Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Bình luận khoa học Chủ nhật, 22/12/2024 , 01:08 pm
Cập nhật : 24/01/2013 , 20:01(GMT +7)
Loay hoay với nhiên liệu sinh học - Bài 1: Nửa đường đã thấy khó
Cột bơm xăng E5 vắng người đổ, nhưng trụ bơm E92 cách đó không xa lại khá đông.
Theo Đề án phát triển Nhiên liệu sinh học (NLSH) đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 (Quyết định 177/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20-11-2007) thì đến năm 2010 xây dựng và phát triển được các mô hình sản xuất thử nghiệm và sử dụng nhiên liệu sinh học quy mô 100.000 tấn E5 và 50.000 tấn B5/năm; bảo đảm đáp ứng 0,4% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Đến năm 2015, sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 250.000 tấn (pha được 5 triệu tấn E5, B5), đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Đến năm 2025, sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 1,8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Đến nay, nhìn lại chặng đường phát triển NLSH mới giật mình…

Xăng sinh học “chết yểu”

Khẳng định rằng, mục tiêu tổng quát của đề án nhằm phát triển NLSH thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường… nhưng thực tế, có nhiều sự khác biệt đã xảy ra.

Vào cuối năm 2012, tại buổi họp báo về tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), lãnh đạo PVN cho biết các dự án sản xuất ethanol của PVN đang gặp nhiều khó khăn bởi lượng tiêu thụ trong nước còn thấp, ethanol thành phẩm chủ yếu được xuất khẩu với giá thấp hơn giá thành. Thực tế cho thấy, hiện 2 nhà máy ethanol của PVN đã hoàn thành gồm nhà máy ethanol tại Dung Quất và nhà máy ethanol Bình Phước. Từ đầu quý 2-2012, hai nhà máy này đã có sản phẩm, tuy nhiên sản phẩm sản xuất ra hầu hết xuất khẩu nhằm giúp các nhà máy cầm cự bởi không hiệu quả, phần ethanol tiêu thụ trong nước chiếm không tới 10%. Riêng trong năm 2012, PV Oil chỉ bán được gần 200.000 lít xăng E5…

Một con số không lấy gì làm khả quan. Trong khi đó, theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, xăng sinh học (xăng pha 5% ethanol – E5) sẽ chính thức áp dụng từ cuối năm 2014. Theo đó, xăng E5 sẽ được phép pha trộn và tiêu thụ tại 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Quảng Ngãi. Từ ngày 1-12-2015, xăng E5 sẽ tiêu thụ đại trà trên cả nước…. Điều này cũng đặt ra dự báo, từ giờ đến cuối năm 2014 sẽ tiếp tục là khoảng thời gian khó khăn đối với các dự án sản xuất ethanol trong nước.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp sản xuất, sở dĩ xăng E5 gặp khó khăn như hiện nay vì nhận thức của người tiêu dùng còn đang có sự nhầm lẫn giữa ethanol (cồn sinh học) với methanol (một loại dung môi mang tính tẩy rửa mạnh, pha chế trong sơn, không được phép pha vào xăng dầu, gây nguy hiểm). Vì sự nhầm lẫn này không ít người dân cho rằng xăng sinh học là nguyên nhân gây cháy nổ. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh xăng dầu cũng còn chưa mặn mà với xăng sinh học. Bởi lẽ, để kinh doanh họ sẽ phải đầu tư thêm một hệ thống bể chứa, cột bơm độc lập với xăng thông thường, thêm chi phí. Vì vậy, trong khi cả nước đang có tới 12.000 đại lý bán xăng thông thường nhưng chỉ có 155 cây bán xăng sinh học.

Nhà máy nợ nông dân

Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết sau khi chương trình sản xuất và tiêu thụ xăng sinh học E5 được Chính phủ cho phép triển khai, từ năm 2010 đến nay, cả nước đã có 6 nhà máy sản xuất ethanol (xăng sinh học) với tổng công suất 550 triệu lít/năm được xây dựng theo quy hoạch tại những vùng trồng sắn trọng điểm. Các nhà máy bao gồm Đồng Xanh (Quảng Nam), Phương Đông (Bình Phước), Tùng Lâm (Đồng Nai), Cư Dút (Đắk Nông), Dung Quất (Quảng Ngãi), Tam Nông (Phú Thọ).

Tuy nhiên, khó khăn đang xảy ra ở từng nhà máy theo nhiều cách khác nhau. Bị dư luận phản ứng gay gắt nhất là trường hợp Nhà máy Đồng Xanh (Đại Tân - Quảng Nam). Do không đủ khả năng trả nợ hơn 700 tỷ đồng vốn vay từ ngân hàng Techcombank, chưa kể 20 tỷ đồng tiền nợ thu mua sắn từ bà con nông dân, Hội đồng quản trị của công ty đã có thời điểm gần như “mất tích”.

Tại Phú Thọ, Nhà máy Tam Nông đến nay đã chậm tiến độ hơn một năm so thời gian thiết kế ban đầu. Những nhà máy đã đi vào hoạt động như Dung Quất, Phương Đông cũng không tìm được đầu ra cho sản phẩm đành phải chuyển hướng xuất khẩu sang các nước lân cận như Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong khi đó, dù giá thành sản xuất từ 15.000 - 18.000 đồng/lít, nhưng giá tại nhà máy xăng sinh học Dung Quất xuất khẩu chỉ 13.000 đồng/lít. Đến nay, Nhà máy Dung Quất đã sản xuất và xuất bán ra nước ngoài được hơn 8.300m³ NLSH ethanol.

Các nhà máy gặp khó, kéo theo cái khó cho hàng vạn nông dân trồng sắn ở các địa phương. Tại vùng nguyên liệu của Nhà máy ethanol Tam Nông (Phú Thọ), dự án đang xây dở dang đã phải tạm dừng. Gần 8.000ha trồng sắn đã được quy hoạch tại các các huyện nghèo Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập đều nằm chờ. Các dự án trồng sắn khác của nông dân Quảng Nam, Bình Phước cũng đang rơi vào cảnh tương tự. Do trồng ồ ạt, nhà máy sản xuất cồn lại không thu mua, kết quả dân phải bán rẻ cho tư thương với giá chỉ còn 1.200 - 1.400 đồng/kg, mỗi tấn lỗ 600.000 - 800.000 đồng.

Chính vì các lý do căn bản trên, ở các vùng nguyên liệu nơi đặt các nhà máy sản xuất NLSH, chuyện nông dân “vây” nhà máy, nhà máy “quay” nông dân diễn ra như cơm bữa. Mới đây nhất, giữa tháng 1-2013, nhiều người chuyên cung cấp sắn làm nguyên liệu sản xuất xăng sinh học từ các tỉnh miền Trung đã tập trung trước cổng Nhà máy cồn ethanol Đại Tân để tiếp tục yêu cầu Công ty cổ phần Đồng Xanh trả hết số tiền mua nguyên liệu hiện còn nợ. Trước đó, theo đơn cầu cứu của các cá nhân, doanh nghiệp gửi cơ quan chức năng cho biết, hiện Công ty Đồng Xanh còn nợ những người cung cấp nguyên liệu hơn 21 tỷ đồng và 152 tỷ đồng tiền nợ các ngân hàng.

Đến thời điểm hiện nay, cả nước hiện đã có 3 trong tổng số hơn 10 doanh nghiệp đầu mối bán xăng E5, nhưng từ tháng 8-2010 đến thời điểm này, tổng lượng xăng E5 cung ứng ra thị trường mới đạt 35.000m³. Trong khi theo quy mô công suất thiết kế của 3 nhà máy sản xuất ethanol đã lên tới 300.000m³ ethanol, đủ để pha chế được 6 triệu m3 xăng E5, tương đương với 94% nhu cầu tiêu thụ xăng tại Việt Nam vào năm 2014.

Theo ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch PetroVietnam, ngay cả PV Oil - đơn vị bán được nhiều xăng E5 nhất, trong 9 tháng của năm 2012 cũng chỉ bán được 15.000m³ xăng E5, tương đương với 2 ngày rưỡi hoạt động của một nhà máy. Trong khi đó, lượng xăng dầu tiêu thụ mỗi tháng từ 1 - 1,2 triệu lít.

 

 

Nguồn tin: Sài gòn giải phóng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner