Việc sửa đổi Luật CGCN sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi và phù hợp thúc đẩy hoạt động đổi mới, ứng dụng và CGCN phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh mới, nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, của nền kinh tế...
Tại Việt Nam, Luật CGCN 2006 ra đời khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới và CGCN trong nước, CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ (KH&CN) trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ông Trần Mạnh Báo – Tổng Giám đốc Công ty giống Thái Bình (ThaiBìnhSeed) chia sẻ về tình hình chuyển giao công nghệ, khó khăn, thuận lợi cũng như kỳ vọng của doanh nghiệp về Luật CGCN sửa đổi.
Doanh nghiệp quan tâm tới chuyển giao công nghệ
Là đơn vị có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao giống cây trồng và có hợp tác, liên doanh với đối tác nước ngoài. Ông có thể cho biết những hoạt động, kết quả CGCN hiệu quả trong thời gian qua? Công ty ông có gặp những khó khăn, thuận lợi gì trong quá trình triển khai?
Tổng Giám đốc Trần Mạnh Báo: Qua quá trình 50 năm phát triển, ThaiBinhSeed đặt ra chiến lược với 3 trụ cột được tóm gọn bằng 6 chữ "Trí tuệ - Công nghệ - Quan hệ". Điều này nhấn mạnh vị trí con người lên hàng đầu, con người phải có trình độ khoa học, có đủ khả năng nghiên cứu, hợp tác, hội nhập, tiếp thu và CGCN trong đó công nghệ quản lý và công nghệ kỹ thuật. Bên cạnh đó, CGCN là cơ sở phát triển và mở rộng quan hệ hợp tác. 3 trụ cột đi liền và hỗ trợ cho nhau.
ThaiBinhSeed đặc biệt quan tâm đến CGCN từ trình độ cao hơn. Vì vậy ThaiBinhSeed đã tham gia hiệp hội giống Châu Á- Thái Bình Dương, quan hệ hợp tác với tất cả các Viện nghiên cứu, các trường đại học chuyên ngành trong nước và rất nhiều viện nghiên cứu và trường đại học nước ngoài để CGCN về giống cây trồng.
ThaiBinhSeed còn là một trong những doanh nghiệp có cơ sở cho ngành giống cây trồng hàng đầu Việt Nam, là giống cây trồng chủ lực của Nam Trung bộ và miền Bắc. Đối với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chúng tôi đang nghiên cứu đưa giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và sinh thái bằng việc hợp tác với viện nghiên cứu lúa ĐBSCL (OMON).
Với những cơ chế chính sách thuận lợi từ phía Nhà nước đã giúp cho ThaiBinhSeed cũng như các doanh nghiệp được tiếp thu các công nghệ từ viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Không chỉ trong Luật CGCN mà còn do chính sách phát triển kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về liên kết 4 nhà, đây là những thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp ThaiBinhSeed đạt được. Hiện nay, chúng tôi đã đem lại 15% giống lúa cho cả nước.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, chúng tôi cũng gặp những khó khăn khi cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tất cả hoạt động KH&CN chưa đồng bộ, chặt chẽ, còn chồng chéo giữa các văn bản pháp luật liên quan đến KH&CN nông nghiệp có khác với các ngành khác dẫn đến chưa đồng bộ hành lang pháp lý. Khi phát triển kinh tế, hội nhập ngày càng sâu, các văn bản pháp lý bộc lộ những hạn chế, không còn phù hợp, chậm thay đổi. Cơ sở nguồn nhân lực chuyển giao, tiếp nhận KH&CN còn hạn hẹp. Sự liên kết giữa hệ thống nghiên cứu nhà nước và doanh nghiệp chưa tốt dù có Quyết định 80 liên kết 4 nhà nhưng vai trò của doanh nghiệp chưa được đánh giá đúng, chưa là trụ cột của mối liên kết này.
Bên cạnh đó, tính liên kết của các doanh nghiệp với cơ sở quản lý nhà nước và các nhà khoa học còn lỏng lẻo. KH&CN chưa chuyển đến được nông dân, không tạo được hiệu quả cao. Nhận thức của xã hội về CGCN chưa xác định được chủ thể, thường mặc định là cơ quan KH&CN nhưng thực chất doanh nghiệp mới là đơn vị tổ chức và đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, chúng ta chưa thấy vai trò nghiên cứu của KH&CN, đây là hạn chế lớn nhất và làm kiềm chế sự phát triển.
Ông có kỳ vọng như thế nào từ những điều khoản, thay đổi mới của Luật CGCN sửa đổi so với Luật CGCN năm 2006?
Tổng Giám đốc Trần Mạnh Báo: Chúng tôi hi vọng sau khi Luật sửa đổi được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy khoa học, CGCN để đưa nông nghiệp phát triển.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa ra nhiều các sản phẩm KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và việc phát triển các giống cây trồng nói chung... Chúng tôi đang nghiên cứu, phát triển các giống cây trồng mới có tính chống chịu tốt hơn với những điều kiện bất thuận của điều kiện biến đổi khí hậu, có tính thích ứng tốt hơn, giá trị kinh tế cao hơn. Chủ động khai thác thiết bị, công nghệ,... tôi nghĩ điều này sẽ làm thay đổi diện mạo công nghệ giống cây trồng việt Nam. Ngoài ra, công ty cũng sẽ triển khai ứng dụng KH&CN và CGCN trong việc nghiên cứu, sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm sạch
Ông đánh giá như thế vào về vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN; đặc biệt đối với ngành nông nghiệp, thưa ông?
Tổng Giám đốc Trần Mạnh Báo: Vai trò của nhà nước không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà tất cả các lĩnh vực thì vai trò quản lý nhà nước đều quan trọng. Trong lĩnh vực CGCN thì vai trò quản lý nhà nước là căn cứ pháp lý để thực hiện quá trình chuyển giao, tiếp nhận, hợp tác, tiếp thu và ứng dụng KH&CN giữa nước ta với các nước, các cơ quan nghiên cứu và bà con nông dân càng phải chặt chẽ, cụ thể vì lĩnh vực nông nghiệp chiếm phần lớn trong thị phần kinh tế.
Lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực phức tạp vì chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng thời tiết, vì vậy vai trò nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, bà con nông dân, các nhà khoa học phát triển; tiếp thu các thành tựu, kiến nghị của các nhà khoa học, nông dân.
Hỗ trợ thực hiện xã hội hóa
Ông có kiến nghị gì đối với các cơ quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới trong ngành nông nghiệp hiện nay?
Tổng Giám đốc Trần Mạnh Báo: Điều chúng tôi mong muốn, thứ nhất là các cơ quan quản lý nhà nước hãy đưa được những chính sách, những văn bản pháp luật đã được nhà nước ban hành đến với thực tiễn, được thực thi hiệu quả nhằm phát triển kinh tế- xã hội.
Thứ hai, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để KH&CN đến được với cơ quan, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, người dân khi tiếp nhận KH&CN.
Thứ ba, Nhà nước phải tạo điều kiện hỗ trợ để thực hiện xã hội hóa trong việc nghiên cứu và CGCN, tạo điều kiện để các nhà khoa học, các doanh nghiệp, người dân tự nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ đó vào cuộc sống một cách thuận lợi nhất.
Thứ tư, quản lý nhà nước phải là trọng tài, thúc đẩy phát triển việc thực hiện và bảo vệ kết quả nghiên cứu của các tác giả. Xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm bản quyền, không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, làm triệt tiêu động lực nghiên cứu trong xã hội. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, xử lý nghiêm túc các vi phạm bản quyền.
Thứ năm, phải nhanh chóng hoàn thiện hướng dẫn thực hiện luật để luật đi vào cuộc sống dễ dàng, tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn đối với người thực hiện để có sự thống nhất thực hiện.
Thứ sáu, nên ghi nhận, khuyến khích, động viên các nhà khoa học, các tác giả nghiên cứu để họ tự tin, tự hào về các nghiên cứu của họ, tiếp tục nghiên cứu các công trình khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm gì với những doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp về chuyển giao công nghệ không, thưa ông?
Tổng Giám đốc Trần Mạnh Báo: Kinh nghiệm của ThaiBinhSeed chúng tôi muốn tiếp thu được CGCN nước ngoài thì doanh nghiệp phải nắm rõ Luật KH&CN của nước mà doanh nghiệp định tiếp thu.
Thứ hai, doanh nghiệp phải hiểu công nghệ tiếp thu có phù hợp với ngành hàng, cơ sở vật chất và thị trường định phát triển.
Tiếp theo, doanh nghiệp phải có nguồn nhân lực đáp ứng được đủ khả năng tiếp thu công nghệ với trình độ ngoại ngữ và tin học phù hợp.
Cuối cùng, doanh nghiệp phải tiếp thu một cách chính thống, không tiếp thu công nghệ không chính thống, như vậy sẽ gặp rủi ro lớn. Thứ năm, doanh nghiệp phải chọn đối tác tin cậy, bản thân doanh nghiệp phải trung thực, tôn trọng bản quyền công nghệ, tạo lòng tin trong hợp tác.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Anh (Lược ghi)