Luật đã cụ thể các chính sách đãi ngộ về lương, phụ cấp trách nhiệm, đi dự các hội nghị, hội thảo quốc tế… đối với nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao nhiệm vụ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, nhà khoa học trẻ tài năng.
Ngày 21/8 tới, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức Hội nghị phổ biến luật KHCN sửa đổi với Đoàn Thanh niên. Nhân dịp này, Chất lượng Việt Nam giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Đình Minh, Tổng Thư ký Hội đồng Chính sách KHCN Quốc gia.
Luật KHCN được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2013, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014, thay thế luật KHCN năm 2000. Luật KHCN mới có 81 điều, chia làm 11 chương (tăng 22 điều, 3 chương so với Luật năm 2000). Các nội dung mới như sau:
Về tổ chức KHCN
Luật đã bỏ quy định phân loại tổ chức cấp quốc gia, cấp bộ, cấp cơ sở, thay vào đó là phân loại tổ chức KHCN theo thẩm quyền thành lập, theo chức năng, theo hình thức sở hữu.
Luật quy định rõ cơ sở giáo dục đại học là tổ chức KHCN phải đăng ký hoạt đông KHCN để tiến hành hoạt động KHCN.
Việc thành lập tổ chức KHCN công lập phải được cơ quan nhà nước thẩm định theo phân cấp. Đổi với các tổ chức KHCN có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng KHCN cho phép thành lập và không phải lập dự án đầu tư.
Bổ sung quy định về đánh giá, xếp hạng tổ chức KHCN, quy định rõ tổ chức KHCN công lập phải được đánh giá phục vụ quản lý nhà nước.
Về cá nhân hoạt động KHCN và phát triển nhân lực KHCN
Luật đã cụ thể hóa chính sách đãi ngộ về lương, phụ cấp trách nhiệm, đi dự các hội nghị, hội thảo quốc tế…đối với nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao nhiệm vụ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, nhà khoa học trẻ tài năng. Đặc biệt, Luật quy định tạo điều kiện cho các nhà khoa học đầu ngành được đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để tổ chức nghiên cứu, thực hiện ý tưởng đặt ra.
Luật cũng khuyến khích và cụ thể hóa nhiều chế độ đối với nhà khoa học là Việt kiều, người nước ngoài tham gia hoạt động KHCN tại Việt Nam.
Xác định tổ chức thực hiện nhiệm vụ KHCN
Quy định về phương thức đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KHCN.
Theo đó, mọi cá nhân đều có quyền đề xuất nhiệm vụ KHCN, trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, UBND cấp tỉnh và các cơ quan nhà nước khác ở Trung ương tổ chức xác định và công bố công khai và đặt hàng với các tổ chức KHCN thực hiện nhiệm vụ KHCN đặt hàng cấp bộ, cấp tỉnh và gửi đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia về bộ KHCN để Bộ đặt hành với các tổ chức KHCN.
Mô hình đặt hàng đối với tổ chức KHCN được coi là phương thức tối ưu nhằm gắn mục tiêu của nghiên cứu KHCN với những vấn đề thực tiễn, tránh tình trạng kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu không đến được với thực tiễn.
Khi được đặt hàng, với các điều kiện ràng buộc, tổ chức KHCN phải có trách nhiệm hoàn thành mục tiêu, sản phẩm nghiên cứu và bàn giao kết quả cho cơ quan nhà nước đặt hàng.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh và cơ quan nhà nước khác ở Trung ương có trách nhiệm tiếp nhận lại, tổ chức ứng dụng các nhiệm vụ KHCN mà mình đã đặt hàng hoặc đề xuất đặt hàng (đối với nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia).
Về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển KHCN
Cơ chế đầu tư và tài chính được đổi mới căn bản. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN được cấp thông qua Quỹ phát triển KHCN quốc gia và các quỹ phát triển KHCN của các bộ, ngành, tỉnh hoặc chuyển vào tài khoản tiền gửi của cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN tại kho bạc Nhà nước.
Quy định việc áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ KHCN sử dung ngân sách: khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ KHCN đã xác định rõ tiêu chí đối với sản phẩm cuối cùng; khoán chi đối với từng phần công việc trong trường hợp không khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và những nhiệm vụ KHCN có tính rủi ro cao.
Phương thức quản lý Quỹ và khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, thậm chí có thể sử dụng ngân sách để mua sản phẩm KHCN của nhà khoa học. Những quy định mang tính đột phá này không chỉ nâng cao trách nhiệm của nhà khoa học chân chính, mà còn khắc phục được nhiều kẽ hở cho những người trục lợi.
Ngoài đầu tư nhà nước tối thiểu bằng 2% tổng chi ngân sách, Luật đã thể chế hóa quy định của Nghị quyết 20, Trung ương 6: các doanh nghiệpnhà nước phải dành một tỷ lệ nhất định thu nhập để đầu tư lại cho hoạt động KHCN thông quá thành lập Quỹ KHCN của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp ngoài nhà nước được khuyến khích thành lập Quỹ phát triển KHCN của mình hoặc đóng góp vào Quỹ phát triển KHCN của ngành, địa phương.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về KHCN
Luật đã quy định Bộ KHCN với các quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng trong việc toàn quyền hoạch định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KHCN 5 năm và nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia hàng năm; Đề xuất dự toán chi sự nghiệp KHCN để Bộ Tài chính tổng hợp, dự toán chi đầu tư phát triển KHCN để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, bao gồm cơ cấu, tỷ lệ chi; Quản lý, giám sát sử dụng hiệu quả kinh phí trên toàn quốc.