Lý do các doanh nghiệp nhỏ và vừa không cải tiến công nghệ vì họ có nhiều mục tiêu khác nhau và khoảng trống thiếu hụt kinh phí để đổi mới công nghệ là vấn đề tương đối phổ biến đối với các nước đang phát triển.
Đó là chia sẻ của Chủ tịch Trung tâm Chuyển giao công nghệ châu Á-Thái Bình Dương TS.N.Srinivasan tại Hội thảo “Kinh nghiệm xây dựng cơ chế chính sách tài chính quốc gia phục vụ các hoạt động đổi mới công nghệ” do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ-KH&CN) phối hợp tổ chức mới đây, tại Hà Nội.
Cần cơ chế tài chính phù hợp để đổi mới công nghệ
Theo ông N.Srinivasan, mỗi chính phủ và doanh nghiệp đều có những chính sách cho các lĩnh vực khác nhau nên cần xây dựng một cơ chế chính sách tài chính để đổi mới công nghệ sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế.
Những doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các quốc gia đang phát triển thường thiếu nguồn tài chính để đổi mới công nghệ và họ không đủ nhân lực, nguồn lực để thực hiện việc đổi mới công nghệ. Thêm vào đó, việc tiếp cận đối với nguồn tài chính như những khoản vay cũng tương đối hạn chế ở những quốc gia đang phát triển. Và ở những quốc gia này thường thiếu khung chính sách, thể chế để thúc đẩy việc đổi mới công nghệ.
Để có nguồn tín dụng đầu tư cho đổi mới công nghệ cần thiết tập trung vào những công ty có tiềm năng cải tiến công nghệ và xác định những nguồn lực sẵn có từ các nguồn đầu tư tư nhân để giải quyết những thách thức và tạo ra cơ chế để thực hiện việc đổi mới công nghệ. Điều quan trọng là xác định được công ty nào là công ty tận dụng được cơ hội tiếp nhận nguồn vốn này để phát triển. Và những công ty này thực sự không chỉ cần nguồn vốn không và còn cần hỗ trợ về mặt công nghệ để phát triển doanh nghiệp và đổi mới công nghệ đảm bảo phát triển một cách bền vững.
Đầu tiên có thể tập trung vào việc có cơ chế tài chính như tài chính vi mô, các cơ chế cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện tại cơ chế tài chính vi mô cũng là động lực để các công ty nhỏ tiếp cận với nguồn tài chính này, có thể cho vay để khởi nghiệp từ 10 USD đến 1.000 USD. Đặc biệt đối với những công ty lớn, những công ty niêm yết trên sàn cũng có thể cần những nguồn tài chính và nguồn tài chính đầu tư cho công nghệ cũng rất quan trọng, ông Srinivasan nhấn mạnh.
Báo cáo của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ tại Hội thảo cho biết, hiện Việt Nam đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) chỉ chiếm khoảng 0,7% GDP (tương đương khoảng 700 triệu USD), trong đó từ Chính phủ chiếm 70%. Việt Nam có khoảng 300 nghìn doanh nghiệp, trong đó có 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn doanh nghiệp sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2 - 3 thế hệ. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt dưới 0,05% doanh thu...
Một số kết quả từ các cuộc điều tra cho thấy, hoạt động R&D và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam là rất thấp so với các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Philippines. Ông Michael Braun, chuyên gia của Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, chỉ có 23% các doanh nghiệp được điều tra có hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ và 77% các doanh nghiệp không theo đuổi hoạt động nghiên cứu và phát triển hay đổi mới làm chủ công nghệ. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ít có khả năng được tham gia vào nghiên cứu và phát triển hơn là những tập đoàn lớn.
Cùng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, chuyên gia đến từ Hàn Quốc cho biết: sở dĩ Hàn Quốc có được những thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế và KH&CN như hiện nay một phần là nhờ những định hướng đúng đắn từ rất sớm của Chính phủ Hàn Quốc trong thúc đẩy đầu tư cho R&D.
Để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ tài chính cho R&D, điều kiện cần đầu tiên là Bộ KH&CN cùng Bộ Tài chính phối hợp xác định rõ mục tiêu đầu tư; nhân sự; trang thiết bị phục vụ R&D,… Khi có một hệ thống khái niệm minh bạch, rõ ràng về đầu tư R&D, có thể bắt đầu xây dựng hệ thống chính sách tài chính hỗ trợ ưu đãi. Hệ thống khái niệm càng rõ ràng, việc áp dụng càng nhanh chóng, chính xác, giảm thời gian thủ tục hành chính cho cơ quan chức năng lẫn đối tượng thụ hưởng hỗ trợ. Hàn Quốc có một hệ thống chính sách đa dạng hỗ trợ tài chính cho R&D, từ hỗ trợ trả lương chuyên viên nghiên cứu tới giảm thuế thu nhập, giảm thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ nghiên cứu. Đây là những chính sách hoàn toàn khả thi và khá gần gũi với các chính sách tài chính hỗ trợ cho các ngành công nghiệp của Việt Nam mà chúng ta có thể áp dụng.
Đổi mới: nên bắt đầu từ doanh nghiệp
Ông Qian Jinqiu, Trung tâm Bó đuốc, Bộ KH&CN Trung Quốc cho biết, tại Trung Quốc, quỹ đổi mới các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ (Innofund) đã được thành lập năm 1999. Chức năng chính của Innofund là hỗ trợ đổi mới, sáng tạo; nuôi dưỡng các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ; phát triển công nghiệp mới và công nghệ cao; thu hút đầu tư từ Chính phủ, doanh nghiệp, Viện tài chính và các quỹ đầu tư mạo hểm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ;…
Số lượng các tổ chức đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc đã tăng đáng kể trong thế kỷ 21, từ gần 50 tổ chức (năm 1994) lên gần 400 tổ chức (năm 2007). Trong 20 năm qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên công nghệ ở Trung Quốc đã đóng góp 65% bằng sáng chế, 75% sự đổi mới công nghệ và 80% sản phẩm mới...
Các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng các mô hình từ các nước đi trước. Tuy nhiên để đổi mới, nên bắt đầu tư doanh nghiệp. Các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều gợi ý hữu ích với Việt Nam về các hoạt động đổi mới công nghệ như: hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; áp dụng giải pháp hợp tác công tư; xây dựng cơ chế tài chính phù hợp và tổ chức các hội thảo bàn về đổi mới công nghệ;…
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới công nghệ. Cùng với việc ban hành các nghị định quốc gia với trọng tâm nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp thông qua các hoạt động đổi mới quy trình, sản phẩm công nghệ, Việt Nam cũng đã nỗ lực hình thành thêm một số kênh hỗ trợ tài chính đổi mới công nghệ theo hình thức quỹ như Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN địa phương, Quỹ phát triển KH&CN doanh nghiệp, đặc biệt gần đây là Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực đầu tư để thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp nhưng Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành các kênh tài chính có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Vì thế, việc học hỏi các kinh nghiệm đã được áp dụng, triển khai ở các quốc gia đi trước sẽ thực sự có giá trị và ý nghĩa với Việt Nam, Thứ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ Nguyễn Hoàng Hải cho biết, những chia sẻ của các chuyên gia quốc tế sẽ giúp cán bộ quản lý, hoạch định chính sách của Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong việc đề xuất, xây dựng và hoàn thiện các chính sách về tài chính cho đổi mới công nghệ, góp phần triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ KH&CN trong thời gian tới. Đặc biệt, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp có thể tiếp thu thêm kiến thức và rút ra được những bài học hữu ích phục vụ hoạt động nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn ở Việt Nam,…
Hạnh Nguyên - Diệu Huyền