Ðưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tế hằng ngày chăm sóc và điều trị cho người bệnh. Xây dựng nhà máy sản xuất đông dược đạt tiêu chuẩn GMP - WHO, để chủ động cung ứng các loại thuốc cho người bệnh bằng nguyên liệu sẵn có trong nước.
Ðó là phương châm và cách làm của mô hình xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ (KH và CN) khép kín của Viện Nghiên cứu Ðiều trị các bệnh hiểm nghèo.
Từ nghiên cứu, sản xuất đến điều trị
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ðiều trị các bệnh hiểm nghèo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phú Kiều chia sẻ với chúng tôi: Sau nhiều năm suy nghĩ, cuối năm 2001, tôi làm thủ tục xin thành lập Viện Nghiên cứu Ðiều trị các bệnh hiểm nghèo theo giấy chứng nhận A-218 do Bộ KH và CN cấp. Bởi xuất phát từ thực tế các căn bệnh như ung thư, HIV/AIDS, ma túy... đang ngày càng gia tăng trong cả nước.
Ðầu những năm 80 của thế kỷ trước các nhà khoa học thế giới đang chuyển dần từ các loại thuốc bào chế có thành phần hóa dược sang các chế phẩm có nguồn gốc dược liệu để phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Các thầy thuốc, nhà khoa học của Viện hoạt động dưới sự chỉ đạo của GS, Nhà giáo Nhân dân Vũ Văn Chuyên. Hoạt động chính của Viện là nghiên cứu các nguồn dược liệu trong nước, tiến hành bào chế và sản xuất thử các loại thuốc theo công nghệ mới phục vụ cho điều trị các bệnh hiểm nghèo trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành.
Mặt khác, ứng dụng công nghệ cao của y học hiện đại vào điều trị các căn bệnh phức tạp. Ðể chủ động trong nghiên cứu và ứng dụng các kết quả khoa học vào hoạt động khám, chữa bệnh, Viện Nghiên cứu Ðiều trị các bệnh hiểm nghèo đã thành lập Bệnh viện Hy vọng mới, chuyên khoa về ung bướu, trong đó có phẫu thuật, điều trị cho người bệnh có khối u não bằng dao Gamma. Công ty TNHH dược phẩm Quế Lâm (thuộc Viện Nghiên cứu Ðiều trị các bệnh hiểm nghèo), trực tiếp bào chế sản xuất các loại thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, trong đó có thuốc hỗ trợ cai nghiện ma túy Cedemex.
Tập trung vào các bệnh lý phức tạp, hiểm nghèo
Giám đốc Bệnh viện Hy vọng mới GS Nguyễn Quang Bài cho biết: "Bệnh viện tập trung nghiên cứu, điều trị các bệnh hiểm nghèo cho nên biên chế giường điều trị không nhiều (20 giường). Ba năm qua, với thiết bị hiện đại, đơn vị đã ứng dụng công nghệ cao phẫu thuật cho gần 500 trường hợp mắc các bệnh lý thần kinh sọ não, nhất là những ca u não được phẫu thuật bằng dao Gamma. Ðây là phương pháp không mới nhưng tính ưu việt của nó là thời gian mổ nhanh, người bệnh không phải gây mê và không có cảm giác đau đớn; chỉ hai ngày sau mổ có thể xuất viện với chi phí khoảng 35 đến 40 triệu đồng/ca".
Không chỉ có trang thiết bị hiện đại Viện còn tìm kiếm, khai thác nguồn thảo dược phong phú và quý hiếm ở Việt Nam để nghiên cứu, bào chế các loại thuốc phục vụ điều trị các bệnh hiểm nghèo. Ðược sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, các nhà khoa học của Viện đã chủ trì thực hiện một số đề tài độc lập cấp Nhà nước, cấp bộ. Ðáng chú ý là đề tài "Nghiên cứu, đánh giá tính an toàn và hiệu lực thuốc Cedemex giai đoạn hai và ba trong hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy nhóm Opiates", đề tài "Hợp tác nghiên cứu bào chế, độc tính, tác dụng dược lý và thử lâm sàng thuốc Cedemex 2" theo Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ðồng thời Viện đã triển khai thực hiện dự án "Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thuốc Cedemex hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy nhóm Opiates". Khoảng 20 năm qua, Nhà nước đã bỏ ra không ít tiền của để thực hiện các chương trình, dự án về phòng, chống ma túy, trong đó có việc sử dụng các loại thuốc trong nước và nhập từ nước ngoài để phục vụ cai nghiện ma túy nhưng hiệu quả hết sức hạn chế (95% tái nghiện). Từ năm 2004, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và không ngừng hoàn thiện bài thuốc Cedemex, gần 20 nghìn người nghiện ma túy nhóm Opiates ở hàng chục tỉnh, thành phố (Long An, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu...) đã được điều trị bằng thuốc Cedemex. Nhất là trong các năm 2010 - 2012, Viện Nghiên cứu Ðiều trị các bệnh hiểm nghèo phối hợp Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục và Lao động xã hội (tỉnh Thái Nguyên) điều trị cho gần 50 người nghiện ma túy bằng việc dùng thuốc Cedemex bước đầu đã cho kết quả khả quan.
Vẫn còn không ít khó khăn như thiếu trang thiết bị hiện đại để xây dựng một phòng thí nghiệm tầm quốc gia phục vụ cho hoạt động nghiên cứu; sự thiếu tin tưởng của xã hội trong việc sử dụng thuốc Cedemex hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy, dẫn đến việc áp dụng mô hình cai nghiện dựa vào cộng đồng còn quá ít... Song với sự nỗ lực và tâm huyết của TS Nguyễn Phú Kiều cũng như tập thể các thầy thuốc của Viện, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước và cộng đồng; mô hình KH và CN khép kín này sẽ góp phần vào hoạt động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân ngày một tốt hơn. Ðặc biệt là cuộc chiến phòng, chống các bệnh hiểm nghèo, trong đó có căn bệnh nghiện ma túy bằng nguồn dược liệu quý hiếm trong nước.