Sau sự cố hạt nhân Nhật Bản, trên các phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày vẫn xuất hiện các hàng tít khiến nhiều bạn đọc không khỏi lo ngại về mức độ ảnh hưởng của mây phóng xạ. Song, bản chất sự việc hoàn toàn không phải như vậy. Lý giải của các chuyên gia hạt nhân sẽ có thấy, mây phóng xạ hoàn toàn không đáng sợ.
Bằng 1/4 so với mức liều nhận được mỗi lần chụp X-quang dạ dày
Các nhà khoa học cho biết, theo thuật ngữ chuyên môn an toàn bức xạ, μSv/h (đọc là micrô sivơ trên giờ) là giá trị đo suất liều bức xạ.
Chẳng hạn: Trong bản Thông tin tình hình sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản đăng trên của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 01/4/2011, giá trị suất liều bức xạ môi trường tại Hà Nội do Trung tâm Hỗ trợ an toàn bức xạ và Ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) đo được là 0,172 μSv/h (làm tròn là 0,2 μSv/h).
Hiểu một cách đơn giản: Nếu giá trị suất liều bức xạ 0,2 μSv/h này ổn định liên tục ở Hà Nội trong tháng 4/2011 (30 ngày), bạn đang sống tại Hà Nội và ở ngoài trời liên tục 1 ngày (24 giờ), thì cơ thể mỗi bạn sẽ nhận được một liều phóng xạ (các nhà chuyên môn gọi là liều tích lũy) là: 0,2 μSv/h x 24 giờ x 30 ngày = 144 μSv (Quy đổi ra mili sivơ (mSv), ta có giá trị 0,144 mSv). Đối với con người, đây là giá trị liều rất nhỏ.
Theo tài liệu: Bức xạ trong đời sống hàng ngày (Radiation in Daily Life), Bộ Văn hóa, Giáo dục, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản xuất bản thì: 3130 μSv là liều trung bình mà mỗi người dân trên thế giới nhận được trong 1 năm, trong đó: 2400 µSv từ bức xạ có nguồn gốc tự nhiên (đất đá, tia mặt trời,…); 610 µSv từ chiếu xạ y tế (chụp X-quang,…); 110 μSv từ các hoạt động của con người liên quan đến nguồn bức xạ và chỉ có 13 µSv từ tất cả các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới; 10.000 μSv là liều mà trung bình mỗi người dân Braxin nhận được mỗi năm (Do phông môi trường ở đây cao); 400 μSv là liều nhận được sau mỗi chuyến bay khứ hồi Tokyo – New York; 600 μSv là liều nhận được mỗi lần chụp X-quang dạ dày; 50 μSv là liều nhận được mỗi lần chụp X-quang ngực.
Tổng phóng xạ thấp hơn 72.000 lần so với phóng xạ có trong tự nhiên
Các nghiên cứu trong lĩnh vực an toàn bức xạ đã chỉ ra rằng mỗi người sống trên trái đất luôn bị chiếu xạ từ 2 nguồn bức xạ - một nguồn bức xạ tự nhiên và một nguồn bức xạ nhân tạo. Phần lớn liều bức xạ tự nhiên gây ra bởi khí Radon - chiếm khoảng 60%. Khí Radon là đồng vị phóng xạ của chuỗi Urani, Thori, luôn tồn tại trong không khí trong nhà và ngoài trời. Liều tổng cộng do nguồn bức xạ tự nhiên gây ra khoảng 2.4 mSv/năm đối với người dân, trong đó liều do khí Radon gây ra khoảng 1,44 mSv/năm.
Một số tài liệu nghiên cứu về khí Radon tại Việt Nam đã cho kết quả nồng độ Radon trong không khí khoảng từ 20-30 Bq/m3. Từ ngày 28/3/2011, kết quả quan trắc bụi phóng xạ I-131 và Cs-137 trong không khí tại Việt Nam cho thấy nồng độ I-131 cao nhất 147 µBq/m3 và nồng độ Cs-137 cao nhất 14 µBq/m3. Nồng độ I-131 và Cs-137 này có khả năng gây ra liều tổng cộng đối với cá nhân khoảng 2x10-5 mSv/năm. Như vậy, liều tổng cộng do bụi phóng xạ I-131 và Cs-137 thấp hơn khoảng 72.000 lần so với liều do khí Radon có trong tự nhiên gây ra.
Điều đó chứng tỏ chất phóng xạ I-131 và Cs-137 phát tán vào lãnh thổ Việt Nam những ngày qua, do sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản, hoàn toàn không ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và môi
Hiện có một số nguồn phóng xạ đã và đang được sử dụng như một tác nhân chữa bệnh nếu dùng đúng liều lượng. Các nhà khoa học cho biết, Iốt phóng xạ (I-131) có những lợi ích to lớn trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Nhiều loại bệnh được chẩn đoán và điều trị thành công, an toàn bằng iốt -131, đặc biệt là các bệnh lý tuyến giáp như bệnh cường giáp trạng (trong đó có bệnh Basedow), ung thư tuyến giáp (thể biệt hoá)...
Minh Châu