Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 09:58 pm
Cập nhật : 02/02/2021 , 11:02(GMT +7)
Làm việc hết công suất, khẩn trương truy vết COVID-19
TT Bộ KH&CN Bùi Thế Duy kiêm Tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống Covid19
Liên tục từ 8h sáng đến 24h đêm, hơn 200 người thuộc Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 đã nhanh chóng truy vết các trường hợp nhiễm COVID-19, góp phần đẩy nhanh quá trình khoanh vùng, dập dịch.

Ngay sau khi có thông tin về diễn biến mới của dịch COVID-19 tại Quảng Ninh và Hải Dương, Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 đã được triệu tập khẩn cấp với chỉ thị quyết liệt, đẩy nhanh tốc độ truy vết các F1, F2.

Các thành viên của Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 là các chuyên gia công nghệ thông tin, chuyên gia dịch tễ và rất đông các tình nguyện viên là sinh viên năm cuối các chuyên ngành y tế công cộng... Đây là đợt thứ 3 tổ truy vết phải thường trực số lượng nhân lực lớn và ngày đêm tìm kiếm các nhánh nhỏ mà dịch có thể lây lan, sau hai đợt vào tháng 3 và 7/2020.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy kiêm Tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 chia sẻ, từ ngày 27/1, khi có thông tin đầu tiên về ca bệnh 1552 (với yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với bệnh nhân là nữ công nhân đi Nhật, làm việc tại nhà máy, tiếp xúc với nhiều người, chủng virus biến thể)… tổ đã lường trước sẽ có những khó khăn của đợt này.

"Khi bắt tay vào truy vết, chúng tôi thấy có những điểm đáng chú ý là các ca bệnh dương tính (F0) đều tham dự các sự kiện đông người như đám cưới, liên hoan tất niên… và không đeo khẩu trang. Đội truy vết sẽ phỏng vấn các ca F0, từ đó tìm F1, xem phương tiện di chuyển là gì, đi đến địa phương nào, phát thông báo khẩn để F1 hồi báo", Thứ trưởng Duy cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, đến nay đã cơ bản kiểm soát được tâm ổ dịch COVID-19 tại Công ty Poyun (TP Chí Linh, Hải Dương). Tuy nhiên, trong 10 ngày vừa qua có khả năng từ tâm dịch, nhiều người đi từ các sự kiện đông người với sự tham gia của công nhân thuộc Công ty Poyun đến các tỉnh, thành phố trên cả nước, cho nên cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp một cách kịp thời để chặn đứng được các nguồn lây lan dịch ra các địa phương.

Trong 48 giờ đồng hồ vừa qua, Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 đã triển khai công tác truy vết những người không may nhiễm COVID-19. Những người tiếp xúc với những người nhiễm bệnh để họ đưa ra được các mốc dịch tễ, phối hợp chính quyền địa phương đưa vào danh sách quản lý và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm kịp thời.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, đội ngũ truy vết các F0 đã gặp rất nhiều khó khăn do đợt bùng phát dịch lần này rất phức tạp, số lượng bệnh nhân dương tính cao kỷ lục. "Chúng tôi đã làm việc hết công suất, để truy vết thành công hơn 100 ca bệnh dương tính trong suốt 3 ngày qua", Thứ trưởng nói và đánh giá tình huống dịch bệnh lần này rất nguy hiểm vì tại Công ty Poyun- nơi được xác định là tâm dịch, các sự kiện tập thể khá nhiều nhưng hầu hết công nhân không đeo khẩu trang. Hơn nữa, tháng 1 cũng là khoảng thời gian mọi người thường xuyên tổ chức tiệc tất niên, đám cưới khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Vì vậy, tổ truy vết đã liên tục "trực chiến" trong mấy ngày qua, bằng hệ thống máy tính, điện thoại và sử dụng công nghệ cao để truy vết nguồn bệnh.

"Chúng tôi bắt đầu công việc bằng nguồn thông tin từ người dân khai báo và danh sách các ca bệnh. Sau khi trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC của các địa phương và phòng thí nghiệm cho kết quả dương tính, chúng tôi sẽ lập tức tổng hợp thông tin sơ bộ như tên, số điện thoại, địa chỉ... Lúc này, một đội ngũ chuyên môn về dịch tễ sẽ gọi điện phỏng vấn nhanh các bệnh nhân. Qua đó, chúng tôi sẽ nắm được toàn bộ lịch trình di chuyển của bệnh nhân, từ đó tìm F1, F2...", Thứ trưởng Bộ KH&CN cho hay.

Các tình nguyện viên đang làm nhiệm vụ tại Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19. Ảnh: Tuổi trẻ

Ngay sau đó, các thông tin này được thống kê và tổng hợp lại, sau đó chuyển cho nhóm chuyên viên cấp cao của tổ. Đây là nhóm đầu não gồm các chuyên gia y tế sẽ xử lý thông tin, hỗ trợ địa phương xác định tâm dịch, đồng thời đề xuất các vấn đề như cách ly, phong tỏa...

"Một trong những cách để xác định F1, F2 rất hiệu quả là kênh thông tin của Bộ Y tế khi công khai các địa điểm, mốc thời gian có liên quan ca bệnh. Một số người dân có mặt tại mốc dịch tễ, nhận được thông tin, tới khai báo, xét nghiệm và có kết quả dương tính. Đây là điều rất đáng mừng nhưng số lượng vẫn khá hạn chế", Thứ trưởng Duy nhận định.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, hiện chỉ có 1% trong số F1 tự báo tin tới các cơ quan chức năng, 99% là kết quả tìm kiếm. Vì thế rất mong những người có liên quan đến Hải Dương, Quảng Ninh, người có tiếp xúc ca bệnh… mau chóng liên lạc với cơ quan y tế để được tư vấn và xét nghiệm. 

"Tìm rồi cũng ra nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn, virus lại lây lan nhanh, nếu chậm sẽ bỏ lỡ mất thời gian vàng. Đây là cuộc chiến của con người và virus, cần càng nhanh càng tốt, vài ngày nữa lượng người về quê đón Tết cổ truyền rất lớn, nếu để chậm sẽ khó khăn. Để có thể đón Tết Nguyên đán an toàn, tôi mong rằng tất cả người dân chung tay trong việc truy vết các trường hợp liên quan ca bệnh.

Cần thường xuyên theo dõi các thông báo của Bộ Y tế, nếu có mặt tại địa điểm và mốc thời gian được Bộ Y tế công bố, mọi người cần nhanh chóng khai báo, lấy mẫu, thậm chí giúp ngành y tế phát hiện những trường hợp liên quan. Nếu không may nhiễm hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh, chúng ta cần hợp tác, khai báo rõ ràng các mốc dịch tễ. Việc làm này sẽ giúp chúng ta nhanh chóng dập dịch", Thứ trưởng Bộ KH&CN đưa ra thông điệp.

Tổ truy vết Covid-19 được thành lập và hoạt động liên tục từ đầu năm 2020 với khoảng 200 thành viên, gồm nhiều sinh viên chuyên ngành dịch tễ học, y khoa và một số chuyên ngành khác cùng các nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ.

Nhiệm vụ chính của Tổ là thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin dịch tễ, qua đó bổ sung vào danh sách F1, F2, đưa ra góc nhìn toàn cảnh về sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Tổ có một nhóm chuyên thu thập và phân tích các thông tin ban đầu, qua đó đưa ra những trường hợp cụ thể và điểm cần chú ý. Một nhóm khác với chuyên môn về dịch tễ có nhiệm vụ điều tra thông tin, gọi điện phỏng vấn tất cả trường hợp liên quan ca bệnh để bổ sung các "mảnh ghép".

Nhóm chuyên gia cấp cao của Tổ sẽ nhận thông tin đã được các bộ phận khác xử lý sau đó đưa ra kết luận và chỉ đạo dựa trên chuyên môn về dịch tễ học. Các kết luận này sẽ được gửi đến Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế, địa phương, qua đó đề xuất phương án như giãn cách, phong tỏa..., tại một khu vực cụ thể.

Nguồn tin: Vietq.vn

 

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner