Nhận thấy nguồn nguyên liệu ớt sau thu hoạch được sấy thủ công có nhiều hạn chế, ông Hoàng Trí và Đặng Thiện Ngôn, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh đã chế tạo thành công máy sấy ớt năng lượng mặt trời sử dụng nguyên lý hiệu ứng nhà kính. Kết quả này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho bà con vùng trồng ớt hiện nay.
Tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên
Năng lượng mặt trời (NLMT) được coi là nguồn năng lượng ưu việt trong tương lai, đó là nguồn năng lượng sẵn có, siêu sạch và miễn phí, chi phí bảo dưỡng thấp, an toàn đối với người sử dụng, nhiệt độ sấy không quá cao, hơi ẩm được đưa ra khỏi sản phẩm từ từ, an toàn cho chất lượng sản phẩm.
Việt Nam là nước có tiềm năng về NLMT, trải dài từ 8 độ vĩ Bắc đến 23 độ vĩ Bắc, có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, bình quân có 2.000 – 2.500 giờ nắng mỗi năm, trị số tổng xạ từ 100 – 175 kcal/cm2/năm. Việc sử dụng NLMT sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn, đồng thời, bảo đảm sự bền vững của môi trường.
Hiện nay ở nước ta quá trình làm khô các sản phẩm nông nghiệp nói chung và ớt nói riêng thường dùng sân phơi tự nhiên. Hình thức làm khô này có tính kinh tế nhưng cũng có nhiều hạn chế như: sản phẩm khô không đồng đều, lẫn tạp chất do không được che phủ, có thể bị phá hủy bởi các động vật, phụ thuộc vào thời tiết và đòi hỏi nguồn nhân lực, không gian rộng. Ngoài ra, thói quen trên còn làm giảm hiệu quả khai thác đất canh tác, đồng thời khiến cho sản phẩm bị lẫn đất cát, độ ẩm hạt cao, dễ bị nấm mốc, làm giảm chất lượng ớt sau thu hoạch.
Ông Hoàng Trí cho biết, sấy là phương pháp làm khô nhân tạo, đây là quá trình cưỡng bức một dòng khí nóng có khả năng hút ẩm đi qua lớp vật liệu sấy, làm nóng vật liệu gây hiện tượng bốc hơi nước khỏi vật liệu sấy, hút ẩm từ vật liệu, chuyển ẩm ra ngoài không khí để đưa độ ẩm vật liệu sấy đến độ ẩm cần thiết. Với phương pháp sấy này sẽ làm cho nhiệt độ sấy cao hơn, thời gian sấy ngắn hơn, và chất lượng sấy sản phẩm tốt hơn.
Đẩy mạnh ứng dụng
Hệ thống sấy ớt bằng năng lượng mặt trời sử dụng nguyên lý hiệu ứng nhà kính đã được nghiên cứu tại trường Đại học sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM bao gồm buồng sấy và bộ thu kết hợp sử dụng hiệu ứng lồng kính làm cho chất lượng sấy sản phẩm được tốt hơn, cho phép giảm bớt diện tích không gian phơi sấy và có thể làm nóng không khí đến nhiệt độ 65 độ C với thời gian sấy khoảng 10 giờ. Sản phẩm ớt sau sấy đạt độ ẩm thương mại là 10 – 15%.
Theo nhóm nghiên cứu, trong quá trình sấy thoát hơi ẩm là vấn đề quan trọng, nếu thoát hơi ẩm nhanh thì sẽ không đảm bảo được nhiệt độ và ngược lại nếu không thoát ẩm tốt, hơi ẩm sẽ đọng lại vào sản phẩm sấy. Nhóm nghiên cứu đã thết kế mạch điện có đầu cảm biến nhiệt độ và độ ẩm, hiện thị qua màn hình LCD, trong đó có các nút bấm để xác lập nhiệt độ khi nào để quạt chạy, theo thiết kế khi nào nhiệt độ trong buồng sấy đạt giá trị mà cài đặt trước thì quạt sẽ chạy, ngược lại thấp hơn quạt sẽ tắt.
Theo ông Hoàng Trí, từ những kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng như kết quả thu được trên thực tế, khả năng áp dụng của đề tài rất cao, có thể triển khai được ngay so với trình độ kỹ thuật và thị trường vật tư trong nước hiện nay, có thể áp dụng sản xuất đơn chiếc, sản xuất hàng loạt nhỏ, áp dụng ở quy mô công nghiệp và có khả năng áp dụng đại trà.
Hiện nay, ở nước ta trồng ớt đem lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân nên được trồng nhiều và phân bố trên khắp cả nước. Từ nhiều năm nay, bà con nông dân các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, và một số tỉnh khác trong cả nước đã phấn khởi nhờ trồng ớt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với giá ớt thu mua tại vườn là 12.000 – 14.000 đồng/kg ớt tươi, qua sơ chế sấy ớt khô bán ra có giá cao hơn hẳn từ 60.000 – 80.000 đồng/kg chủ yếu xuất khẩu sang Đài Loan, Singapore, Malayxia, Hàn Quốc,… Nhờ vậy giúp cho người trồng ớt tại địa phương có nguồn tiêu thụ ổn định và cho thu nhập rất cao so với trồng lúa.
Sấy ớt bằng năng lượng mặt trời sử dụng nguyên lý hiệu ứng nhà kính đem lại những hiệu quả tốt về mặt kinh tế cũng như kỹ thuật. Đây là phương pháp dễ làm, dễ triển khai nên việc nhân rộng mô hình trên hoàn toàn có khả thi, đặc biệt là đối với những vùng trồng ớt lớn để xuất khẩu. Với những ưu điểm vượt trội như trên, trong thời gian tới cần phải nhân rộng mô hình không chỉ dừng lại ở quy mô thử nghiệm đặc biệt có thể thương mại hóa được sản phẩm giúp nông sản Việt Nam nâng cao chất lượng, đem lại lợi nhuận cao khi xuất khẩu ra thị trường các nước trên thế giới.
Ánh Tuyết