm qua, nhưng cây khóm (dứa) Hậu Giang chưa thực sự mang lại cuộc sống khá giả, sung túc cho người trồng khóm. Nguyên nhân lớn nhất chính là giá cả, đầu ra không ổn định, trong khi quá trình đầu tư sản xuất, chăm sóc khóm của người dân gặp không ít khó khăn do dịch bệnh tấn công, đất đai thoái hóa, chi phí canh tác tăng cao…
Theo thống kê của Sở KH&CN Hậu Giang, hiện nay diện tích đất trồng khóm tại tỉnh là 1.546ha với tổng sản lượng hằng năm khoảng 14.725 tấn. Tuy nhiên năng suất bình quân còn thấp (10-15 tấn/ha), giống khóm không đồng nhất, trên một ruộng khóm có nhiều dạng trái kích cỡ và chất lượng khác nhau, kỹ thuật bón phân và phòng chống sâu bệnh hại chưa phù hợp với yêu cầu của cây khóm và khó đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm… điều này gây thiệt hại rất lớn cho nông dân.
Bên cạnh đó, thói quen canh tác bón phân vô cơ của người dân cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đất trồng khóm. Để cải tạo vùng đất phèn trồng khóm đạt năng suất và chất lượng cao thì kỹ thuật canh tác của người dân cần phải chuyển đổi sang thói quen canh tác bón phân hữu cơ, đặc biệt là phân hữu cơ khoáng cho ruộng khóm. Chất hữu cơ cải tạo đất phèn, giảm độc chất trong đất, tăng hệ vi sinh vật tạo độ phì cho đất. Chính vì thế để nông dân tỉnh Hậu Giang thay đổi dần tập quán cũ quen bón phân vô cơ sang bón phân hữu cơ là điều cần thiết hiện nay.
Trước thực trạng trên, để cải thiện thu nhập của người dân trong vùng và cây “Khóm Cầu Đúc” trở thành cây trọng điểm có kinh tế cao của vùng phèn nặng này, Hậu Giang đã chủ trương mở rộng diện tích trồng khóm đến 2015 lên 3.000ha khóm sạch bệnh bằng công nghệ nuôi cấy mô và nhân nhanh cây khóm Qeen đầu dòng trong nhà lưới tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH-CN Hậu Giang. Đây là một dấu hiệu đáng mừng đối với bà con nông dân nơi đây khi loại cây đặc sản này được duy trì và phát triển.
Hướng đến sản phẩm sạch
Chủ trương mở rộng diện tích trồng khóm của tỉnh Hậu Giang đã đem lại nhiều thuận lợi đối với dự án của Kỹ sư Nguyễn Thị Kiều. Nguồn giống khóm Qeen Cầu Đúc được đảm bảo hơn những mô hình VietGap khác. Cây giống của dự án được cung cấp từ giống khóm Qeen sạch bệnh từ nguồn cây đầu dòng của dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng chuyên canh cây khóm Qeen sạch bệnh ở Hậu Giang” (2008-2011) cung cấp.
Ông Vu Sủi giới thiệu giấy chứng nhận VietGap đối với khóm của HTX nông nghiệp Thạnh Thắng
Theo Kỹ sư Kiều, trước đây bà con thường tách chồi ở cây khác để nhân giống nhưng nếu tách chồi ở vùng bị nhiễm bệnh thì cây con cũng nhiễm bệnh, như vậy sẽ không đảm bảo giống cho những vụ tiếp theo. Từ khi dự án được triển khai việc nhân giống đã tuân theo quy trình tương đối nghiêm ngặt và đảm bảo từ việc nhân giống trong phòng thí nghiệm đến giai đoạn vườn ươm đủ tiêu chuẩn mới đem ra trồng. Chính vì vậy những cây khóm đưa đến nông dân đã được tuyển chọn nhân giống kỹ lưỡng bằng phương pháp cấy mô với phẩm chất trái cũng như năng suất, sản lượng đều vượt trội.
Kỹ sư Nguyễn Thị Kiều cho biết thêm, Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng tiêu chuẩn VietGap để phát triển vùng chuyên canh cây khóm Qeen “Cầu Đúc ở Hậu Giang” thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015”. Dự án nhằm mục đích hướng dẫn người dân sản xuất khóm theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, mang lại lợi nhuận; chuyển đổi những cánh đồng khóm năng suất thấp thành vùng chuyên canh khóm theo tiêu chuẩn VietGAP; đào tạo, phổ cập kiến thức công nghệ cao về kỹ thuật trồng khóm cho cán bộ kỹ thuật và nông dân.
Quy mô của dự án là 50ha được trồng chuyên canh tại thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ, được canh tác áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap. Tất cả được triển khai bằng kỹ thuật cao như trồng cây sạch bệnh héo khô đầu lá, áp dụng kỹ thuật phân bón vô cơ và hữu cơ kết hợp, ứng dụng giải pháp IPM (xử lý giống và đất, mật độ canh tác hợp lý,…) và ICM trong canh tác khóm nhằm giảm chi phí, số lần phun thuốc BVTV và nhất là cải tiến khâu thu hoạch làm thế nào giảm tỷ lệ hao hụt.
Sau 13 tháng trồng, khóm cho năng suất khoảng 30 tấn/ha. Nếu trước đây chưa áp dụng trồng khóm chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGap thì thu hoạch chỉ đạt 60% khóm loại 1, nhưng giờ đây 90% khóm đạt loại 1, giá bán trung bình khoảng 4.000 đ/kg. Như vậy mỗi ha thu khoảng 240 triệu, trừ chi phí nguyên vật liệu của dự án và vốn ban đầu nông dân bỏ ra (phân bón, thuốc hóa học) sẽ thu được 96,87 triệu /ha/vụ khóm).
Ông Vu Sủi ở Ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, Thành phố Vị Thanh là một trong những hộ nông dân tham gia dự án cho biết: Từ khi tham gia dự án trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGap, chúng tôi được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn trồng… nên bà con rất hào hứng tham gia. Áp dụng quy trình tuy khó hơn nhiều so với tập quán canh tác truyền thống trước đây, nhưng ngược lại năng suất khóm đạt cao hơn, chất lượng trái khóm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Dự án cũng là cơ sở để giúp nông dân Hậu Giang nâng cao kiến thức về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, về xu hướng và yêu cầu chất lượng rau quả theo VietGap. Mục tiêu xa hơn là tiếp cận, đưa tiến bộ khoa học - công nghệ về vùng sâu vùng xa, đưa khoa học vào phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Bài, ảnh: Diệu Huyền