Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 01:02 am
Cập nhật : 07/07/2022 , 12:07(GMT +7)
Mạng lưới TISC: “Bà đỡ” cho tài sản trí tuệ ở viện, trường
Khách thử nghiệm nền tảng thực tế ảo do FPT Software xây dựng.
Sau khi đạt được mục tiêu thúc đẩy số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích,... cho các viện, trường ở Việt Nam, trong thời gian tới, mạng lưới TISC (Các trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo) sẽ chuyển sang giai đoạn hỗ trợ thương mại hóa các tài sản trí tuệ này.

Trong giai đoạn trước năm 2010, số lượng bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp hằng năm của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chưa đầy 10 bằng/năm, hoạt động thương mại hóa và chuyển giao công nghệ cũng rất hạn chế, bà Phạm Thị Phượng ở Ban Ứng dụng và triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - VAST) kể lại trong tọa đàm “Thảo luận về nhu cầu hỗ trợ hoạt động SHTT và thành lập bộ phận hỗ trợ SHTT và ĐMST trong trường đại học/viện nghiên cứu” do Cục SHTT tổ chức vào cuối tháng sáu. Đây cũng là bức tranh chung của hầu hết các viện trường ở thời điểm đó, thậm chí nhiều nơi còn “u ám” hơn bởi không phải đơn vị nào cũng có nguồn lực đầu tư và năng lực nghiên cứu mạnh như VAST.

Tình trạng ít bằng sáng chế, cũng như hoạt động chuyển giao công nghệ còn “ì ạch” ở Việt Nam khiến các nhà quản lý không khỏi lo lắng. “Số lượng sáng chế của người Việt Nam vốn chiếm tỉ lệ thấp so với nước ngoài, cùng với đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam song khả năng tiếp nhận, chuyển giao công nghệ của chúng ta vẫn còn khá thấp. Thậm chí có nhận định bi quan cho rằng, nếu vì lý do nào đó, nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Việt Nam, chẳng hạn do dịch COVID-19, thì chúng ta gần như không có công nghệ để phát triển”, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) nhận định trong tọa đàm. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ càng nhiều sáng chế ở Việt Nam, địa hạt thương mại hóa công nghệ của chúng ta sẽ càng bị thu hẹp. Đơn cử nếu muốn phát triển một sản phẩm nào đó thuộc phạm vi sáng chế đã được bảo hộ trong nước, các nhà nghiên cứu hoặc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải trả phí và nhận được sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế, nếu không sẽ bị coi là xâm phạm quyền SHTT.

Những băn khoăn trên là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của mạng lưới TISC (Technology and Innovation Support Centers - Các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo) ở Việt Nam. “Mạng lưới TISC được thành lập dựa trên cơ sở Dự án TISC của Tổ chức SHTT thế giới WIPO, gần như tất cả quốc gia trên thế giới đều có mạng lưới này. Mục tiêu của Dự án TISC là hỗ trợ tiếp cận thông tin KH&CN, thông tin sáng chế chất lượng cao và các dịch vụ liên quan; trợ giúp tra cứu thông tin sáng chế; đào tạo tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp; thực hiện dịch vụ tra cứu theo yêu cầu; cung cấp thông tin phục vụ theo dõi tình trạng kỹ thuật và cạnh tranh, pháp luật về sở hữu trí tuệ, quản lý và thương mại hóa công nghệ (ở mức cơ bản)”, ông Nguyễn Hải Phong ở Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp (Cục SHTT) giới thiệu trong tọa đàm.

Xây dựng mạng lướiphù hợp với Việt Nam

Chỉ một năm sau khi Dự án TISC của WIPO được triển khai vào năm 2009, Cục SHTT đã khởi động mạng lưới TISC ở Việt Nam. Từ đó đến nay, nhiều quốc gia cũng triển khai mạng lưới TISC theo những cách làm riêng. “Theo thống kê đến năm 2021, có khoảng 71 quốc gia đã ký thỏa thuận với WIPO để phát triển mạng lưới TISC quốc gia. Một số nơi đã phát triển rất mạnh như Philippines, họ gọi mạng lưới này này IPPH, mạng lưới này gần như thay thế hoàn toàn các tổ chức tư nhân khác, trở thành mạng lưới mạnh nhất về SHTT”, ông Phong nói.

Làm thế nào để biến các kinh nghiệm quốc tế thành một chương trình hiệu quả, phù hợp với Việt Nam là bài toán mà Cục SHTT - đơn vị chịu trách nhiệm điều phối mạng lưới TISC ở Việt Nam nghĩ đến ngay từ khi bắt đầu. Họ đã xác định mục tiêu của pha đầu tiên là gia tăng số lượng đơn đăng ký và bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích của các viện, trường ở Việt Nam. Trên cơ sở này, đội ngũ điều hành đã lập kế hoạch và xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu cho các thành viên mạng lưới, giúp họ có đủ kỹ năng tra cứu thông tin, tư vấn thủ tục xác lập quyền, đồng thời bố trí các nguồn lực để triển khai dự án. Quá trình này đã tốn không ít công phu: “Để chương trình bám sát với thực tế, chúng tôi đã khảo sát tìm hiểu nhu cầu của các đơn vị, sau đó mới bắt tay vào thiết kế và thi công”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp kể lại.

Dù thiết thực song ở giai đoạn đầu, các viện, trường vẫn không mấy mặn mà với mạng lưới TISC. Điều này cũng dễ hiểu bởi tại thời điểm đó, không nhiều nơi quan tâm đến SHTT, thậm chí hiện nay, rất ít đơn vị có bộ phận chuyên trách về SHTT. “Vạn sự khởi đầu nan”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền nhận xét, “lúc đầu chúng tôi kêu gọi rất ít đơn vị tham gia, năm 2010 mạng lưới TISC Việt Nam chỉ có ba thành viên”. Dù vậy, họ vẫn luôn cố gắng triển khai chương trình một cách bài bản, tổ chức nhiều khóa học theo các cấp độ khác nhau, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia SHTT giàu kinh nghiệm ở Việt Nam cũng như quốc tế. “Chúng tôi liên tục tổ chức các khóa đào tạo, hướng dẫn từ thủ tục đăng ký, dự báo khả năng bảo hộ thông qua tra cứu tình trạng kỹ thuật, hình tức yêu cầu bảo hộ, xác định đối tượng, lập hồ sơ,... thậm chí có những khóa đào tạo cực kì cao cấp như viết bản mô tả sáng chế (vốn được coi là bước phức tạp nhất khi lập hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế). Để tạo thuận lợi cho quá trình này, chúng tôi còn xây dựng phần mềm viết bản mô tả sáng chế và cài đặt cho các đơn vị trong mạng lưới”, ông Phong cho biết.

Sự nỗ lực không ngừng của Cục SHTT, bên cạnh những chính sách thúc đẩy SHTT của nhà nước đã giúp các viện, trường dần thay đổi góc nhìn và thấy được những lợi ích thiết thực của dự án TISC. Đến tháng 5/2022, gần 60 viện, trường đã trở thành thành viên chính thức/dự bị của mạng lưới TISC Việt Nam. Mục tiêu càng nhiều đơn vị tham gia càng tốt, nhưng không vì thế mà đội ngũ TISC bỏ qua chất lượng để chạy theo số lượng. Theo ông Nguyễn Hải Phong: “Rất nhiều đơn vị đăng ký tham gia nhưng do chúng tôi chưa đủ nguồn lực, hoặc đơn vị đó chưa thể cam kết thực hiện nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc đối tượng sở hữu công nghiệp khác, nên chúng tôi xếp vào hàng dự bị. Quá trình lựa chọn được thực hiện khá kĩ càng nên rất nhiều đơn vị như trường ĐH Ngoại Thương vẫn đang xếp hàng chờ vào mạng lưới”. Thậm chí có những doanh nghiệp như Viettel, Sao Thái Dương cũng tích cực tham gia dù không phải là viện, trường - đối tượng chính mà mạng lưới TISC hướng đến.

Sự gia tăng số lượng thành viên cũng tỉ lệ thuận với số lượng đơn, bằng sáng chế của người Việt Nam qua các năm. Thống kê từ năm 2011-2020 cho thấy số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam có xu hướng tăng, trung bình từ 10-19%. Đặc biệt là trong năm 2020, tỉ lệ đơn đăng ký sáng chế tăng cao nhất từ trước đến nay, đạt mức 29% - lần đầu tiên số lượng đơn sáng chế của người Việt Nam đạt mức hơn 1000 đơn/năm. Kết quả này đạt được nhờ nhiều chính sách khác nhau, song không thể bỏ qua vai trò của mạng lưới TISC. “Sau khi gia nhập mạng lưới TISC, số lượng bằng sáng chế, hợp đồng chuyển giao công nghệ của VAST liên tục tăng trưởng”, bà Phạm Thị Phượng cho biết. “Trước đây chúng tôi có nhiều giải pháp hay có thể đăng ký sáng chế nhưng bị bỏ lỡ, sau khi tham gia lớp tập huấn, nhiều nhà nghiên cứu kêu tiếc vì không gặp được chuyên gia sớm hơn. Nhờ đó, mạng lưới TISC ngày càng có sức lan tỏa, bây giờ mỗi khi chúng tôi thông báo có lớp tập huấn là mọi người trong viện sẵn sàng đi học ngay, vì họ thấy được những lợi ích thiết thực từ các khóa học này”.

Chuyển pha thương mại hóa

Sau giai đoạn sơ khởi, “dù chưa thực sự trưởng thành” song dự án sẽ phải chuyển sang giai đoạn tiếp theo là thương mại hóa tài sản trí tuệ. Xét cho cùng, một sáng chế chỉ có thể phát huy hết giá trị của mình khi được ứng dụng trong thực tế. “Hiện nay chúng ta đã có hàng đã rồi nhưng chưa có chợ, mục tiêu quan trọng nhất là phải đưa công nghệ ra thị trường, bán được nhiều hay ít chưa quan trọng”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền nói.

Việc có được công nghệ đã khó, song để thương mại hóa còn nan giải hơn nhiều. Quá trình này đặt ra vô số bài toán, chẳng hạn như làm thế nào để các nhà nghiên cứu vốn không quen thuộc với thị trường tìm kiếm được đối tác phù hợp? Thuyết phục họ như thế nào? Nguồn lực để hoàn thiện, tối ưu công nghệ trước khi ra thị trường? Rất nhiều rào cản khiến việc thương mại hóa tài sản trí tuệ trong các viện, trường chưa thực sự hiệu quả.

Theo kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc dự án FIRST-NASATI thực hiện năm 2018, “chỉ có gần 14% doanh nghiệp tìm đến viện trường khi cần đổi mới công nghệ, còn 86% chạy đến chỗ khác”, TS. Tạ Bá Hưng, Chủ nhiệm Ban điều hành Chương trình Phát triển thị trường KH&CN (Chương trình 2075) nhận xét trong một hội thảo năm 2020.

Nhiều người kỳ vọng giai đoạn tiếp theo của dự án TISC sẽ góp phần tháo gỡ những nút thắt này. “Giai đoạn tiếp theo sẽ được Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn (Cục SHTT). Đây là đơn vị quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68), nên họ có đủ kinh nghiệm và nguồn lực để triển khai các nội dung trong giai đoạn này”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết. Ngoài những chương trình tư vấn, đào tạo kỹ năng thương mại hóa, các đơn vị có thể tận dụng những mối quan hệ sẵn có trong mạng lưới bởi thành phần của mạng lưới TISC Việt Nam khá đa dạng, không chỉ có viện, trường mà còn cả doanh nghiệp. “Một trong những thành công của mạng lưới TISC ở Việt Nam là sự gắn bó của các thành viên, ngay cả các chuyên gia của WIPO cũng bất ngờ vì cộng đồng TISC ở Việt Nam rất thân thiết, và luôn nhiệt tình hỗ trợ trong quá trình triển khai dự án này”.

Kể từ khi tham gia mạng lưới TISC, số lượng bằng sáng chế của VAST ngày càng tăng. Ảnh: TS. Hà Phương Thư ở Viện Khoa học vật liệu (VAST) giới thiệu sản phẩm mới trong Techdemo 2019. Nguồn: Hanoimoi

Tiếp nối mạng lưới TISC, từ năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã khởi động mạng lưới IP-HUB trên cơ sở Dự án EIE (Enabling IP Environment - Môi trường Sở hữu trí tuệ kiến tạo) - dự án kế tiếp TISC nhằm tăng cường năng lực cho mạng lưới TISC nêu trên. Các thành viên tham gia Dự án EIE được WIPO lựa chọn từ mạng lưới TISC thông qua quá trình phỏng vấn, khảo sát thực địa. So với Mạng lưới TISC, Mạng lưới IP-HUB được kết cấu chặt chẽ hơn, trong đó mạng lưới hoạt động theo mô hình Trục xoay (Hub - Cục Sở hữu trí tuệ) và Nan hoa (Spokes-các viện/trường thành viên), ngoài ra còn có các Trục phụ (sub-Hub).

Mục tiêu của dự án EIE là hình thành đội ngũ chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ của các Nan hoa (viện/trường) để nâng cấp hoạt động nghiên cứu sáng tạo, đăng ký sáng chế và đặc biệt là chuyển giao công nghệ. Một lợi ích có thể thấy rõ là giúp nâng cao số lượng, chất lượng và giá trị thương mại của sáng chế, thúc đẩy khai thác thông tin sáng chế để tránh trùng lặp trong nghiên cứu. So với Dự án TISC, Dự án EIE có tính chuyên sâu và đòi hỏi lộ trình thực hiện một cách bài bản hơn.

Dự án EIE sẽ triển khai tại Việt Nam trong năm năm từ 2019 đến 2023. WIPO sẽ hỗ trợ chuyên gia tư vấn và phối hợp tổ chức một số hội thảo tại Việt Nam. Kinh phí cho các hoạt động của dự án EIE tại Việt Nam do phía Việt Nam chịu trách nhiệm, trừ một số hội thảo quốc tế có sự hỗ trợ một phần của WIPO.

Với vai trò là trung tâm của Mạng lưới TISC và IP-HUB của Việt Nam, trong giai đoạn sắp tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tập trung vào các hoạt động phát triển mạng lưới với mục tiêu thành lập ít nhất 50 Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, trong đó có 10 thành viên TISC tiêu biểu tham gia vào Mạng lưới IP-HUB theo dự án EIE; đào tạo giai đoạn cơ bản và chuyên sâu cho đội ngũ chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; thúc đẩy lượng đơn đăng ký sáng chế của chủ đơn Việt Nam tăng trưởng dần qua các năm.

 

 

Nguồn tin: khoahocphattrien.vn

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner