Tối ngày 8/1/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự Lễ ra mắt Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; nguyên Phó Thủ tướng Chính Phủ Phạm Gia Khiêm; Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc Hội Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân; lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có vốn điều lệ lên đến 1.000 tỷ đồng được thành lập theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 5/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 1051/QĐ-TTg ngày 3/7/2013 ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
Mục đích hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia là nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy thương mại hóa các ý tưởng sáng tạo thành các sản phẩm mới, dịch vụ mới,… Đối tượng của Quỹ chủ yếu là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có các hoạt động đổi mới và ứng dụng công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ mới có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.
Việc thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ cũng như của Bộ KH&CN trong việc tập trung các nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng lấy khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo làm nền tảng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ ra mắt.
Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đi vào hoạt động là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng khoa học và các doanh nghiệp đang tìm kiếm các giải pháp đổi mới công nghệ nhằm phát triển các sản phẩm mới, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế.
Phát biểu tại Lễ ra mắt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của KH&CN trong việc chuẩn bị, xây dựng, ban hành các thể chế, các quy định thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới KH&CN trong thời gian qua cũng như hình thành Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia - một định chế tài chính mới, quan trọng để thúc đẩy đổi mới công nghệ của đất nước thông qua hỗ trợ cho các tổ chức, trong đó trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vươn lên phát triển nhanh, bền vững. Kinh nghiệm từ các quốc gia hàng đầu về công nghệ trên thế giới cho thấy nền tảng của phát triển nhanh, bền vững là phải không ngừng phát triển khoa học, đổi mới công nghệ, trong đó các doanh nghiệp chính là chủ thể của quá trình đổi mới công nghệ - cũng là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, thực tế phát triển của đất nước cũng cho thấy việc đổi mới công nghệ là một giải pháp có ý nghĩa rất quyết định để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ KH&CN tập trung chỉ đạo Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, đưa Quỹ ngày càng lớn mạnh, hoạt động ngày càng hiệu quả.
Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia cùng với các Chương trình, Quỹ KH&CN khác hoạt động hiệu quả sẽ góp phần nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa ý tưởng sáng tạo thành các sản phẩm mới, dịch vụ mới với chất lượng và giá trị gia tăng cao. Đồng thời, thông qua hỗ trợ tìm kiếm, giải mã, làm chủ và chuyển giao công nghệ, khai thác sáng chế; tạo dựng thị trường công nghệ và hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, mặc dù ngành KH&CN nước ta có một số đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng nhưng KH&CN nước ta chưa thực sự là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Điều này đặt ra trăn trở cho cộng đồng KH&CN nước ta nói chung và đội ngũ quản lý KH&CN nói riêng, đặc biệt là Bộ KH&CN.
Để cụ thể vai trò đó, suốt 10 năm qua, một trong những hoạt động trọng tâm của Bộ KH&CN là phải làm sao để Doanh nghiệp phải thực sự là Trung tâm của đổi mới công nghệ. Chỉ khi nào doanh nghiệp đổi mới được công nghệ thì doanh nghiệp mới tồn tại và phát triển được trong môi trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại buổi lễ ra mắt.
Chính vì vậy, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ, và được sự hiểu biết sâu sắc và chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, đã từng bước hình thành hệ thống chính sách và hệ thống các chương trình KH&CN cũng như công cụ tài chính kèm theo để các doanh nghiệp thực sự là Trung tâm của đổi mới công nghệ. Với tư cách là Trung tâm của đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp sẽ hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ để tạo ra được các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao.
Hệ thống đó bao gồm: 1. Các chương trình nghiên cứu Khoa học trọng điểm cấp Nhà nước nhằm tạo ra công nghệ và các kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng vào thực tiễn, 2. Các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ quốc gia như Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và một số chương trình khác nhằm tạo ra các sản phẩm dựa trên hoạt động KH&CN và có ý nghĩa và tác động quan trọng trong một số lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. 3. Hình thành Quỹ đổi mới Công nghệ quốc gia và sắp tới là Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia phát triển công nghệ cao nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. ứng dụng và phát triển công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm cạnh tranh.
Trong năm 2015, Quỹ sẽ cùng với các đơn vị của Bộ KH&CN phối hợp với các cơ quan có liên quan để xây dựng hoàn chỉnh các văn bản quản lý hoạt động của Quỹ, tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực của bộ máy tổ chức, và bắt đầu triển khai xét duyệt các nhiệm vụ KH&CN để hỗ trợ theo chức năng của Quỹ.
Tin, ảnh: Phóng viên