Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, lấy ý kiến đóng góp, Dự thảo Luật Đo lường đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII. Tuy nhiên, liệu những quy định của Luật có đủ “mạnh” để “khắc chế” tình trạng vi phạm về đo lường đang rất “ nóng” như hiện nay. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Vinh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xung quanh vấn đề này.
Xã hội hóa hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
- Thưa ông, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII Luật Đo lường đã được Quốc hội bấm nút thông qua, xin ông cho biết nội dung Luật Đo lường có những điểm gì nổi bật?
Ông Trần Văn Vinh: Luật Đo lường được xây dựng trên nền tảng Pháp lệnh Đo lường và yêu cầu quản lý đo lường thực tế hiện nay, tư tưởng chung trong Luật là khắc phục, sửa đổi được những quy định còn yếu, lạc hậu và bổ sung các nội dung thiếu của Pháp lệnh, đặc biệt những bài học, kinh nghiệm về quản lý đo lường trong thời gian vừa qua đã được thể hiện cụ thể trong Luật.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên việc xã hội hóa các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến đo lường như kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được quy định thấm đẫm, cụ thể trong nội dung của toàn bộ Luật như là một biện pháp quan trọng để phát triển hoạt động đo lường.
Nếu trước kia áp dụng phí cho mỗi lần thực hiện nhiệm vụ kiểm định thì nay Luật quy định chi phí để tính, qua đó những phương tiện đo ở nơi miền núi, xa xôi hẻo lánh hay những trang thiết bị đơn lẻ, đặc biệt khó làm, hiệu quả kinh tế ít đều có thể được tiến hành kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định. Tuy nhiên, để tránh sự áp đặt hoặc ép người sử dụng dịch vụ phải chi trả giá quá cao thì chi phí đó cũng có nguyên tắc tính riêng chứ không có chuyện “vẽ” ra một chi phí trên trời để bắt người sử dụng dịch vụ phải chi trả. Đồng thời, chi phí đó cũng phải được công bố công khai.
- Được biết, trước đây, các cơ quan quản lý Nhà nước rất khó có thể chủ động trong việc kiểm tra; khi kiểm tra phát hiện sai phạm lại rất khó xử phạt, vậy vướng mắc này có được tháo gỡ trong Luật như thế nào, thưa ông?
- Đúng là trước đây không có quy định cụ thể về kiểm tra nhà nước về đo lường thì giờ đã có một mục riêng về việc này, cho phép các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đo lường chủ động tiến hành kiểm tra, cảnh báo cho người tiêu dùng, kiến nghị xử lý vi phạm và đặc biệt công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những vi phạm về đo lường.
Cần nhấn mạnh, trước đây, chúng ta không có quy định đặc thù về mức phạt và thẩm quyền xử phạt khi xử lý vi phạm hành chính về đo lường. Nay, Luật đã có quy định về mức phạt tiền từ 01 đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm mà có, tịch thu số tiền thu lợi bất chính đó và giao cho Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử phạt.
Bí mật kiểm tra, phạt nặng để răn đe
- Thực tế hiện nay, một số tổ chức kinh doanh tự kiểm định phương tiện đo lường để kinh doanh nên thiếu tính khách quan. Trong nội dung Luật đã đề cập vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Theo quy định của Luật, nguyên tắc, yêu cầu độc lập, khách quan là nguyên tắc quan trọng trong hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; nguyên tắc và yêu cầu cơ bản này đã được quy định trong 2 điều của Luật và sẽ được quy định chi tiết trong văn bản dưới Luật; theo nguyên tắc này, hoạt động kinh doanh và hoạt động kiểm định phương tiện đo để kinh doanh sẽ phải tách biệt; đồng thời Luật có quy định thêm về kiểm định đối chứng và các hoạt động kiểm tra, thanh tra về đo lường để đảm bảo tính độc lập, khách quan này.
Ông Trần Văn Vinh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Ảnh: Trần Hồng)
Những trường hợp kiểm định phương tiện đo lường như đồng hồ đo điện, nước, taxi là đối tượng cần có sự kiểm định đối chứng nhằm mục đích thay đổi tổ chức kiểm định. Tổ chức kiểm định đối chứng đó có trách nhiệm báo cáo tình trạng kỹ thuật về phương tiện đo phải kiểm định đối chứng để cơ quan quản lý nắm bắt được có những thay đổi gì và phương tiện đo đó có gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hay không. Ví dụ như, đồng hồ đo điện, thay vì một tổ chức kỹ thuật đã kiểm định lần trước thì một tổ chức kiểm định độc lập khác đến kiểm định định kỳ. Làm như vậy sẽ tránh được trường hợp đơn vị kiểm định với đối tượng được kiểm định phối kết hợp, hợp tác với nhau để chỉnh sửa cho sai lệch phương tiên đo theo hướng bất lợi cho một bên nào đó. Đây cũng là phương thức cơ bản để đối chiếu kiểm soát hoạt động kiểm định, tăng cường công tác kiểm tra và giảm bớt chi phí kiểm tra.
- Theo quy định của Luật Đo lường, mức xử phạt có thể sẽ gấp 5 lần số tiền thu lợi bất chính. Theo ông, mức phạt này đã đủ sức răn đe?
- Theo tôi, nếu thực hiện nghiêm túc quy định này sẽ bảo đảm đủ sức răn đe các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Mặt khác, ngoài biện pháp tăng mức xử phạt bằng tiền, truy thu số tiền gian lận, trong Luật cũng bổ sung một số chế tài khác như: đình chỉ kinh doanh có thời hạn, vĩnh viễn hoặc xử lý hình sự tuỳ theo mức độ vi phạm đối với các hành vi cố tình tái phạm gian lận về đo lường và gian lận về đo lường với giá trị lớn.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của lực lượng chức năng vẫn là làm sao có bằng chứng cụ thể về các hành vi gian lận để xử lí. Hiện nay, kiểm tra rầm rộ theo kế hoạch sẽ rất khó phát hiện được gian lận.
- Bằng chứng cụ thể là điều rất quan trọng để chứng minh hành vi vi phạm cũng như đề ra mức xử phạt thích đáng. Vậy sắp tới sẽ có những biện pháp nào để tăng cường bằng chứng cụ thể? thưa ông?
- Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai biện pháp thực hiện lấy mẫu để kiểm tra trước khi xuất trình quyết định kiểm tra. Đây là hình thức để có thể tổ chức kiểm tra “bí mật” mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ sử dụng một chiếc xe có bình xăng chuyên dụng được nối riêng ra chứ không phải bình xăng sử dụng thông thường. Sau khi nhân viên thực hiện xong thao tác bơm bán xăng, bên kiểm tra mới thông báo quyết định kiểm tra và tiến hành đo dung tích của lượng xăng này.
Đó cũng là cơ sở pháp lý cho cơ quan kiểm tra kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm hành chính và công bố trên phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, công tác kiểm tra bí mật lần này được triển khai một cách chính thống để các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phối kết hợp nhằm đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đo lường này.
- Xin cảm ơn những thông tin hữu ích của ông!
Với 86% số đại biểu tán thành, ngày 11/11/2011, Quốc hội đã thông qua Luật Đo lường. Luật gồm IX chương, 58 điều. Luật Đo lường quy định về hoạt động đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường. |
Trần Hồng (thực hiện)