Luật Khoa học và Công nghệ 2013 (được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2013) sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay, ngày 01/01/2014. Đây cũng là sự kiện được đánh giá là sự kiện quan trọng nhất trong chuỗi 10 sự kiện khoa học và công nghệ (KH&CN) tiêu biểu của năm 2013 do Bộ KH&CN và Hội Nhà báo Việt Nam công bố mới đây.
Luật KH&CN (sửa đổi) gồm 11 chương, 81 điều. Trong đó, có nhiều vấn đề mới thể hiện quan điểm đổi mới toàn diện cơ chế quản lý hoạt động KH&CN theo tinh thần Nghị quyết số 20 – NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đổi mới chính sách đầu tư cho KH&CN
Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng vướng mắc về cơ chế tài chính và đầu tư cho KH&CN là rào cản lớn nhất trong hoạt động KH&CN. Để tháo gỡ những rào cản đó, Luật đã đưa ra những quy định theo hướng nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước (NSNN), huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho KH&CN, làm nổi bật vị trí, vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo, quy định cụ thể hơn những ưu đãi thuế, tín dụng cho hoạt động KH&CN.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, tại Điều 49, Luật quy định Nhà nước bảo đảm chi cho KH&CN từ 2% trở lên trong tổng chi NSNN hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN. Đáng chú ý là nội dung sử dụng NSNN trong việc mua kết quả R&D, hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, thiết kế, thuê chuyên gia trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực ưu tiên; áp dụng cơ chế khoán chi cho các hoạt động KH&CN sử dụng NSNN; cơ chế đầu tư đặc biệt để thực hiện các dự án KH&CN đặc biệt, quy mô lớn phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc có tác động mạnh đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia.
Để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển KH&CN, đặc biệt là doanh nghiệp, Điều 56 Luật quy định: doanh nghiệp phải dành kinh phí đầu tư nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; kinh phí đầu tư phát triển KH&CN của doanh nghiệp được tính vào giá thành sản phẩm.
Đồng thời, Luật quy định các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh thành lập Quỹ phát triển KH&CN phục vụ yêu cầu phát triển KH&CN của mình. Doanh nghiệp nhà nước phải thành lập Quỹ phát triển KH&CN. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được khuyến khích trích thu nhập tính thuế để thành lập Quỹ phát triển KH&CN của mình (nhưng không quy định mức tối đa được trích) hoặc đóng góp vào Quỹ phát triển KH&CN của ngành, địa phương và được hưởng quyền lợi theo quy định của Quỹ. Doanh nghiệp được toàn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích thành lập.
Các nhà khoa học đánh giá rất cao cơ chế này bởi có những điểm rất thuận lợi, phù hợp với đặc thù của KH&CN: cấp kinh phí kịp thời với việc phê duyệt nhiệm vụ; không phải quyết toán theo năm tài chính; cuối năm kinh phí chưa sử dụng hết tự động chuyển nguồn năm sau, tránh được tình trạng các đơn vị cố để tiêu hết tiền. Hiện ở Trung ương đã có Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, nhiều bộ, ngành cũng đã xây dựng quỹ phát triển KH&CN. Các nhà khoa học khi được giao nhiệm vụ, hoặc có ý tưởng nghiên cứu sẽ nộp hồ sơ, quỹ sẽ thẩm định, tuyển chọn, phê duyệt. Nếu nhiệm vụ được phê duyệt sẽ tiến hành ký hợp đồng và cấp kinh phí thực hiện ngay. Đây cũng là cơ chế phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tháo gỡ "rào cản" trong cơ chế tài chính
Cơ chế tài chính được đổi mới để bảo đảm bố trí, sử dụng nguồn lực một cách chủ động, linh hoạt, có hiệu quả; phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN là một loại hình lao động mang tính sáng tạo rất cao. Cơ chế xác định nhiệm vụ KH&CN được đổi mới theo xu thế gắn chặt với nhu cầu và nhiệm vụ của phát triển kinh tế xã hội, tăng cường tính ứng dụng. Nhà nước bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư những nhiệm vụ KH&CN trọng điểm trong những lĩnh lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước. Việc xác định đúng và thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ như vậy sẽ phát huy được tiềm lực, dẫn dắt nền KH&CN quốc gia hướng tới tầm cao mới.
Một nội dung quan trọng trong đổi mới cơ chế tài chính đó là quy định khoán chi với nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Cụ thể, khoán chi được áp dụng đối với nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mục tiêu, nội dung, yêu cầu về sản phẩm nghiên cứu, dự toán kinh phí; nhiệm vụ KH&CN đã xác định được rõ tiêu chí đối với sản phẩm cuối cùng trên cơ sở thẩm định thuyết minh, dự toán kinh phí được áp dụng khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; nhiệm vụ KH&CN không thể khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và những nhiệm vụ KH&CN có tính rủi ro cao thì thực hiện việc khoán chi đối với từng phần công việc đã xác định rõ tiêu chí.
Bồi dưỡng, trọng dụng nhân lực KH&CN
Luật đã đưa ra những quy định cụ thể trong việc đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực KH&CN – nguồn lực trực tiếp để thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ.
Luật đã đưa ra những quy định cụ thể trong việc đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực KH&CN.
Cụ thể, đối với người tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Luật quy định được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thu nhập từ sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam, sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm (Điều 64); được miễn trách nhiệm dân sự đối với các thiệt hại do rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN do nguyên nhân khách quan (Điều 23).
Cũng tại Điều 23, đối với nhà khoa học đầu ngành, ngoài những ưu đãi của người được bổ nhiệm vào các chức danh khoa học, chức danh công nghệ, còn được ưu tiên giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN quan trọng; thành lập nhóm nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn của mình và được cấp hoặc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của nhóm này; được hỗ trợ kinh phí tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn;...
Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng ngoài những ưu đãi của người được bổ nhiệm vào các chức danh khoa học, chức danh công nghệ, còn được hưởng mức lương và phụ cấp ưu đãi đặc biệt theo thỏa thuận với cơ quan nhà nước giao nhiệm vụ; được bố trí nhà ở công vụ, phương tiện đi lại công vụ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được giao; đề xuất việc điều động nhân lực KH&CN, kinh phí thực hiện nhiệm vụ và nguồn lực vật chất, tài chính bảo đảm thực hiện nhiệm vụ; tự quyết định việc mua sáng chế, thiết kế, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ phục vụ cho nhiệm vụ trong phạm vi dự toán kinh phí được giao; toàn quyền quyết định việc tổ chức nhiệm vụ được giao;...
Đối với nhà khoa học trẻ tài năng, ngoài những ưu đãi của người được bổ nhiệm vào các chức danh khoa học, còn được ưu tiên xét cấp học bổng để nâng cao trình độ ở trong nước, ngoài nuớc; thành lập nhóm nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn của mình, được cấp hoặc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của nhóm này; được hỗ trợ kinh phí tham gia các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN tiềm năng và được ưu tiên chủ trì, tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN khác;...
Luật KH&CN sửa đổi cũng sẽ làm rõ thêm quyền sở hữu, đại diện quyền sở hữu nhà nước, thẩm quyền quyết định giao quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với kết quả nhiệm vụ KH&CN được tạo ra bằng NSNN cho tổ chức có đủ điều kiện thực hiện việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu đó, ưu tiên tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN nhằm thúc đẩy thương mại hóa và chuyển giao, góp vốn bằng tài sản trí tuệ vào sản xuất kinh doanh; quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận khi chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu được tạo ra từ NSNN. Luật cũng đã quy định lấy ngày 18/5 hàng năm là Ngày KH&CN Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, đây là Luật vừa phù hợp với nền kinh tế thị trường, vừa khơi dậy được niềm đam mê của giới khoa học Việt Nam, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động KH&CN. Và đặc biệt, nhà nước thể hiện rõ vai trò của mình trong việc tìm nguồn đầu tư lớn hơn cho KH&CN không phải chỉ có từ NSNN mà các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm với sự phát triển KH&CN của đất nước. Cùng với đó là việc đổi mới hoàn toàn cơ chế tài chính cho KH&CN như các nước đi trước đã thực hiện. Áp dụng cơ chế quỹ cho các đề tài dự án KH&CN, áp dụng cơ chế khoán đối với nhà khoa học để họ có thể đưa ra những sản phẩm trí tuệ đúng như họ mong muốn và đưa vào cuộc sống. Trên tất cả những điều đó, sự đổi mới tư duy của toàn bộ hệ thống là quan trọng nhất. Như thế, Luật KH&CN sẽ làm cho đất nước có được những nền tảng để KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu.
Bài, ảnh: Hạnh Nguyên