Một tuần trở lại đây, câu chuyện về “phát minh” chiếc máy phát điện chạy bằng nước của TS Nguyễn Chánh Khê về đã khiến dư luận dậy sóng.
Thông thường, khi có một nghiên cứu mới, nhà khoa học viết bài báo khoa học để được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín. Với lý do sợ lộ bí mật công nghệ, TS Khê cho biết: “Tôi đã có hai bài báo trên một tạp chí khoa học của Mỹ về pin nhiên liệu nhưng tôi không tiết lộ tên của tạp chí đó đâu. Nếu cần thì tôi sẽ gởi cho” (Sài Gòn Tiếp thị, ngày 10/3) .
Dù vậy, mặc cho dư luận giới khoa học nghi vấn về nguyên lý hoạt động của chiếc máy này... cũng đã có hẳn một ý kiến đề nghị cấp kinh phí để TS Khê nghiên cứu tiếp với điều kiện phải “giữ bí mật công nghệ”... nghe na ná như một câu chuyện từ mấy chục năm về trước...
“Một vài nhà khoa học lân la đến được mấy vị lãnh đạo rất cao trong Đảng và trong Chính phủ, thuyết phục thế nào đó, lập được một viện trực thuộc Chính phủ. Viện có công an đứng gác và được sử dụng mật phí và được cung cấp ngoại tệ (một chế độ đặc đãi chưa có tiền lệ ở đâu) để nghiên cứu những vấn đề trọng đại của quốc gia. Sau một vài năm, chúng tôi hỏi nhau về những thành tựu mà Viện đã cống hiến cho quốc gia, thì được một vị vụ trưởng ở Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cho biết: “Đơn vị nghiên cứu vật lý màng mỏng của viện này đã sản xuất được … bộ thiết bị làm bánh đa nem; đơn vị về điện tử gì đó thì có thêm chức năng buôn xe máy… second hand từ nước ngoài, chất đầy một nhà kho cũng được công an canh gác cẩn mật; một đơn vị gì đó nữa thì mở cơ sở sản xuất nước tương… xì dầu… Còn những khoản ngoại tệ được giao sử dụng thì không quyết toán được; một kho máy tính mua bằng ngoại tệ mạnh thì bỗng nhiên bốc cháy...”. (Vũ Cao Đàm, “Tính trung thực của người nghiên cứu khoa học” đăng trên Tia sáng, số 9/2008, trang 14)
... Nếu cứ đà này, các nhà khoa học có tâm lý sợ “lộ” bí mật công nghệ nên chăng rút hẳn vào... hoạt động bí mật?! Còn để thuyết phục công luận, chắc không có gì thuyết phục hơn là công bố một bài báo khoa học...
Kính Lúp