Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiềm lực KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 06:35 pm
Cập nhật : 05/01/2014 , 09:01(GMT +7)
Lưu giữ nguồn gen thủy sản đảm bảo đa dạng di truyền
Việc bảo tồn, lưu giữ nguồn gen thủy sản cần được tiếp tục đẩy mạnh. (Ảnh: Internet)
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN&PT NN) đã tiến hành lưu giữ, đánh giá khai thác và sử dụng nguồn gen thủy sản. Sau hơn 10 năm thực hiện, các nhà khoa học đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Ông Nguyễn Hữu Ninh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cho biết, trong chương trình nhà nước về “Bảo tồn nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật”, Đề án “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản nước ngọt” đã được xây dựng và triển khai thực hiện từ năm 1998; đến năm 2005 bắt đầu triển khai nhiệm vụ “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản nước lợ mặn” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I là một trong số các đơn vị phối hợp thực hiện.

Tập trung chủ yếu vào nguồn gen thủy sản nước ngọt

Ông Nguyễn Hữu Ninh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I khẳng định, hiện công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen trong lĩnh vực thủy sản của Viện từ năm 2001 đến 2012 mới chỉ tập trung vào các nguồn gen thủy sản nước ngọt. Các nguồn gen nước lợ, nước mặn chiếm khoảng 80% thành phần loài và sản phẩm tiêu dùng, vẫn chưa được bảo vệ và quan tâm đúng mức. Từ năm 2005 đến nay mới bắt đầu bảo tồn và phát triển nguồn gen thủy sản nước lợ, nước mặn. Tuy nhiên, các hoạt động vẫn còn mang tính chất thăm dò ở mô hình ao, lồng và bể xi măng.

Qua nghiên cứu, các nguồn gen thuỷ sản lưu giữ đã được phân loại và đánh giá ban đầu với hơn 30 chỉ tiêu hình thái, các số liệu và cơ sở dữ liệu được tập hợp và lưu trữ ở dạng bản cứng và bản mềm. Các nguồn gen thuỷ sản lưu giữ được đánh giá chi tiết về đặc điểm sinh học (dinh dưỡng, tính ăn, sinh trưởng, sức sống), sinh học sinh sản (mùa vụ sinh sản, đặc điểm giới tính, sức sinh sản). Được biết, kết quả về đánh giá chi tiết nguồn gen đã cung cấp cơ sở khoa học để tiến đến sản xuất giống, phát triển nguồn gen tốt phục vụ nuôi trồng thủy sản. Việc đánh giá chi tiết nguồn gen đã góp phần phát triển nhiều nguồn gen có khả năng phục vụ sản xuất như: cá anh vũ, cá rầm xanh, cá lăng chấm, cá chiên.... Công tác nghiên cứu đa dạng di truyền quần thể các đối tượng kinh tế bước đầu cũng đã được thực hiện ở Việt Nam trên cá chép, cá tra, cá rô phi và tôm sú.

Từ những nội dung thực hiện, đề án đã nghiên cứu thành công các công nghệ sinh sản nhân tạo một số dòng loài cá đang lưu giữ, bao gồm các đối tượng nguồn gen truyền thống bản địa và các đối tượng nguồn gen nhập nội. Kết quả này đã góp phần chủ động khép kín quy trình công nghệ phục vụ nuôi trồng thủy sản, đồng thời tạo ra nguồn vật liệu quan trọng cung cấp cho các chương trình lai tạo, chọn giống và phát triển những quy trình công nghệ hiện đại. Một số đối tượng nguồn gen đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất như cá tra, tôm sú, tôm chân trắng, cá rô phi, cá chép, cá giò, cá song, cá rầm xanh, cá anh vũ, cá lăng chấm, cá chiên, cá vền…

Tính đến thời điểm này, Việt Nam cũng đã hình thành hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó chủ yếu bảo tồn tài nguyên di truyền động vật trên cạn và thực vật. Tính đến năm 2006, đã có tổng số 30 vườn quốc gia với tổng diện tích 1.166.441 ha. Ngoài vườn quốc gia, cả nước hiện còn có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và các khu bảo vệ cảnh quan. Đây là hình thức bảo tồn mang tính khoa học cao, tương đối hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế không nhỏ khi kết hợp với ngành du lịch sinh thái. Những khu bảo tồn của Việt Nam cũng chứa đựng nguồn tài nguyên di truyền thủy sản phong phú. Việc tham gia bảo tồn, kiểm kê, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên di truyền thủy sản ở những khu bảo tồn này có ý nghĩa quan trọng với các nhà nghiên cứu và chọn giống thủy sản.

Xác định phương hướng bảo tồn nguồn gen thủy sản tới năm 2020

Ông Nguyễn Hữu Ninh cũng đã nêu ra mục tiêu của công tác bảo tồn nguồn gen thủy sản của Viện từ nay đến năm 2020 là: Bảo tồn nguồn gen thủy sản đảm bảo đa dạng di truyền và phục vụ phát triển các nguồn gen quan trọng trong các hệ sinh thái nước ngọt, nước mặn và nước lợ gồm: các nguồn gen nội địa và các nguồn gen nhập nội. Đối với các nguồn gen nội địa cần bảo tồn, khai thác và phát triển gồm các nguồn gen bản địa, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, có tiềm năng phát triển, hữu ích cho duy trì môi trường và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Còn đối với các nguồn gen nhập nội cần bảo tồn, khai thác và phát triển các nguồn gen có giá trị kinh tế, hữu ích cho duy trì môi trường và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Dựa vào đặc điểm địa lý, sự thích nghi, điều kiện đặc thù, đa dạng nguồn gen thủy sản, hiện trạng bảo tồn lưu giữ nguồn gen thì có thể chia thành 3 nhiệm vụ lưu giữ nguồn gen thủy sản, bao gồm: Lưu giữ nguồn gen thủy sản miền Bắc; Lưu giữ nguồn gen thủy sản miền Trung; Lưu giữ nguồn gen thủy sản miền Nam. Các nhiệm vụ tập trung vào những vấn đề sau: Điều tra, khảo sát thu thập nguồn gen; Lưu giữ an toàn nguồn gen; Đánh giá nguồn gen; Tư liệu hóa nguồn gen; Giới thiệu, trao đổi, sử dụng và nâng cao chất lượng nguồn gen; Công bố kết quả bảo tồn, lưu giữ nguồn gen.

Để triển khai thực hiện mục tiêu trên, theo ông Hoàng Nhật Sơn, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, cần thực hiện tốt những nội dung sau: Tập trung nghiên cứu các công nghệ cao phục vụ bảo tồn nguồn gen thủy sản; Điều tra, khảo sát và phân lập nguồn gen giống loài thủy sản nước ngọt và nước mặn lợ, nguồn gen phục vụ làm thức ăn thủy sản; Đánh giá ban đầu, đánh giá chi tiết, đánh giá di truyền đối với các nguồn gen mới và các nguồn gen tiếp tục lưu giữ; Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu của các nguồn gen; Hoàn thành xây dựng các chỉ tiêu thuần dưỡng, hình thái và khả năng khai thác sử dụng đối với các nguồn gen, hoàn thành xây dựng các chỉ tiêu về đặc điểm sinh học và di truyền đối với các nguồn gen…

Linh Anh


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner