Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Bình luận khoa học Thứ bảy, 21/12/2024 , 08:43 pm
Cập nhật : 22/07/2014 , 14:07(GMT +7)
Loại bỏ amiang- cần lộ trình thích hợp
. Amiang đang là vật liệu xây dựng khá phổ biến, nhất là vùng nông thôn
Amiang là vật liệu độc hại gây ung thư, cần phải loại khỏi danh sách vật liệu xây dựng - không cần phải tranh luận cũng như có bất cứ nghiên cứu thêm về tính độc hại của amiang nữa vì điều đó là hiển nhiên.

Đây là khẳng định của các nhà khoa học tại hội thảo khoa học “Amiăng với sức khoẻ” tổ chức mới đây tại Hà Nội. Tuy nhiên, loại bỏ vật liệu xây dựng quá quen thuộc này cần phải có lộ trình thích hợp.

Độc hại đã thấy rõ

Theo thông tin chung được đưa ra tại hội thảo, amiang là một loại bụi khoáng chứa hợp chất silicat kép magie, được sử dụng rộng rãi trong xây dựng, sản xuất tấm lợp amiang - ximăng, ống dẫn nước, nồi hơi, các vật liệu cách nhiệt, cáp điện... Hiện nay, trên thế giới có khoảng trên 3.000 sản phẩm công nghiệp và dân dụng có chứa amiang. Từ năm 2000 đến nay, hàng năm Việt Nam nhập khẩu trung bình trên 65.000 tấn amiang và ước tính trên 95% dùng cho sản xuất tấm lợp amiang - ximăng. Đáng chú ý, không những là 1 trong 35 nước còn lại trên thế giới vẫn chưa cấm sử dụng chất độc hại này mà Việt Nam còn luôn đứng tốp đầu 10 nước tiêu thụ amiang.

Theo TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng (Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam), nguyên nhân Việt Nam sử dụng amiăng nhiều nhất thế giới là do người dân  không thể nhận biết amiăng tồn tại trong những vật liệu gì nên vẫn sử dụng và tiếp xúc mà không biết rằng, mình đang tiếp xúc với nguồn bệnh gây ung thư.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tất cả các dạng amiăng đều gây u trung biểu mô, ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư buồng trứng cho con người... Hiện nay, mỗi năm toàn cầu có tới 107.000 người chết và hơn 1,5 triệu người phải sống với khuyết tật vì các bệnh có liên quan đến amiăng như ung thư phổi, bụi phổi, ung thư biểu mô ác tính. Theo kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế, Việt Nam đã có  tới 80% ca ung thư trung biểu mô có liên quan đến amiăng.

Các nhà khoa học khẳng định, không cần phải tranh luận cũng như có bất cứ nghiên cứu thêm về tính độc hại của amiang nữa vì điều đó là hiển nhiên. Điều cần làm hiện nay là cần có lộ trình để xóa bỏ vật liệu amiang ra khỏi danh sách vật liệu xây dựng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo loại bỏ các bệnh liên quan đến Amiăng thì cần phải ngừng sử dụng Amiăng. Tổ chức Y tế thế giới phản đối việc mở rộng sử dụng Amiăng làm vật liệu xây dựng sau năm 2020. Tương tự, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng Amiăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh lý nguy hiểm liên quan đến chất độc hại này.

Cần lộ trình thích hợp

Được biết, Chính phủ đã có kế hoạch về loại bỏ và cấm amiăng trắng trong vật liệu xây dựng vào thời điểm năm 2004. Kế hoạch này đã bị hoãn 2 lần vào năm 2010 và 2020. Lý do trì hoãn này được đưa ra bởi lập luận kinh tế về chi phí thấp của sản phẩm chứa amiăng, đặc biệt trong bối cảnh người nghèo có nhu cầu về tấm lợp giá rẻ.

Thế nên, các chuyên gia kiến nghị, một lộ trình thích hợp với các giải pháp về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ thay thế amiang cần phải được bàn đến. Việc loại bỏ ngay lập tức vật liệu này là điều rất khó khả thi trong điều kiện hiện nay.

 

Hội thảo khoa học “Amiang với sức khoẻ” tổ chức mới đây tại Hà Nội

 Song song với đó, với chức năng của mình, Bộ Y tế cũng đang kiến nghị Chính phủ đưa nội dung “Không tiếp tục sử dụng vật liệu xây dựng có chứa amiăng trắng” vào quy hoạch phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đồng thời đưa amiăng trắng vào danh mục hóa chất kiểm soát chặt chẽ theo Luật hóa chất năm 2007. Bộ Y tế sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm đưa amiang vào danh mục hóa chất độc hại của Công ước Rotterdam, tiến tới cấm sử dụng hoàn toàn amiang tại Việt Nam.

Tại hội thảo, thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cũng cho biết, Bộ KH&CN cũng đồng tình quan điểm phải đề nghị Chính phủ cần phải sử dụng các vật liệu khác thay thế Amiăng, tiến tới cấm sử dụng Amiăng trong tương lai gần. Điều này cho thấy quan điểm thống nhất giữa Bộ Y tế, Bộ KH&CN về việc đề xuất phải sớm đưa Amiăng vào danh mục chất độc hại, tiến tới cấm hoàn toàn việc sử dụng chất này tại Việt Nam- điều mà bấy lâu nay vẫn còn đang gây tranh luận.

Tuy nhiên, một vấn đề đáng lưu ý, cũng cần phải được tính đến trên lộ trình xóa bỏ vật liệu amiang đó là thói quen sử dụng vật liệu này đã trở nên quá thông dụng với người dân. Theo một nghiên cứu của Viện khoa học kỹ thuật - bảo hộ lao động thực hiện cũng chỉ ra rằng, mức độ hiểu biết của người lao động về amiăng còn rất hạn chế, hầu hết không ai biết về các vật liệu thay thế amiang và họ cũng không quan tâm. Mặt khác, các sản phẩm từ amiang hiện nay có giá thành thấp và người dân có thói quen sử dụng nhiều.

Chính vì vậy, tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, một trong những giải pháp cũng rất quan trọng đó là cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của amiang tới người dân, đặc biệt chú trọng đối tượng người lao động và người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Minh Châu


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner