Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hoá trong chẩn đoán điều trị ung thư và một số bệnh lý” do GS.TS. Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cùng các cộng sự thực hiện vừa được đề cử xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm đợt V. Việc ứng dụng các bức xạ ion hóa trong y học, nhất là trong lĩnh vực ung thư đã góp phần quan trọng trong việc ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình ở Việt Nam một cách hiệu quả, kinh tế và an toàn.
Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình
Kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong y học, đặc biệt là trong điều trị ung thư vẫn còn là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam. Bức xạ nói chung và bức xạ ion hóa nói riêng đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Trong lĩnh vực y tế, bức xạ ion hóa được sử dụng chủ yếu ở 3 chuyên ngành là: Điện quang, Y học hạt nhân và Ung bướu (xạ trị ung thư). Các thiết bị sử dụng bức xạ ion hóa này chủ yếu được ứng dụng cho hai lĩnh vực chính, đó là chẩn đoán và điều trị bệnh.
Cụm công trình nghiên cứu tập trung chủ yếu vào ứng dụng và phát triển một số kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa để chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác. Cụm công trình bao gồm 5 công trình: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật chụp cắt lớp phát bức xạ positron (PET/CT) để chẩn đoán ung thư và bệnh sa sút trí tuệ; Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật xạ trị tiến tiến để điều trị ung thư; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay để điều trị u não và một số bệnh lý sọ não; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc, cấy hạt phóng xạ, điều trị miễn dịch phóng xạ và xạ trị áp sát trong điều trị ung thư; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ và thuốc phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh nội tiết.
GS.TS. Mai Trọng Khoa cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao, hàng năm, số lượng người mới mắc bệnh không ngừng tăng lên và một tỷ lệ rất lớn trong số đó đã tử vong. Riêng trong năm 2012 tại Việt Nam có khoảng 125.000 ca ung thư mới mắc và 94.700 người tử vong vì căn bệnh này. Có nhiều nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết do ung thư ở nước ta, trong đó một yếu tố rất quan trọng liên quan đến tỷ lệ tử vong là do công tác chẩn đoán, điều trị, đặc biệt là công tác chẩn đoán sớm, phát hiện tái phát, di căn ung thư… Có rất ít bệnh nhân ung thư ở Việt Nam được chẩn đoán sớm và điều trị sớm, hầu hết ở giai đoạn muộn, di căn và biến chứng. Do đó việc điều trị gặp nhiều khó khăn, chi phí điều trị tăng cao, nhưng hiệu quả điều trị thấp, tỷ lệ tái phát, tử vong cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Việc điều trị ung thư thường phải phối hợp nhiều phương pháp như: phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, điều trị đích.... Trong đó có hơn 50% số bệnh nhân ung thư ở nước ta có chỉ định sử dụng bức xạ ion hóa để chẩn đoán và đặc biệt để điều trị với các kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài, chiếu trong, xạ phẫu, xạ trị áp sát, cấy hạt phóng xạ, xạ trị trong chọn lọc... Việc chẩn đoán và điều trị ung thư bằng các phương pháp sử dụng bức xạ ion hóa với các kỹ thuật mới đã được thực hiện ở các nước phát triển từ vài thập kỷ trước và ngày càng tiên tiến hiện đại. Tuy nhiên, ở nước ta đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn: thứ nhất, nhiều kỹ thuật chẩn đoán, điều trị hiện đại, đắt tiền có sử dụng các bức xạ ion hóa chúng ta chưa có, hoặc chưa có đủ, phải nhập khẩu, nhất là các thiết bị xạ trị, xạ phẫu hiện đại; thứ hai, việc làm chủ công nghệ mới hiện đại, phức tạp và các phương pháp chẩn đoán, điều trị đối với bệnh nhân là người Việt Nam cần phải có những nghiên cứu có tính mới, đột phá để đưa vào ứng dụng, đòi hỏi một quá trình tìm tòi, thử nghiệm, sáng tạo và nghiêm túc, trong khi chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực chuyên môn cao.
Các bác sĩ lập kế hoạch xạ phẫu bằng dao gamma
“Xuất phát từ thực tế chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư ở Việt Nam, cùng với các kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác, qua các đợt học tập, thực tập nâng cao tay nghề về y học hạt nhân và ung bướu ở một số nước phát triển như Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản... nhóm nghiên cứu đã chủ động, mạnh dạn tìm tòi, chọn lọc đưa về ứng dụng thành công tại Việt Nam một số kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa; cùng với đó nghiên cứu làm chủ công nghệ, thích nghi các phương pháp chẩn đoán và điều trị trong điều kiện thực tế ở Việt Nam, từ đó nâng cao hơn chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung thư và một số bệnh lý khác, làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như tăng tỷ lệ điều trị thành công, chữa khỏi cho các bệnh nhân ung thư và một số bệnh lý khác ở nước ta ở giai đoạn phát hiện sớm”, GS.TS. Mai Trọng Khoa chia sẻ.
Ánh sáng niềm hi vọng
Đến nay, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đã thực hiện được hơn 60.000 mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ; hơn 60.000 bệnh nhân ung thư được chẩn đoán bằng kỹ thuật PET/CT, SPECT. Có hơn 3.400 bệnh nhân u não và một số bệnh lý sọ não được điều trị bằng dao gamma quay, 6.200 bệnh nhân ung thư được điều trị bằng máy xạ trị gia tốc tuyến tính với kỹ thuật xạ trị điều biến liều và kỹ thuật 3D kết hợp hình ảnh PET/CT hoặc CT mô phỏng; hơn 2.100 bệnh nhân ung thư tuyến giáp và 1.500 bệnh nhân bướu tuyến giáp lan toả nhiễm độc được điều trị bằng I-131.…
Những phương pháp chẩn đoán và điều trị kể trên là những kỹ thuật sử dụng bức xạ ion hoá hiện đại do nhóm tác giả của cụm công trình tiếp thu, nghiên cứu, làm chủ và trực tiếp đưa vào ứng dụng thực tế tại Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện khác ở Việt Nam. Thành công này đã tạo niềm tin cho nhiều bệnh nhân ung thư là người Việt Nam ở lại điều trị trong nước, không phải ra nước ngoài chẩn đoán và điều trị. Đồng thời đã tạo được uy tín trong khu vực, nhiều bệnh nhân người nước ngoài ở châu Á bị mắc bệnh ung thư và một số bệnh lý khác đã đến điều trị thành công tại Việt Nam. Được sự quan tâm, cho phép của Nhà nước, Bộ Y tế, đến nay Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đã được trang bị các thiết bị bức xạ ion hóa hiện đại hàng đầu thế giới cùng đội ngũ chuyên gia am hiểu sâu về chuyên môn và giầu kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này.
Nói về chi phí điều trị, GS.TS. Mai Trọng Khoa cho biết, khi ứng dụng phương pháp kỹ thuật công nghệ cao này đã giảm chi phí cho các bệnh nhân ung thư và chi phí xã hội cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh này. Tổng số tiền tiết kiệm được khi ứng dụng các kỹ thuật của cụm công trình này là 88,45 triệu USD, tương đương với 1.945,9 tỷ đồng Việt Nam.
Đối với kỹ thuật chụp PET/CT, với 8.475 bệnh nhân ung thư được chụp PET/CT tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đã tiết kiệm được tổng số tiền chênh lệch là 8,475 USD, tương đương 186,45 tỉ đồng Việt Nam. So sánh với kỹ thuật PET/CT tương tự được chụp tại Singapore (Một lần chụp PET/CT tại Singapore với giá thành là 2.200 USD, tại Việt Nam là 1.200 USD).
Đối với kỹ thuật xạ điều biến liều, một đợt xạ trị điều biến liều tại Singapore là 10.000 USD, tại Việt Nam là 2.000 đô la, tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đã xạ trị điều biến liều được mô phỏng bằng hình ảnh PET/CT cho hơn 150 bệnh nhân ung thư, tổng số tiền chênh lệch là 1,2 triệu đô la, tương đương 26,4 tỉ đồng.
Đối với kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay, một lần xạ phẫu bằng dao gamma quay tại Mỹ là 25.000 USD, tại Việt Nam là 2.000 USD, với hơn 3.425 bệnh nhân u não và một số bệnh lý sọ não được xạ phẫu tại Bệnh viện Bạch Mai, tổng số tiền chênh lệch là 78,775 triệu USD, tương đương 1.733 tỉ đồng, chưa kể chi phí đi lại, ăn ở.
Bài, ảnh: Hà Chi