Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 07:15 pm
Cập nhật : 23/01/2015 , 16:01(GMT +7)
Lực đẩy mới cho hoạt động Đổi mới Sáng tạo ở Việt Nam
IPP giai đoạn II sẽ tập trung tài trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp
Là dự án đầu tiên sử dụng ODA cho hoạt động đổi mới sáng tạo, Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam- Phần Lan (IPP) đã góp phần thay đổi suy nghĩ của các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ Việt Nam. Giai đoạn II của IPP được kỳ vọng đầu tư có trọng điểm hơn với định hướng tạo ra những kết quả bền vững, tạo nền tảng cho hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam sau này.

Tạo đà vững chắc từ giai đoạn I

Với sự tham gia của 350 người, trong đó có hơn 150 nhóm đã nộp đơn bày tỏ quan tâm tại 3 hội thảo đồng sáng tạo vòng đầu diễn ra tại 3 thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng do IPP tổ chức trong tháng 1 vừa qua cho thấy, mức độ quan tâm cũng như sức hấp dẫn của Chương trình đối với cộng đồng Đổi mới Sáng tạo tại Việt Nam. 

Ông Lauri Laakso – Cố vấn trưởng IPP đã so sánh hội thảo hợp tác Đổi mới Sáng tạo giống như một cuộc hẹn lần đầu tiên: “Qua sự kiện này và những cuộc trao đổi nhanh trực tiếp với từng nhóm, chúng tôi hi vọng sẽ tạo nhiều sự tương hợp giữa IPP và các nhóm quan tâm”.

Ông Trần Quốc Thắng  – Giám đốc IPP cho biết Việt Nam có thể thực hiên phát triển bền vững bằng cách đầu tư vào đổi mới sáng tạo. “Trong suốt giai đoạn 2 IPP sẽ hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp và giúp họ thực hiện phát triển bền vững. Qua đó, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội đất nước”.

Tại Hà Nội, các chuyên gia của IPP đã trao đổi với hơn 70 nhóm và đã nghe khá nhiều những ý tưởng có triển vọng về các ngành khác nhau. IPP cũng đã gặp 60 nhóm quan tâm tại thành phố Hồ Chí Minh. Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Đà Nẵng chỉ mới đang nổi. Những công ty đổi mới sáng tạo cần rất nhiều hỗ trợ từ môi trường của họ để thành công trên thị trường quốc tế. IPP đã gặp một tổ chức liên danh đang phát triển dịch vụ vườn ươm tại Đà Nẵng. Tất cả các cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa IPP và các nhóm đổi mới sáng tạo tại 3 khu vực cho thấy sự hào hứng đón nhận của của các đơn vị, tổ chức tại Việt Nam. 

Hỗ trợ của IPP cho các công ty đổi mới sáng tạo không thể so sánh với hỗ trợ vốn nghiên cứu và phát triển truyền thống – IPP đang tìm kiếm các dự án tăng trưởng nhanh và mong đợi các công ty có sản phẩm trên thị trường trong 1 – 2 năm đầu sau khi nhận tài trợ từ IPP và tham gia đào tạo đổi mới sáng tạo thực tiễn. 

Được biết, giai đoạn I của dự án IPP được triển khai trong vòng bốn năm (từ 2010-2014) với số vốn đầu tư từ phía Phần Lan là 7,3 triệu Euro (viện trợ không hoàn lại) và 20 tỷ đồng đối ứng từ phía Việt Nam. Ngoài 125 đơn vị trực tiếp thụ hưởng dự án để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo thì điểm nổi bật mà IPP giai đoạn I cũng đã tác động đến việc xây dựng các văn bản pháp luật và chiến lược về khoa học công nghệ của Việt Nam tới gần hơn các chuẩn mực quốc tế.

Mặc dù với mức hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng mỗi doanh nghiệp- một con số chưa phải là cao nhưng dự án IPP giai đoạn I đã có những tác động và hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng các các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đổi mới sáng tạo Việt Nam. 

Thay đổi nhận thức về đổi mới sáng tạo là điểm mà dự án IPP giai đoạn I đã đạt được. Nếu như nguồn hỗ trợ ODA cho Việt Nam trong hơn 20 năm qua tập trung ưu tiên cho các lĩnh vực y tế, môi trường, giáo dục, xóa đói giảm nghèo thì nay nguồn hỗ trợ đó đã chuyển dịch sang hướng nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này được chứng minh sau khi IPP giai đoạn I đi vào hoạt động, năm 2011, các tổ chức khác như World Bank, DANIDA (Đan Mạch), DFID (Anh), EU cũng bắt đầu đề cập đến các hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, tiếp nối sự thành công của dự án IPP giai đoạn 1, sự ra đời của dự án FIRST của World Bank hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo không thể không kể đến vai trò của IPP.

Tập trung tài trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp

IPP giai đoạn II vẫn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng nếu giai đoạn I hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo của những doanh nghiệp đã thành lập thì giai đoạn II tập trung tài trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp từ trước khi ra đời về mặt đào tạo kĩ năng, tư vấn thị trường và vốn. Theo đó, những doanh nghiệp được chọn sẽ được hỗ trợ theo hai bước: bước một, tập trung vào đào tạo, tư vấn, hướng dẫn về việc kết nối với các nguồn lực, tiếp cận thị trường - doanh nghiệp được lựa chọn sẽ được hỗ trợ tối đa 30.000 EUR, trong đó có 70% dành cho nguồn lực con người; bước hai, hướng tới việc kết nối các đối tác tiềm năng, kêu gọi các nguồn lực khác với tổng số vốn lên đến 300.000 EUR. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, giai đoạn II sẽ tăng tính cạnh tranh của các hồ sơ dự tuyển bằng cách công bố và quảng bá công khai các chương trình, nhiệm vụ, đồng thời sẽ lập ra một hội đồng tuyển chọn và hội đồng nghiệm thu như đối với các nhiệm vụ khoa học để đảm bảo tính khả thi của các dự án. 

IPP giai đoạn I đã có những tác động và hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng các các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Đây chính là điểm nhấn của giai đoạn II của IPP, đó là đầu tư có trọng điểm hơn với định hướng tạo ra những kết quả bền vững, tạo nền tảng cho hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam sau này.

Theo đó, giai đoạn II có bốn mục tiêu cụ thể: Hỗ trợ biên soạn bộ giáo trình về đổi mới sáng tạo ở Việt Nam để giảng dạy rộng rãi từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp đến các trường đại học; hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp spin offs (từ các kết quả nghiên cứu khoa học của các viện, trường) và các start-ups; hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở địa phương với các dự án tạo ra các sản phẩm vùng đặc trưng, trụ được lâu dài trên thị trường và tự duy trì được sau khi dự án kết thúc; hỗ trợ việc hoàn thiện các thể chế, chính sách.

Một sản phẩm quan trọng của giai đoạn II chính là bộ giáo trình theo tiêu chuẩn quốc tế do các chuyên gia nước ngoài hợp tác biên soạn về đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là việc đào tạo lớp giảng viên có thể giảng dạy chuyên sâu về lĩnh vực này thông qua chương trình học bổng đổi mới sáng tạo (VIF). Các thành viên được tuyển chọn vào chương trình này sẽ tham dự một khóa học toàn thời gian kéo dài chín tháng và được cấp chi phí sinh hoạt trong suốt thời gian tham gia khóa học.

Box:

Giai đoạn II của IPP sẽ kết thúc vào năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 11 triệu EUR, trong đó 90% là ODA viện trợ không hoàn lại. IPP hợp tác với các đối tác quốc tế và quốc gia chủ chốt cũng như với các tập thể, nhóm đổi mới hàng đầu nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế đến năm 2020 của Việt Nam và hỗ trợ tăng cường xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo.

IPP2 hiện đang kêu gọi sự quan tâm của các đơn vị, cá nhân để có thể bắt đầu đối thoại với những người thụ hưởng tiềm năng. Các tập thể và cá nhân này quan tâm đến chương trình hỗ trợ đổi mới của IPP dưới 2 hình thức: Phát triển sản phẩm và dịch vụ và Phát triển hệ thống sáng tạo đổi mới.

Bài, ảnh: Minh Châu

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner