Điểm kết nối cung - cầu công nghệ tại TP. Hải Phòng sẽ là nơi lan tỏa và kết nối kịp thời các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) với các Điểm kết nối trên cả nước, phục vụ hoạt động tư vấn, đánh giá, lựa chọn, liên kết, hợp tác ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, qua đó đẩy nhanh việc ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSH nói riêng và cả nước nói chung.
Khai trương Điểm kết nối cung - cầu công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng
Chiều 25/4 tại Hải Phòng, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Sở KH&CN TP. Hải Phòng tổ chức Khai trương Điểm kết nối cung - cầu công nghệ vùng ĐBSH - điểm kết nối thứ 8 trên cả nước.
Việc khai trương Điểm kết nối này là hoạt động cụ thể hóa chính sách thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN. Thời gian qua, để thúc đẩy thị trường KH&CN, Bộ KH&CN đã cơ bản hoàn thiện môi trường pháp lý và khuyến khích thành lập, phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Cụ thể như Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Công nghệ cao,... và tập trung triển khai các Chương trình quốc gia về KH&CN như Chương trình phát triển thị trường KH&CN, Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ... nhằm triển khai hoạt động KH&CN theo cơ chế thị trường; thúc đẩy kết nối cung - cầu công nghệ, hỗ trợ các hoạt động dịch vụ, tư vấn, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ.
Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 đã xác định rõ vai trò của Điểm kết nối cung - cầu công nghệ trong việc thực hiện các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ, công bố, trình diễn giới thiệu công nghệ. Vì vậy, việc hình thành và đưa vào hoạt động Điểm kết nối cung - cầu công nghệ là chỉ đạo có định hướng của Bộ KH&CN, là một trong những giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước, góp phần nâng cao trình độ, năng lực công nghệ của doanh nghiệp, chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thị trường KH&CN tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Lễ Khai trương
Phát biểu tại Lễ khai trương, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: Cả nước đã có 07 Điểm kết nối cung - cầu công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội (2 điểm), các tỉnh Phú Yên, Nghệ An, Đăk Lăk và TP. Cần Thơ. Mặc dù một số Điểm mới thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 nhưng đã thực hiện hiệu quả trong việc xúc tiến chuyển giao công nghệ, cụ thể: đã tổ chức gần 80 lượt tư vấn, tọa đàm, kết nối cung - cầu, thu hút khoảng 5.000 lượt khách tham quan; giới thiệu và trình diễn gần 200 sản phẩm KH&CN, ký kết thành công hơn 10 hợp đồng chuyển giao công nghệ, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm của Trung tâm ứng dụng; đồng thời đã kết nối với các chuyên gia của Hàn Quốc đào tạo, cấp chứng nhận điều phối viên về chuyển giao công nghệ cho 20 học viên của Việt Nam...
Tuy đây là kết quả bước đầu của các Điểm kết nối cung - cầu công nghệ nhưng đã cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường KH&CN tại các vùng, địa phương.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN TP. Hải Phòng, các Sở KH&CN và Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN trong vùng ĐBSH và các đơn vị liên quan trong công tác chuẩn bị và đưa vào vận hành Điểm kết nối cung - cầu công nghệ ngày hôm nay.
Tuy nhiên, để hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, các Sở KH&CN trong vùng tăng cường phối hợp chặt chẽ với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, các nhà khoa học, viện nghiên cứu để tiếp tục triển khai các kết quả từ Điểm kết nối. Thứ trưởng cũng hy vọng các biên bản hợp tác, ghi nhớ, hợp đồng chuyển giao công nghệ sẽ sớm được hiện thực hóa. Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cũng cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng quy định cơ chế hoạt động của Điểm kết nối cung - cầu công nghệ để thu nhận ý kiến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các địa phương.
Phát biểu tại Lễ khai trương, ông Lê Khắc Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định: Việc hình thành và đưa vào hoạt động Điểm kết nối cung - cầu công nghệ vùng ĐBSH tại Hải Phòng là một trong những giải pháp phát triển các loại hình tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, xúc tiến chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp, chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Ông Lê Khắc Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phát biểu
Ông Lê Khắc Nam cũng cho biết, trong thời gian qua Hải Phòng đã kết nối chặt chẽ với thị trường KH&CN, thị trường hàng hóa nói chung với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSH. Do đó, việc khai trương đưa Điểm kết nối cung - cầu công nghệ vùng ĐBSH đi vào hoạt động là điều kiện thuận lợi để TP. Hải Phòng và các tỉnh, thành phố trong Vùng đẩy mạnh hoạt động trình diễn, giới thiệu, tư vấn công nghệ và thúc đẩy thị trường KH&CN phát triển.
Ông Lê Khắc Nam cũng hy vọng, việc thiết lập Điểm kết nối mới này tại Hải Phòng sẽ kết nối hệ thống hạ tầng phục vụ cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; đưa nhanh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ, chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hải Phòng nói riêng và toàn vùng ĐBSH nói chung.
Thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ
Trong khuôn khổ của Lễ khai trương Điểm kết nối cung - cầu công nghệ vùng ĐBSH đã diễn ra Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ” nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động liên kết, hợp tác nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao công nghệ cho vùng ĐBSH, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa và năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu hội nhập của doanh nghiệp.
Hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ là một trong các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát triển thị trường KH&CN của Việt Nam, là hoạt động định kỳ, thường xuyên được Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai ở quy mô quốc gia, qua đó xác định nhu cầu công nghệ và kết nối với nguồn cung công nghệ phù hợp; thực hiện hoạt động tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ và tiếp cận với các quỹ đầu tư, kênh tài chính trong nước và quốc tế; khai thác và đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, công nghệ mới vào thực tiễn; tổ chức tôn vinh các doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiêu biểu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng, địa phương trên cả nước.
Các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm KH&CN
Nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, đa số các đại biểu đều cho rằng, cần tăng cường đầu tư, phát triển các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của Vùng theo chuỗi giá trị, có thể thông qua các hoạt động liên kết nghiên cứu, liên kết sản xuất, kinh doanh, cần giúp doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao các công nghệ phù hợp để phát triển các sản phẩm ở địa phương. Cần huy động, kết nối các nhà khoa học trong và ngoài Vùng để nghiên cứu giải quyết một số nhiệm vụ KH&CN và các vấn đề cần thiết nhằm phát triển các sản phẩm của vùng ĐBSH nói riêng và các vùng trên cả nước nói chung.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các chủ đề chính: Đánh giá hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ trong thời gian qua và đề xuất giải pháp kết nối hiệu quả thông qua các Điểm kết nối; Đánh giá hiện trạng và nhu cầu kết nối các nguồn cung công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp; Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ; Giải pháp liên kết trực tuyến, kết hợp với các định chế trung gian hiện có để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu công nghệ; Điểm kết nối cung - cầu công nghệ kết nối nghiên cứu với sản xuất.
Các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, thảo luận sôi nổi, phản ánh thực trạng, cơ hội và thách thức đối với viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp đối với hoạt động KH&CN trong giai đoạn hội nhập hiện nay, đề xuất nhiều nội dung và chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về mô hình kết nối cung - cầu công nghệ để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường KH&CN tại các vùng, địa phương.
Nhằm thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, đa số các đại biểu đều cho rằng, cần tăng cường đầu tư, phát triển các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của Vùng theo chuỗi giá trị, có thể thông qua các hoạt động liên kết nghiên cứu, liên kết sản xuất và kinh doanh, cần giúp doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao các công nghệ phù hợp để phát triển sản phẩm ở địa phương. Việc huy động, kết nối các nhà khoa học trong và ngoài vùng cũng rất cần thiết để nghiên cứu giải quyết một số nhiệm vụ KH&CN, phát triển các sản phẩm của vùng ĐBSH nói riêng và các vùng trên cả nước nói chung.
Toàn cảnh Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ”
Bên cạnh đó, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cùng các đơn vị thuộc Bộ KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN các tỉnh, thành phố, các Viện nghiên cứu, Trường đại học, doanh nghiệp triển khai đồng bộ, thường xuyên tổ chức hoạt động truyền thông giới thiệu các Điểm kết nối; đánh giá, cập nhật hiện trạng hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại địa phương để hỗ trợ kịp thời, giải quyết các vấn đề về chính sách, kỹ thuật, công nghệ; tập trung tổng thể các nguồn lực cho việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của Vùng, địa phương.
Hội thảo được tổ chức tại TP. Hải Phòng lần này là một trong chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Sự kiện trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ năm 2019 của Bộ KH&CN giao Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Đây cũng là một trong các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam (18/5), tiến tới Kỷ niệm 60 năm thành lập ngành KH&CN./.
Bài, ảnh: Đăng Minh