Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hội nhập Quốc tế Thứ bảy, 23/11/2024 , 06:47 am
Cập nhật : 08/11/2013 , 16:11(GMT +7)
Mẫu hình từ việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc với Việt Nam
Viện KIST ở Hàn Quốc. Ảnh: Kist.re.kr
Dự án “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc với Việt Nam” được triển khai từ tháng 5/2010 với sự đồng tổ chức của Cơ quan Hợp tác phát triển Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam và Viện Chiến lược phát triển.

Một trong những nội dung chia sẻ kinh nghiệm là việc khảo cứu các chính sách phát triển khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế của Hàn Quốc thời kỳ đầu công nghiệp hóa - những năm 1960 - 1970; trong đó có việc hình thành cơ chế vận hành một viện nghiên cứu khoa học - công nghệ theo kiểu hiện đại thông qua trường hợp cụ thể về quá trình thành lập Viện Khoa học Công nghệ Hàn Quốc (Korea Institute of Science and Technology - KIST).

Từ kinh nghiệm hình thành Viện KIST của Hàn Quốc...

Trong quá trình tham gia chia sẻ kinh nghiệm, các học giả hai nước Việt Nam và Hàn Quốc cùng đề xuất ý tưởng về việc xây dựng ở Việt Nam một viện nghiên cứu khoa học - công nghệ công nghiệp tương tự như viện KIST của Hàn Quốc. Ý tưởng cũng đã được trình bày thành kiến nghị với chính phủ hai nước về việc Hàn Quốc trợ giúp Việt Nam xây dựng viện nghiên cứu này.

Trong lịch sử phát triển khoa học - công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, Viện KIST ra đời năm 1966 đã đánh dấu mốc đặc biệt quan trọng đối với Hàn Quốc. Đồng thời, cách thức hình thành Viện KIST đã để lại những bài học kinh nghiệm có ý nghĩa tham khảo thiết thực. Trong số những bài học kinh nghiệm quan trọng thuở mới bắt đầu hình thành Viện KIST, có thể kể đến là:

Tạo ra một môi trường để khoa học và công nghệ bén rễ

Vào những năm 1960, Hàn Quốc cũng có không ít những viện nghiên cứu khoa học. Nhưng, như lời nhận xét của TS. Choi Hyung Sup - Viện trưởng đầu tiên của Viện KIST, “thời đó chưa có viện nào nghiên cứu về những công nghệ sản xuất mà các công ty đòi hỏi... Viện Nghiên cứu Năng lượng nguyên tử và Viện Khoa học quốc phòng quốc gia là hai cơ sở duy nhất có thể thực hiện những nghiên cứu có giá trị ở mức độ nào đó, nhưng nghiên cứu của các viện này cũng còn xa mới đạt được tới những gì mà giới kinh doanh mong muốn”. Lúc đó cũng chỉ có một số ít người hiểu được rằng công nghệ cần thiết cho công nghiệp hóa và biết được có thể kiếm được công nghệ từ đâu. Trong tình hình như vậy, tất cả những gì chúng ta cần là một cái gì đó trung gian nối liền giới kinh doanh và giới hàn lâm. Nói cách khác, cần phải có một bộ máy trung gian để lựa chọn, giới thiệu, tiếp thu và ứng dụng công nghệ. Đồng thời, “Bên cạnh nhiều việc khác, chúng ta cần thay đổi hệ thống giáo dục khoa học để đảm bảo phát triển một cách vững chắc khoa học và công nghệ. Chúng ta phải thay thế phương thức giáo dục để biết khoa học bằng giáo dục để làm khoa học.

Phương pháp giáo dục hiện thời, có thể là hữu ích khi giảng dạy các kỹ năng trả lời các câu hỏi Có và Không, song lại không giúp con người ta nâng cao được năng lực phân tích hiện tượng và ứng dụng các lý thuyết vào các mục tiêu thực tiễn”. Vì thế, “phải thay thế phương pháp giáo dục hướng vào số lượng bằng phương pháp giáo dục hướng vào chất lượng. Chúng ta cần một nền giáo dục để trang bị cho nhân dân khả năng giải quyết vấn đề, chứ không phải giúp họ lấy được bằng cấp và những cái khác...

Để làm được những điều đó, cần tạo ra một môi trường xã hội, trong đó khoa học và công nghệ có thể bén rễ - một môi trường nơi tất cả mọi người đều phải hiểu khoa học và tôn trọng công nghệ. Để tới được cái đích đó, chính bản thân Tổng thống cần phải đi đầu trong những nỗ lực theo hướng này”.

Về vai trò của Tổng thống Hàn Quốc thời đó - Park Chung Hee đối với phát triển khoa học - công nghệ nói chung và việc xây dựng Viện KIST nói riêng, TS. Choi Hyung Sup kể lại vài sự kiện rất ấn tượng.

- Đối với việc cần thiết phải có một đạo luật đặc biệt, riêng cho việc xây dựng Viện KIST, trong đó có điều khoản quy định về chế độ kế toán không theo khuôn khổ của chế độ kế toán hiện hành, có nhiều ý kiến kiên quyết chống lại dự thảo luật. Nhưng Tổng thống Park đã kiên quyết đứng ra bảo vệ để trình ra Quốc hội thông qua. Nhờ Luật này mà việc tiến hành triển khai xây dựng Viện được diễn ra trôi chảy.

- Đối với việc tìm địa điểm đặt Viện KIST, mặc dù gặp sự bất hợp tác của Bộ Nông Lâm và dù đã xem xét hơn 30 chỗ ở khu vực trung tâm Seoul, ban lãnh đạo Viện KIST đã quyết định lấy một địa điểm ở khu vực ngoại ô thành phố. Nhưng ngay khi Tổng thống Park biết về quyết định này, ông liền đến Viện Thực nghiệm lâm nghiệp, có Bộ trưởng Bộ Nông Lâm, Thị trưởng thành phố Seoul và Viện trưởng Viện KIST tháp tùng, Tổng thống đã ra lệnh chuyển giao toàn bộ diện tích của Viện Thực nghiệm lâm nghiệp cho Viện KIST. Ông nói: “Viện Thực nghiệm lâm nghiệp quan trọng, nhưng Viện KIST quan trọng hơn đối với sự phát triển kinh tế”, về sau, Viện KIST đã thỏa hiệp bằng cách chỉ lấy khoảng một nửa để giữ thể diện cho ngài Bộ trưởng Nông Lâm.

- Về vấn đề đảm bảo cơ chế và chế độ đãi ngộ các nhà khoa học làm việc tại Viện KIST lúc đó, lãnh đạo Viện KIST xác định một số nguyên tắc để đảm bảo: (1) quyền tự chủ trong nghiên cứu; (2) những điều kiện sống ổn định; và (3) một môi trường nghiên cứu tuyệt diệu. Không thể coi nhẹ các yếu tố tiền bạc, nhưng điều quan trọng hơn là phải nâng cao uy tín xã hội của các nhà khoa học để họ cảm thấy tự hào khi thực hiện sứ mệnh và phải đảm bảo cho họ những điều kiện sống ổn định. Nhằm mục đích này, trước hết, cần cung cấp cho họ nhà ở và bảo hiểm y tế, loại hình bảo hiểm thời kỳ đó ở Hàn Quốc còn chưa có; tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục con cái của họ. Lương cho họ được trả ở mức tương đương với lương của những người trung lưu, tuy chỉ bằng 1/4 mức lương họ có thể nhận được ở Mỹ, vì hầu hết các nhà khoa học đều từ Mỹ về; nhưng mức lương này cao gấp 3 lần mức cao nhất mà các giáo sư đại học trong nước nhận được.

Có rất nhiều ý kiến phản đối mức lương của Viện KIST. TS. Choi Hyung Sup kể lại: “Một hôm, tôi được triệu tập lên Văn phòng Tổng thống cùng với bảng lương của các nhà nghiên cứu Viện KIST. Xem xong bảng lương, Tổng thống Park mỉm cười và nói: “Tôi được báo cáo rằng bảng lương của hầu hết các nghiên cứu viên ở Viện KIST còn cao hơn cả lương tôi”. Tôi nói với ông: “Nếu ngài cho rằng mức lương này bất hợp lý thì ngài có thể giảm lương của tôi, nhưng không thể làm thế với những người khác được”. Sau một thoáng, ông nói: “Cứ giữ nguyên thế”, và đứng dậy đi ra. Ngày nay, mọi người đều biết rằng lương của các giáo sư còn cao hơn cả lương các nhà nghiên cứu của Viện KIST.

TS. Choi Hyung Sup nhận xét: “Không cần nói cũng rõ Tổng thống Park là một trong số những người đóng vai trò tối quan trọng trong thời kỳ mới thành lập của Viện. Tổng thống Park hết sức quan tâm đến việc nâng cao vị thế xã hội của Viện KIST. Ông rất hay đến thăm công trường xây dựng Viện KIST để thưởng tiền và động viên các công nhân xây dựng. Trong suốt 3 năm sau khi thành lập, mỗi tháng ông đến thăm Viện một lần để trò chuyện với các nhà nghiên cứu...“. Những chuyến viếng thăm Viện KIST không hề tốn kém hay gây phiền hà cho ông, song tác động của chúng thật to lớn không thể hình dung nổi. Một cách tự nhiên, tinh thần của các nhà nghiên cứu lên rất cao và các quan chức chính phủ phụ trách việc hỗ trợ Viện KIST đã thay đổi cách nghĩ và thái độ của họ đối với Viện.

Sự hiểu biết về kinh tế thị trường

Phát triển khoa học - công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, nâng cao trình độ công/kỹ nghệ của nền sản xuất quốc gia, đòi hỏi bản thân những người làm khoa học - công nghệ cũng phải hiểu về các nguyên tắc vận hành của kinh tế thị trường, về điều này, chắc không ai hiểu một cách máy móc là các nhà khoa học và quản lý khoa học phải biết buôn bán và trực tiếp tham gia buôn bán. Vấn đề là ở chỗ phải có cách tư duy và tiếp cận của kinh tế thị trường. TS. Choi Hyung Sup kể lại: “Vào khoảng tháng 4/1964, Tổng thống Park mời Viện trưởng của các viện quốc gia đến dự một bữa tiệc chiêu đãi, trong buổi tiệc đó Tổng thống vui mừng khoe với mọi người về kỷ lục xuất khẩu áo len đạt tới 20 triệu USD. Tôi trả lời: Kỷ lục này thật đáng biểu dương. Nhưng chúng ta còn phải bám vào những mặt hàng như thế này bao lâu nữa? Nhật Bản đã xuất khẩu đến 1 tỷ USD các sản phẩm điện tử. Sức mạnh này từ đâu ra? Câu trả lời là phát triển công nghệ! Chúng ta cũng phải phát triển công nghệ”. Đột nhiên, Tổng thống trở nên trầm tư, có vẻ như suy nghĩ về một điều gì đó, mặt ông cau lại. Rõ ràng, tư duy thị trường không quan trọng ở chỗ sản xuất ra sản phẩm gì, tổng doanh số bán được bao nhiêu, mà quan trọng ở chỗ sản xuất ra sản phẩm bằng cách nào, công nghệ gì, và thu được lợi nhuận là bao nhiêu.

Tư duy thị trường còn thể hiện ở tính phù hợp với điều kiện thực tế khi chọn loại hình và hướng nghiên cứu khi xây dựng Viện. Vào những năm 1960, lãnh đạo Viện KIST cho rằng thực tế chưa cho phép Hàn Quốc thành lập một viện đắt giá với những nghiên cứu bao quát cả khoa học cơ bản lẫn khoa học ứng dụng. Thành lập một viện như vậy đòi hỏi nguồn vốn đầu tư tài chính rất lớn. Vậy nên, họ đặt trọng tâm vào việc hình thành một viện có thể nghiên cứu những công nghệ mà các doanh nghiệp tư nhân đòi hỏi. Đó là lý do họ chọn Viện Bartell của Hoa Kỳ - một viện có dạng doanh nghiệp, hoạt động trên cơ sở các hợp đồng và có khả năng nghiên cứu các công nghệ để liên kết trực tiếp với các ngành sản xuất làm Viện kết nghĩa và “đỡ đầu”, chứ không phải những viện nghiên cứu mang tính hàn lâm nổi tiếng khác.

Cách tiếp cận thị trường trong việc xây dựng Viện KIST cũng là một bài học đáng suy nghĩ. Thông thường, việc xây dựng một viện nghiên cứu đi theo lôgic: (1) trước hết, đạt cho được kết quả nghiên cứu, (2) sau đó, tìm kiếm những khách hàng sẽ mua các kết quả nghiên cứu này. Trong khi đó, những người sáng lập Viện KIST đặt vấn đề: (1) trước hết, cùng với khách hàng lựa chọn mặt hàng để nghiên cứu, (2) sau đó, bắt tay vào cùng nghiên cứu với khách hàng khi nào nhận được tiền hợp đồng. Cách đi này lúc đầu gặp không ít khó khăn, nhưng khi “bén rễ”, hoạt động của Viện đã có được cơ sở và phương thức vận hành gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của bản thân nền công nghiệp.

Về sau nhìn lại, mọi người đều thừa nhận đóng góp của Viện KIST đối với sự nghiệp công nghiệp hóa của Hàn Quốc không chỉ ở những công trình nghiên cứu các công nghệ sản xuất có kết quả và được ứng dụng vào nền kinh tế với nhiều loại công nghệ mới và độc đáo; mà những tác động gián tiếp và lan tỏa thậm chí còn quan trọng hơn những thành tựu hữu hình mà các dự án nghiên cứu đạt được.

TS. Choi Hyung Sup nhận xét: Trước khi thành lập Viện KIST, trong công nghiệp của Hàn Quốc không có khái niệm nghiên cứu và triển khai, hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty nước ngoài dưới dạng các hợp đồng chìa khóa trao tay đối với việc xây dựng nhà máy và công nghệ cần thiết. Khi phạm vi các hoạt động nghiên cứu và triển khai các dịch vụ công nghệ của Viện KIST được mở rộng hơn, nhận thức của giới doanh nghiệp về tầm quan trọng của nghiên cứu và triển khai đã tăng lên, góp phần tạo nên một bầu không khí và môi trường phù hợp cho việc phát triển công nghệ một cách tự nguyện, trong sự hợp tác với các viện nghiên cứu. Thế nên, có thể nói rằng, một trong những đóng góp quan trọng nhất của Viện KIST cho quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc là đã giúp cho các doanh nghiệp nhận thức được một thực tế là nghiên cứu và triển khai (R&D) là cơ sở để có được lợi nhuận trong kinh doanh.

Hơn nữa, kinh nghiệm thành công của Viện KIST còn tạo ra một bước ngoặt cho quá trình hiện đại hoá các viện nghiên cứu khác, như: Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), Viện Năng lượng Nguyên tử Hàn Quốc... nhiều viện chuyên ngành sau này được tách ra từ Viện KIST cũng lấy mô hình Viện KIST làm hình mẫu.

Tuyển dụng lao động - chiêu mộ nhân tài

Một trong những bài học quan trọng khác là phải học cách làm thế nào huy động được những nhà nghiên cứu có năng lực. Vào thời điểm năm 1966-1967, các nhà sáng lập Viện KIST đã chiêu mộ cả nhân tài khoa học trong nước lẫn quốc tế, đặc biệt là các nhà khoa học Hàn kiều ở Mỹ và châu Âu. TS. Choi Hyung Sup kể lại: trong số hơn 500 đơn xin việc, ông đã tới Mỹ để phỏng vấn 78 ứng viên được lựa chọn và phỏng vấn mỗi ứng viên 3 lần, với sự tham gia của các chuyên gia Viện Bartell.

Bước đầu, ông đã lựa chọn 18 nghiên cứu viên, là những người đã có hơn 5 năm kinh nghiệm kể từ khi nhận bằng tiến sĩ. Về sau, lựa chọn thêm 35 nhà nghiên cứu nữa và gửi tất cả tới Viện Bartell với mục tiêu không phải để tăng cường kiến thức về lĩnh vực chuyên môn, mà để học cách kinh doanh, với quan niệm: “Trên tất cả, anh phải học cách làm thế nào xây dựng được những kế hoạch nghiên cứu có khả năng thu hút các nhà doanh nghiệp để nhận được đặt hàng nghiên cứu từ họ”.

Điều đặc biệt ở mô hình KIST còn ở chỗ, nó tạo đà cho việc hồi hương một số lượng lớn các nhà khoa học và các chuyên gia Hàn Quốc xuất sắc, cũng như đặt nền móng cho khoa học - công nghệ công nghiệp. Đối với các nước đang phát triển, giải quyết vấn đề chảy máu chất xám luôn là nhiệm vụ cấp thiết và đầy khó khăn. Nhưng với mô hình KIST, có lẽ Hàn Quốc là một trường hợp hồi hương chất xám thành công ngoại lệ.

... Đến việc xây dựng Viện V-KIST Việt Nam

Với những người quan tâm đến sự nghiệp công nghiệp hóa của Việt Nam, những điều nêu trong Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc (9/9/2013) về nội dung “thành lập Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam (V-KIST) được thực hiện dưới hình thức dự án của Cơ quan Hợp tác Hàn Quốc (KOICA) và nhất trí hợp tác để dự án này trở thành mô hình hợp tác phát triển thành công giữa hai nước” thực sự là niềm vui và hy vọng lớn lao. Tuy nhiên, như kinh nghiệm hình thành Viện KIST, để hiện thực hóa nhiệm vụ này, quá trình xây dựng V-KIST chắc chắn sẽ còn phải giải quyết không ít những khó khăn cụ thể, cả về tư duy, khía cạnh pháp lý cũng như những việc làm thuần túy mang tính kỹ thuật. Song, với sự trợ giúp trực tiếp của các cán bộ Viện KIST, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, các trở ngại (nếu có) sẽ được giải quyết một cách có hiệu quả nhất. Chặng đường xây dựng Viện V-KIST lúc này dài hay ngắn, chủ yếu là ở chúng ta.

Những kinh nghiệm cụ thể của quá trình xây dựng Viện KIST của Hàn Quốc vào cuối những năm 1960 có thể tóm tắt lại là:

- Sự quyết tâm chính trị của người lãnh đạo đất nước có ý nghĩa tiên quyết;
- Môi trường xã hội để khoa học và công nghệ có thể bén rễ là điều kiện cần;
- Vai trò người đứng đầu Viện là không thể thiếu;
- Các nhà khoa học có chỗ đứng đúng như cần phải có.

Đấy là những bài học kinh nghiệm cách nay đã gần nửa thế kỷ và trong bối cảnh ngày nay, có thể có ý kiến cho rằng không còn (hoặc không còn hoàn toàn) đúng nữa. Nhưng, theo quan điểm của chúng tôi, tinh thần của những bài học kinh nghiệm này vẫn còn nguyên giá trị tham khảo. Vì thế, với mong muốn hiện thực hóa việc xây dựng Viện V-KIST một cách hiệu quả, chúng tôi xin nêu một vài ý kiến như những khuyến nghị nhỏ như sau:

- Trước mắt, nên thành lập Hội đồng quốc gia về thành lập Viện V-KIST (gồm các nhà lãnh đạo cấp cao, các nhà làm chính sách, các nhà khoa học từ nhiều bộ/ngành) để thực hiện một số công việc, gồm:

+ Tổ chức nghiên cứu tiền khả thi việc thành lập;
+ Tổ chức khởi thảo xây dựng Luật đặc biệt về xây dựng Viện V-KIST;
+ Xác định địa điểm và quy mô xây dựng Viện;
+ Tìm người làm Viện trưởng.
- Khảo cứu kỹ những cách làm cụ thể khi xây dựng Viện KIST để chọn lọc các hình thức, bước đi thích hợp.

Nên coi việc xây dựng Viện V-KIST như một trong những đột phá thực sự trên thực tế, mang tính chiến lược trong lĩnh vực khoa học - công nghệ ở thời điểm hiện nay./.

PGS. TS. Bùi Tất Thắng
Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

Nguồn tin: Tạp chí Kinh tế và dự báo

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner