Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ sáu, 22/11/2024 , 11:20 pm
Cập nhật : 17/02/2015 , 06:02(GMT +7)
Lực đẩy tài chính cho khoa học công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ
Chỉ có công nghệ mới giải quyết được bài toán hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho DN.
Trong xu thế hội nhập, sản xuất sản phẩm hàng hóa mang tính toàn cầu, Việt Nam cần phải làm gì và bắt đầu từ đâu trong chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm? Câu trả lời duy nhất đó là công nghệ. Chỉ có công nghệ mới giải quyết được bài toán hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Chính sách tài chính cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

Ở Việt Nam, thuật ngữ công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được nhắc tới và hình thành tương đối muộn. Nguyên nhân là do trước đó, Việt Nam chịu ảnh hưởng của cơ chế tự cung tự cấp, cơ cấu sản xuất tích hợp phổ biến theo chiều dọc trong nội bộ doanh nghiệp (DN), ít phát triển theo chiều ngang thông qua hợp tác liên kết với các DN khác. Các DN Việt Nam thường tổ chức theo lối khép kín, các phụ tùng linh kiện cần thiết cho lắp ráp sản xuất đều do bản thân DN lắp ráp tự sản xuất. Cho đến năm 2005 trở lại đây, sau khi có sự hợp tác của Việt Nam – Nhật Bản thông qua các dự án, chương trình do Nhật Bản hỗ trợ như dự án Ishikawa (năm 1995), sáng kiến Miyazawa (1999), sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản (2003) đã đề cập rõ hơn về CNHT.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của CNHT, ngày 22/2/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành CNHT, tạo khung pháp lý cơ bản cho sự hình thành và phát triển của CNHT. Cụ thể, bên cạnh việc quy định rõ các chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển CNHT đối với các ngành Cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da giày và CNHT cho phát triển công nghệ cao thì Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg còn đưa ra 5 nhóm khuyến khích phát triển đối với ngành CNHT, bao gồm: Khuyến khích phát triển thị trường; khuyến khích phát triển hạ tầng cơ sở; khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp thông tin và khuyến khích về tài chính. Theo đó, những DN trong các ngành CNHT trên sẽ được ưu tiên xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí của các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; được hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia; được hưởng ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu; được xem xét vay một phần vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định hiện hành. Đây chính là cơ sở pháp lý nền tảng và quan trọng cho việc phát triển CNHT Việt Nam.

Việt Nam hiện có khoảng 24 ngành/phân ngành kinh tế - kỹ thuật đều cần đến CNHT, trong đó có nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, nhìn chung CNHT của Việt Nam vẫn còn yếu, điều này thể hiện qua tỷ lệ nội địa hóa trong một sản phẩm còn rất thấp, số DN tham gia liên kết/thầu phụ còn rất ít. CNHT chủ yếu vẫn là do phần lớn các DN Nhà nước sản xuất, cung cấp những sản phẩm có chất lượng thấp và giá thành cao. Một bộ phận khác là các hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn về vốn và công nghệ. Trong khi đó, thời điểm có hiệu lực cả các cam kết quốc tế đang đến gần (AFTA năm 2018...), điều này đặt ra các cơ hội cũng như những thách thức, áp lực ngày càng nặng nề cho ngành Công nghiệp của Việt Nam.

Gần đây, giới truyền thông cũng đề cập nhiều tới câu chuyện về DN Việt Nam không đủ khả năng sản xuất ốc vít theo đơn đặt hàng của Samsung Vina, đã mang đến cái nhìn hết sức bi quan về ngành CNHT trong nước. Đó mới chỉ nói đến một sự việc cụ thể. Với xu thế thế giới hội nhập, sản xuất sản phẩm hàng hóa mang tính toàn cầu, Việt Nam sẽ phải làm gì, bắt đầu từ đâu trong chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm? Câu trả lời duy nhất đó là công nghệ, bởi chỉ có công nghệ mới giải quyết được bài toán hạ giá thành sản phẩm. Vậy, cần phải làm gì để có được công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo cho DN đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế? Bên cạnh việc liên kết để gia tăng giá trị sản phẩm và năng lực sản xuất thì giải pháp tài chính và hạ tầng chính là hai trong số nhiều "nút thắt" cần sớm tháo gỡ để ngành CNHT bứt phá.



Gỡ “nút thắt” về vốn và hạ tầng

Nhằm tạo điều kiện hơn nữa về tài chính cũng như hạ tầng cho phát triển CNHT, Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) số 29/2013/QH13 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014, trong đó dành hẳn một chương (Chương VI) để nói về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển KH&CN. Trên cơ sở đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 95/2014/ NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN. Cụ thể, công tác quản lý tài chính đối với hoạt động KH&CN kể từ năm 2015 sẽ có sự thay đổi cơ bản và toàn diện nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; tạo động lực cho KH&CN phát triển, làm cho KH&CN thực sự trở thành lực lượng sản xuất phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các điểm mới gồm:

Thứ nhất, đề xuất xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) cho hoạt động KH&CN.

Theo tinh thần của Luật KH&CN và Nghị định số 95/2014/NĐ-CP thì sẽ có sự phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các bộ và UBND tỉnh, thành phố trong công tác lập kế hoạch, dự toán NSNN dành cho KH&CN và tổ chức thực hiện dự toán, nhằm đảm bảo hiệu quả của hoạt động KH&CN, vai trò điều phối hoạt động KH&CN toàn ngành của Bộ KH&CN - cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội thống nhất quản lý nhà nước về KH&CN trên phạm vi toàn quốc.

Hiện Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp cung ứng linh, phụ kiện hỗ trợ các ngành công nghiệp xe máy, ô tô, điện tử... Tỷ lệ cung ứng trong nước cho các ngành ô tô, điện tử, đóng tàu chỉ chiếm khoảng 10-15%.


Khác với trước đây (năm 2014 trở về trước), việc xây dựng và lập dự toán NSNN bao gồm kinh phí đầu tư phát triển cũng như sự nghiệp khoa học sẽ do Bộ KH&CN đề xuất. Vì vậy, để đề xuất trúng và đúng, đòi hỏi cả hệ thống của ngành KH&CN phải bước cùng nhịp. Đối với hoạt động KH&CN ở các cơ quan Trung ương, phải xác định được nhu cầu đầu tư, mục đích đầu tư và hiệu quả đầu tư của các dự án sử dụng kinh phí đầu tư phát triển. Hoạt động KH&CN ở địa phương cũng tương tự, nhất là việc sử dụng kinh phí đầu tư phát triển.

Thứ hai, cấp kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo hình thức Quỹ:


Để phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN, phần kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH&CN (đề tài, dự án) sẽ được cấp thông qua hệ thống các Quỹ phát triển KH&CN; khi xây dựng kế hoạch và dự toán hàng năm, các bộ, ngành và địa phương cần xác định rõ tổng số dự toán ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, chưa cần phải xác định nhiệm vụ, dự toán chi tiết của từng nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt như hiện nay. Để làm tốt việc này đòi hỏi công tác kế hoạch phải xác định được những nhiệm vụ KH&CN thiết thực.

Thứ ba, khoán chi trong nghiên cứu - triển khai:


(1) Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng: Những nhiệm vụ KH&CN được thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng phải đáp ứng cơ bản những điều kiện sau:

- Nhiệm vụ KH&CN có sản phẩm cuối cùng đã xác định được rõ tên sản phẩm cụ thể, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được, số lượng hoặc quy mô sản phẩm tạo ra, địa chỉ ứng dụng; được hội đồng KH&CN tuyển chọn, xét giao trực tiếp xác định đáp ứng phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; được chủ nhiệm nhiệm vụ và cơ quan chủ trì chấp nhận.

- Dự toán của nhiệm vụ KH&CN đã được tính đúng, tính đủ tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ - thuật theo quy định hiện hành và các thông lệ đã được áp dụng.

- Được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí.

- Thủ trưởng tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN có cam kết bằng văn bản chấp nhận phương thức khoán chi.

- Các nhiệm vụ KH&CN nghệ thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng được các Quỹ Phát triển KH&CN của cấp tương ứng cấp kinh phí thực hiện theo yêu cầu phù hợp với tiến độ của hợp đồng.

- Nhiệm vụ KH&CN được khoán chi đến sản phẩm cuối cùng được coi là hoàn thành sau khi cơ quan có thẩm quyển về KH&CN có văn bản xác nhận kết quả nghiệm thu từ mức đạt yêu cầu trở lên.

- Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH&CN được thanh lý sau khi có văn bản xác nhận kết quả của cơ quan có thẩm quyền về KH&CN.

- Việc quyết toán kinh phí được thực hiện theo phương thức quyết toán toàn bộ. Sau khi nhiệm vụ KH&CN được hoàn thành, các bên tiến hành thanh lý hợp đồng KH&CN. Đối với các nhiệm vụ KH&CN thực hiện trong nhiều năm thì tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm tổng hợp báo cáo theo niên độ ngân sách đối với số kinh phí thực nhận và thực chi.

(2) Khoán chi từng phần: Những nhiệm vụ KH&CN được khoán chi từng phần là nhiệm vụ KH&CN có tính rủi ro cao, không thể xác định được tiêu chí cụ thể của sản phẩm cuối cùng, cụ thể như sau:

- Có từng phần công việc xác định được rõ nội dung, mục tiêu, yêu cầu, kết quả, kinh phí thực hiện; được chủ nhiệm nhiệm vụ và cơ quan chủ trì chấp nhận thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần.

- Dự toán phần công việc được khoán chi của nhiệm vụ KH&CN đã được tính đúng, tính đủ tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các định mức kinh tế - kỹ thuật theo quy định hiện hành và các thông lệ đã được áp dụng.

- Được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí.

- Các Quỹ Phát triển KH&CN của cấp tương ứng cấp kinh phí thực hiện theo yêu cầu và tiến độ của hợp đồng.

- Nhiệm vụ KH&CN được khoán chi từng phần được coi là hoàn thành sau khi cơ quan có thẩm quyền về KH&CN có văn bản xác nhận kết quả nghiệm thu từ mức đạt yêu cầu trở lên.

- Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH&CN được thanh lý sau khi có văn bản xác nhận kết quả của cơ quan có thẩm quyền về KH&CN.

- Việc quyết toán kinh phí được thực hiện theo phương thức quyết toán tổng hợp các nội dung được khoán chi và nội dung không được khoán chi.

- Kinh phí khoán được sử dụng đúng mục đích, có chứng từ đầy đủ theo thực chi, đảm bảo công khai, minh bạch trong nội bộ tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ…

Thứ tư, huy động nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển KH&CN:


Luật KH&CN 2013 đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi, vì vậy Nghị định số 95/2014/NĐ-CP đã thiết kế giải pháp mạnh, khả thi để huy động khu vực tư nhân và DN đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ thông qua hệ thống các Quỹ Phát triển KH&CN, cụ thể hóa cơ chế bắt buộc trích lập quỹ này đối với DN Nhà nước. Có chính sách ưu đãi hiệu quả, đồng bộ để phát triển nhanh lực lượng DN KH&CN. Cụ thể, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP đã quy định một số nội dung như sau:

- DN Nhà nước hàng năm phải trích từ thu nhập tính thuế thu nhập DN tối thiểu 3% để lập Quỹ phát triển KH&CN của DN.

- DN ngoài Nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập DN một tỷ lệ hợp lý để lập Quỹ Phát triển KH&CN của DN.

- DN phải xây dựng quy chế đề xuất, xác định nhiệm vụ, tổ chức thực hiện và đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN của DN và quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN của DN gửi cơ quan thuế nơi DN đăng ký thuế để kiểm soát.

- Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho KH&CN tại Việt Nam dưới các hình thức: Đầu tư trực tiếp, liên doanh, liên kết và được hưởng các hình thức ưu đãi cao nhất theo quy định pháp luật về đầu tư.

Ngoài những hỗ trợ trên, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định 601/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa. Quỹ này sẽ ưu tiên phát triển các dịch vụ cung cấp tài chính, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, quản trị kinh doanh, quản lý tài chính, khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, đào tạo kỹ năng cho DN nhỏ và vừa. Thông qua sự kết nối với các bộ, ngành, Quỹ này sẽ tập trung nguồn lực cho một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh nhất. Những DN tham gia vào chuỗi giá trị liên kết ngành, CNHT sẽ được Quỹ ưu tiên giải ngân thông qua một số ngân hàng thương mại được lựa chọn công khai, minh bạch, trong đó có Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ: Lý luận, thực tiễn và định hướng cho Việt Nam. TS. Lê Xuân Sang, ThS. Nguyễn Thu Hiền – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương;

2. Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13;

3. Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN.

Nguồn tin: Tapchitaichinh.vn

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner