Hai vòng đánh giá đều được cấp kinh phí
Hơn 50% giá trị tiểu hợp phần 2(b) của dự án FIRST (18/28 triệu USD) là dành cho hỗ trợ sự hình thành các nhóm hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Nhóm hợp tác nghiên cứu này sẽ bao gồm các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm hoàn thiện và thương mại hóa một sản phẩm hoặc công nghệ.
Đối tượng nộp đơn tham dự vào hợp phần 2(b) thông thường sẽ trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn I cho phép bất kì doanh nghiệp, viện, trường nào phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên (công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học và nông nghiệp, vật liệu mới, cơ khí, hàng hóa và dịch vụ) nộp đơn đăng kí và đều được nhận tài trợ tối đa 50.000 USD. Giai đoạn II sẽ tập trung lựa chọn những dự án tiềm năng và tài trợ lên đến 3 triệu USD cho mỗi dự án.
Theo sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án FIRST, giai đoạn I được cho là không có cạnh tranh vì tất cả những ai nộp đơn đăng kí hợp lệ đều được cấp kinh phí. Tuy nhiên, thông qua bản đăng kí, mỗi đơn vị cần trình bày ngắn gọn ý tưởng đề xuất (dưới 400 từ) và đưa ra năm đơn vị dự kiến cùng tham gia (trong đó có ít nhất hai doanh nghiệp tư nhân và một viện nghiên cứu hoặc trường đại học khác). Tầm quan trọng của giai đoạn I là để những người muốn tham gia tự đánh giá về tiềm năng hợp tác và thương mại hóa sản phẩm của mình.
Giai đoạn II mang tính cạnh tranh cao, theo đó Ban Quản lý dự án Trung ương (CPMU) của dự án FIRST phải thành lập tổ chuyên gia đánh giá (TEC)- Tổ này không chỉ đánh giá chuyên môn mà còn cả tiềm năng thị trường của đề án. TEC gồm bảy người: hai chuyên gia về lĩnh vực của đề án, một chuyên gia tổng hợp KH&CN do Giám đốc dự án FIRST đề xuất, một chuyên gia về tài chính doanh nghiệp, một chuyên gia về thương mại hóa, một chuyên gia từ Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (SATI), một chuyên gia từ Cục phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (NATEC). Tuy nhiên, để họp hội đồng chỉ cần năm thành viên, có thể thiếu một trong hai chuyên gia đến từ SATI và NATEC và chuyên gia tổng hợp KH&CN. Thành viên trong tổ chuyên gia không được phép là người đến từ các đơn vị thực hiện dự án. Tổ chuyên gia, nếu cần, sẽ được trợ giúp bởi các chuyên gia nước ngoài. Có 10 tiêu chí đánh giá tính khả thi và năng lực của những người thực hiện dự án làm cơ sở để các chuyên gia cho điểm với tổng số là 120. Tiêu chí được đánh giá cao nhất là minh bạch về tài chính. Nếu đề án cho phép FIRST công bố toàn bộ nội dung chi tiết tài chính thì sẽ được điểm tối đa (30 điểm) còn nếu không thì sẽ không được điểm phần này. Việc tài trợ dự án trong giai đoạn II sẽ phải có vốn đối ứng từ phía người thực hiện dự án theo tỉ lệ thấp nhất là 50/50 (nếu bên thực hiện có thể chi trả nhiều hơn thì sẽ được ưu tiên). Cuối cùng, CPMU sẽ lựa chọn các dự án dựa trên điểm đánh giá xếp từ cao đến thấp (kết quả này sẽ được trình lên Bộ KH&CN và Ngân hàng Thế giới, nếu Ngân hàng Thế giới đồng tình, Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng được ủy quyền mới được phê duyệt dự án).
Bên cạnh đó, CPMU cũng sẽ tuyển dụng một hoặc một nhóm chuyên gia uy tín có kinh nghiệm cấp vốn tài trợ tương tự như FIRST để đánh giá cơ chế tài trợ và mô hình hoạt động của TEC. Nhóm này sẽ cung cấp báo cáo vào cuối năm thứ nhất và thứ hai của dự án.
Ngoài ra, Bộ KH&CN sẽ có một nhóm công tác hỗ trợ các đơn vị trong quá trình nộp hồ sơ đăng kí xin tài trợ (từ việc viết hồ sơ đến tìm chuyên gia góp ý). Nhóm công tác này đồng thời cũng làm việc với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức quốc tế, nghiên cứu, thu thập thông tin để xác định các ứng cử viên tiềm năng.
Loại bỏ tiêu cực trong khâu xét duyệt
Quy trình xét duyệt đề tài của FIRST được ghi rõ từng bước chi tiết trong “Sổ tay thực hiện dự án FIRST”. Trong quá trình thực hiện, những bước này được tuân thủ nghiêm ngặt và có sự tham gia hỗ trợ rất nhiều của các chuyên gia nước ngoài từ khâu thành lập nhóm công tác hỗ trợ cho đến hội đồng đánh giá. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, một trong những thành viên của TEC, cho biết, hội đồng chấm dự án của ông có đến bốn chuyên gia nước ngoài. Theo GS. Trần Đức Viên, khi Học viện Nông nghiệp Việt Nam gửi đi gần 20 dự án trong giai đoạn I, tổ công tác, chủ yếu là các chuyên gia nước ngoài, dành hẳn một ngày tới xem xét hồ sơ các dự án, nhận xét và góp ý chi tiết từ nội dung cho đến văn phạm, lỗi dịch thuật.
GS. Trần Đức Viên cho biết, không chỉ có tổ chuyên gia ở Việt Nam đánh giá các đề án gửi đến mà có cả một tổ chuyên gia chấm điểm độc lập tại Mỹ để so sánh kết quả. Điều này, theo ông, loại bỏ được tâm lí “một trăm cái lí không bằng một tí cái tình” trong các hội đồng xét duyệt đề tài, vốn vì nể nang, quen biết mà ngại nói thẳng. Bởi vì, khi biết có một hội đồng độc lập với các chuyên gia uy tín chấm song song với mình, những người trong hội đồng chấm ở Việt Nam “vì lòng tự trọng” phải “chấm rất cẩn thận”. Ngoài ra, trong quá trình chấm đề tài, để đảm bảo tính khách quan, các thành viên trong tổ chuyên gia sẽ không được biết tên đơn vị hay nhà khoa học tham gia thực hiện. GS. Trần Đức Viên cho rằng, với những chương trình nhận tài trợ từ các tổ chức quốc tế sau này, nếu không có hội đồng đánh giá độc lập như vậy thì phía Việt Nam cũng nên yêu cầu thành lập để “giúp làm trong sạch, lành mạnh hóa môi trường KH&CN nước mình.”
Trong quá trình từ giai đoạn I đến giai đoạn II, các đơn vị tham gia sẽ có một thời gian từ một đến hai tháng để tìm kiếm và thuyết phục doanh nghiệp cùng tham gia. Chi phí đi tìm doanh nghiệp chính là số tiền khoảng 50.000 USD được cấp ở đầu giai đoạn I. Nếu đề án của đơn vị được lựa chọn, CPMU sẽ cử chuyên gia kiểm tra tính xác thực của tất cả các thông tin trong hồ sơ gửi đến một cách kĩ lưỡng (cả những vấn đề như máy móc thiết bị được coi là đóng góp cho dự án có phải là mới mua không, có dùng để sản xuất cho sản phẩm đang nghiên cứu không?). Ông Trần Đức Viên cho rằng, khi yêu cầu bắt buộc phải có doanh nghiệp tham gia dự án như vậy, các nhà khoa học không chỉ thoát khỏi cảnh “bơ vơ” vì “nghiên cứu mà không biết ngày mai bán sản phẩm cho ai” mà còn chứng minh được tính thực tiễn và tiềm năng ứng dụng trong nghiên cứu của mình. Sự tham gia của doanh nghiệp là “bảo chứng” cho chất lượng của đề tài vì thế mà giảm được tính tiêu cực trong khâu xét duyệt.
Bên cạnh đó, việc mỗi đề tài phải có sự hợp tác cùng nghiên cứu của ít nhất là hai viện nghiên cứu hoặc trường đại học thì mới được xét duyệt là một tiến bộ của FIRST so với những đề tài và chương trình cấp Nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Điều đó cho phép mỗi đơn vị có thể phát huy được thế mạnh của mình mà theo như ông Trần Đức Viên: “Đây là quá trình làm đề tài nhưng cũng là quá trình học lẫn nhau nữa.” Và vì thế, điều này không chỉ tạo ra sự gắn bó trong cộng đồng KH&CN mà còn giúp “nâng dần nền KH&CN nước nhà, các đơn vị cùng lên với nhau”.
Qua quy trình xét duyệt đề tài của dự án FIRST, chúng ta hoàn toàn có thể rút ra những kinh nghiệm cơ bản để áp dụng trong điều kiện Việt Nam hiện nay, đó là: hình thành ban tư vấn là những chuyên gia giàu kinh nghiệm để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu làm hồ sơ đăng ký xét duyệt; yêu cầu có sự cam kết phối hợp của vài tổ chức nghiên cứu cùng thực hiện với những đề tài quy mô lớn; yêu cầu có sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp đối với những đề tài có mục tiêu thương mại hóa; thúc đẩy quốc tế hóa công tác xét duyệt, nghiệm thu đề tài bằng cách mời các chuyên gia quốc tế uy tín tham gia hội đồng, trước hết có thể bắt đầu ngay từ các đề tài cấp Nhà nước.