Một nhân viên phòng thí nghiệm đang thử nghiệm hệ thống đo lường (Ảnh: ITC)
Nhân dịp hệ thống đo lường quốc tế tròn 50 tuổi, NewScientist (Anh) đã có bài phỏng vấn ngắn nhưng thú vị đối với ông Brian Bowsher, Giám đốc Trung tâm thực nghiệm vật lý Anh.
Xin lược trích nội dung bài phỏng vấn trên.
Hệ thống đo lường quốc tế còn gọi là SI (The International System of Units, hay viết tắt theo tiếng Pháp Le Système International d'Unités) thành lập từ năm 1960 tại một hội nghị ở Paris. Hội nghị đã thống nhất tiêu chuẩn đo lường quốc tế với những đơn vị đo lường chính như mét cho độ dài. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho mậu dịch vì xóa bỏ được rào cản đo lường. Không có một hệ thống quốc tế còn có nguy cơ dẫn đến thảm họa chẳng hạn như NASA đã mất hơn 124 tỷ đô cho tàu bay thăm dò sao hỏa MCO vào năm 1999 vì sai sót liên quan đến nhầm lẫn về đơn vị mét và inch của Mỹ.
- Hiện đang có vấn đề gì đối với các đơn vị đo lường cũ?
- Từ năm 1983, tất cả các đơn vị đo trong hệ SI đã được định nghĩa theo hằng số tự nhiên và vũ trụ. Mét bây giờ được đo bằng khoảng cách ánh sáng di chuyển trong chân không trong khoảng thời gian 1/299.792.458 giây. Chỉ có kilogram vẫn được định nghĩa dựa vào vật thể - cụ thể là khối lượng của hình trụ làm từ hợp kim platin và iridi, hiện đang được lưu trữ tại một căn hầm ở Sèvres, Pháp và người ta đang có kế hoạch thay đổi nó.
- Điều đó có ý nghĩa gì với thế giới thực?
- Như vậy, việc có một hệ thống đo lường chung rõ ràng sẽ cải thiện rất đáng kể tiêu chuẩn hóa và độ chính xác. Sự chính xác này thực sự hữu ích trong những lĩnh vực như điều trị ung thư bằng phóng xạ vì lượng phóng xạ truyền cho bệnh nhân cần phải chính xác đến 3% để có được kết quả tốt nhất. Nếu nhiều hơn tế bào ung thư sẽ không chết mà chính tế bào khỏe mạnh sẽ hi sinh trước.
- Thế còn lợi ích hằng ngày thì sao?
- Với nhiều sản phẩm, chỉ cần đến cân là đủ, nhưng với những sản phẩm công nghệ như hệ thống định vị thì cần sự chính xác cao. Chẳng hạn hai vệ tinh cần được đồng bộ hóa chính xác tuyệt đối để xác định chính xác một điểm trong một tòa nhà. Và đến năm 2015, hi vọng sẽ có đồng hồ chạy không lệch 1 giây trong 10 tỉ năm. Điều đó sẽ giúp ích cho hệ thống định vị có độ chính xác đến từng milimet.
- Tiêu chuẩn hóa còn có ích gì nữa?
- Hãy lấy ví dụ về thị trường mua bán carbon trị giá 100 tỷ bảng Anh. Để mua bán người ta cần có một điều khoản thỏa thuận về việc đo mức độ thải carbon gây ra từ nhiều nguồn như nông nghiệp, vận tải hay công nghiệp. Người ta cần có phép đo mà mọi người đều đồng thuận...
- Các đơn vị đo ngoài hệ thống đo lường quốc tế vẫn tồn tại. Liệu có ngày chúng bị thay thế hoàn toàn không?
- Cho đến giờ tôi vẫn đến các quán bar và gọi một panh rượu thay vì 0.57 lít. Vì thế khả năng trên là hầu như không thể”.