TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải thể hiện nguyện vọng sớm có các quy định, chế tài xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.
Với mong muốn xử lý triệt để vấn nạn mũ bảo hiểm kém chất lượng, UBND TP.HCM vừa có đơn kiến nghị gửi tới Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, lãnh đạo thành phố thể hiện nguyện vọng sớm có các quy định, chế tài xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.
Mũ bảo hiểm “rởm” lấn át hàng chất lượng
Tại nước ta hiện nay, tỷ lệ người đi xe gắn máy có sử dụng mũ bảo hiểm khá cao, chiếm đến trên 90%. Tuy nhiên, con số này chưa đủ để trở thành “chứng nhận an toàn” cho người tham gia giao thông.
TS. Nguyễn Phương Nam – đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WTO) – chia sẻ những con số đáng báo động: “Qua số liệu được Bộ Y tế thu thập mỗi năm từ 100 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh trên toàn quốc, lượng người bị chấn thương sọ não ngày càng tăng. Năm 2010, các ca chấn thương này chiếm tỷ lệ 15% trên tổng số người nhập viện. Năm 2013 đã tăng lên 25%”.
Con số đáng báo động trên khiến TS. Nam trăn trở: “Tại sao tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cao như thế mà số ca chấn thương sọ não vẫn không ngừng tăng? Liệu nguyên nhân có phải do quá nhiều người đội mũ kém chất lượng?”. Có chung suy nghĩ với đại diện WTO, PGS-TS.Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Người di chuyển bằng xe máy là đối tượng dễ bị thương tổn nhất nếu xảy ra tai nạn. Vật duy nhất có thể giữ tính mạng cho họ là chiếc mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, không ít người vẫn chấp nhận biện pháp bảo vệ an toàn cho mình kiểu đối phó”.
Ông Hùng nhận định: “Chưa nói đến việc quản lý của các cơ quan chức năng mà bản thân người tham gia giao thông cũng tự biết chiếc mũ bảo hiểm mà họ sử dụng chất lượng ra sao. Với mức giá chỉ 40 – 50 nghìn đồng, lại có thể dễ dàng mua ở bất cứ vỉa hè nào, những sản phẩm đội lốt mũ bảo hiểm này đang đe doạ tính mạng mọi người. Có thể vì tiếc tiền, vì tiện dụng, có thể vì đối phó, cũng có thể vì ý thức tự bảo vệ kém, nhưng hiểm họa là thường trực và tiêu chí cuối cùng là đảm bảo an toàn cho người sử dụng khi tham gia giao thông đã không đạt được mục đích”.
Kiến nghị xử phạt người đội mũ bảo hiểm “rởm”
TP.HCM là một trong những địa phương quyết liệt nhất với mũ bảo hiểm kém chất lượng. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường thành phố đã phát hiện 298 trường hợp kinh doanh mũ bảo hiểm không có chứng từ hóa đơn, không rõ nguồn gốc và nhập lậu; 182 vụ vi phạm quy định về chứng nhận hợp quy, nhãn hàng hóa, đăng ký kinh doanh và niêm yết giá; 11 vụ bán mũ giả nhãn hàng hóa, địa chỉ sản xuất. Tới nay, thành phố đã tịch thu, tiêu hủy gần 59.000 mũ bảo hiểm trị giá gần ba tỷ đồng, xử lý 47 cơ sở sản xuất, kinh doanh và giải tỏa 48 điểm bán mũ trên lề đường.
Mặc dù vậy, UBND TP.HCM cho biết, xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng chỉ giải quyết được một phần vấn đề. Điều quan trọng là người tham gia giao thông phải tự có ý thức bảo vệ bản thân. Không ít người vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của mũ bảo hiểm đạt chuẩn và vẫn chọn sản phẩm kém chất lượng với chi phí thấp để đối phó với lực lượng chức năng. Trong khi đó, cảnh sát giao thông hiện chỉ xử phạt những người không đội mũ bảo hiểm và đội mũ không cài quai. Chính vì thế, rất cần có một quy chế răn đe, xử lý người dùng sản phẩm kém chất lượng, từ đó bảo vệ quyền lợi chính đáng và sức khoẻ cho nhân dân.
Dân ủng hộ phạt người đội mũ bảo hiểm rởm
Trước kiến nghị của UBND TP.HCM, hầu hết người dân đều tỏ ra tán đồng và mong muốn quy định được thực hiện sớm với hình thức xử phạt mạnh tay. Cô Hoàng Thị Hoè (trú tại quận 10, TP.HCM) chia sẻ: “Thành phố nên triển khai sớm quy định xử phạt người dùng mũ bảo hiểm rởm. Đội mũ kém chất lượng là hành động coi thường pháp luật, sử dụng sản phẩm vi phạm và tiếp tay cho các cơ sở kinh doanh, sản xuất chúng. Nhìn các thanh niên đi trên đường đội những chiếc mũ mỏng manh theo kiểu đối phó mà thấy nguy hiểm vô cùng, nhưng họ vẫn chưa ý thức được điều đó”.
Có cùng quan điểm trên, chị Hoàng Cẩm Nhung (quận Gò Vấp, TP,HCM) cho rằng: “Lẽ ra những người sử dụng nón bảo hiểm kém chất lượng phải bị xử lý từ lâu rồi. Tôi thấy nhiều người đội nón bảo hiểm mỏng, khi đi xe máy gió mạnh rất dễ bay, cản trở tầm nhìn. Không ít trường hợp vì vậy mà lái xe không vững, dẫn đến va chạm vào người khác gây tai nạn. Như vậy, việc đội nón bảo hiểm kém chất lượng chẳng những gây nguy hiểm cho bản thân mà cho cả những người xung quanh. Ngoài ra, tôi cũng mong thành phố không những phạt người đội mà còn phải dẹp hết những cơ sở sản xuất, những tiệm kinh doanh nón bảo hiểm kém chất lượng đi”.