Mô hình sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Nông nghiệp đánh giá là những mô hình bền vừng trong tương lai.
Tuy nhiên trên thực tế các mô hình này lại đang được thực hiện trên quy mô nhỏ, rải rác, chưa liên kết được với nhau và với các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt chuỗi giá trị chưa được cải thiện và kiểm soát để phân chia hợp lý lợi nhuận cho từng đối tượng trong chuỗi, giá trị gia tăng chưa cao.
Thị trường tiêu thụ hạn chế
Theo TS. Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng liên tục, nếu năm 1996 nước ta chỉ xuất được 90,2 triệu USD/năm thì đến 2008 đã vượt mốc 400 triệu USD, năm 2013 vượt mốc 1 tỷ USD và năm 2014 đạt hơn 1,4 tỷ USD. Trong 3 năm gần đây kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng liên tục với tỷ lệ bình quân 30%.
Trong những loại rau quả xuất khẩu thì quả Thanh Long và Chôm chôm là loại cây ăn quả đứng đầu danh mục cây ăn quả ưu tiên xuất khẩu. Nếu như trước đây, thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam chủ yểu là Trung Quốc thì trong thời gian gần đây đã mở rộng nhiều thị trường khác nhau trên thế giới như Hồng Kông, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Singapo và một số nước tại thị trường châu Âu.
Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Trịnh Nhất Hằng, chuyên gia về lĩnh vực rau quả tại Viện cây ăn quả miền Nam thì bên cạnh những kết quả đạt được, việc trồng và xuất khẩu rau quả, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế.
Khó khăn trước hết phải kể đến công tác quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, tập trung mới chỉ giới hạn ở một vài cây và một vài địa phương, chưa phát huy được sức mạnh thật sự của vùng chuyên canh và sự liên kết vùng sản xuất hàng hóa. Tiếp đến là tỷ lệ nông dân áp dụng thành công tiêu chuẩn GAP, GlobalGAP trong sản xuất rau quả còn thấp, rải rác, phân tán dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, số lượng ít, không rải vụ theo thời gian.
Bên cạnh đó, sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp còn manh mún, dễ đổ vỡ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ phải thu gom sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng không đồng đều, rủi ro rất cao. Nông dân thì lại không chủ động được trong việc cung cấp hàng hóa của doanh nghiệp.
Từ những lý do trên thấy chuỗi cung ứng còn qua nhiều khâu trung gian, dẫn đến giá trị sản phẩm ở trang trại rất thấp (giá rẻ), trong khi đó giá bán trên thị trường đôi khi lại quá cao, người nông dân không được hưởng lợi. Chuỗi giá trị chưa được cải thiện và kiểm soát để phân chia hợp lý lợi nhuận cho từng đối tượng trong chuỗi, giá trị gia tăng chưa cao.
“Sản xuất rau, quả của Việt Nam còn đối mặt với thách thức không nhỏ là dịch bệnh, diện tích tăng ồ ạt khó kiểm soát, công nghệ sau thu hoạch còn chưa được áp dụng nhiều, bà con nông dân còn lạm dụng phân bón nên tỷ lệ thất thoát còn cao, giá thành thấp”, TS. Nguyễn Văn Hòa bày tỏ.
Tăng đầu tư dài hạn trong chọn tạo giống .
Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 899/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó xác định rõ mục tiêu, quan điểm, nội dung, giải pháp cụ thể để phát triển toàn diện ngành nông nghiệp nước ta trong giai đoạn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Sức cạnh tranh của rau quả còn chưa cao do chuỗi liên kết giá trị còn manh mún
Thông qua các dự án, chương trình của Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT và các Bộ, Ngành khác đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Những mô hình này được đánh giá là những mô hình bền vững trong tương lai, nó gắn liền với hợp tác xã, tổ hợp kiểu mới, cắt bỏ được các khâu trung gian, giúp tăng giá trị cho từng mặt hàng, giảm thiểu dịch hại tấn công.
TS. Nguyễn Văn Liễu, Vụ Trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN khẳng định, để ngành sản xuất rau quả phát triển tốt, tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới, chúng ta cần tổ chức sản xuất một cách bài bản, nghiêm túc và hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng cao, đồng đều, liên tục trong năm, giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất, nhất là tăng tính chuyên nghiệp, độc quyền sản phẩm và đa dạng giống mới.
Đặc biệt, Ngành nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất rau quả nói riêng cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cũng như bảo quản sau thu hoạch thì mới có khả năng cạnh tranh với thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
TS. Nguyễn Văn Hòa chia sẻ thêm, để phát triển được ngành rau quả trong thời gian tới Nhà nước cần tạo điều kiện để các vùng sản xuất xây dựng nhiều Hợp tác xã sản xuất và tiếp thị sản phẩm của mình, ngành nông nghiệp địa phương cần tổ chức thi đua giữa các hợp tác xã và chọn, khen thưởng các hợp tác xã mạnh nhất, giỏi nhất, hiệu quả nhất, lấy đó làm mô hình cho những hợp tác xã khác học tập.
“Công tác nghiên cứu và chọn tạo giống mới cần được đẩy mạnh hơn nữa, nên có các chương trình đầu tư dài hạn, ít nhất 10 năm cho nghiên cứu chọn tạo giống cây ăn quả vì đây là những đối tượng dài ngày. Cần kết hợp tốt phương pháp chọn giống truyền thống với phương pháp hiện đại,…để rút ngắn được thời gian, kinh phí và nhanh chóng tạo ra những giống mới có giá trị kinh tế cao...”, các chuyên gia nhận định
Bài, ảnh: Hoàng Anh