Luật Chuyển giao công nghệ đã được sửa đổi và ban hành, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp phát triển, làm chủ được những công nghệ sản xuất tiên tiến, loại bỏ công nghệ cũ, lạc hậu. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp và đặc biệt của các chủ đầu tư là yếu tố rất quan trọng để có được thành công này.
TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công thương cho biết như trên khi nói hoạt động chuyển giao công nghệ tại Viện Nghiên cứu Cơ khí và tác động Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đối với doanh nghiệp.
PV: Thưa TS. Nguyễn Chỉ Sáng, ông đánh giá thế nào về sự cần thiết phải đổi mới tư duy và phương thức quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt khi chúng ta bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4?
- TS. Nguyễn Chỉ Sáng: Trong mấy chục năm qua và thậm chí trong mấy năm gần đây, Việt Nam có những bài học đau lòng về nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu như xi măng lò đứng, một số nhà máy nhiệt điện than, khai thác chế biến khoáng sản từ Trung Quốc với hiệu suất vận hành thấp, chất lượng, tuổi bền của thiết bị kém…, một trong những nguyên nhân là từ sự yếu kém trong quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ.
Ngành công nghiệp Việt Nam nói chung đang phát triển ở trình độ kém so với thế giới, làm những công việc với hàm lượng chất xám thấp và đồng lương bèo bọt, các máy móc, công nghệ được nhập khẩu phần lớn là máy móc và công nghệ lạc hậu, điều này càng kéo nền công nghiệp vốn đã lạc hậu càng lạc hậu thêm. Để phát triển công nghiệp bắt buộc chúng ta phải sử dụng những công nghệ mới, tiên tiến, để các doanh nghiệp có thể làm chủ các công nghệ tiên tiến thì trước hết tư duy về quản lý nhà nước và hoạt động chuyển giao công nghệ cần thay đổi.
Với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chúng ta có nhiều cơ hội hơn để thoát khỏi tình trạng công nghệ lạc hậu. Chúng ta không nhất thiết phải đầu tư một ngành công nghiệp nặng hay một ngành công nghiệp hoàn chỉnh. Chúng ta có thể tự xác định thế mạnh của mình và với một nguồn lực tài chính có hạn của mình, có thể xác định cho mình một thị trường phù hợp. Đây có thể là thị trường nội địa hay thị trường toàn cầu. Ví dụ, nếu chúng ta có kiến thức về tự động hóa, về công nghiệp chế tạo cơ bản… để xây dựng nhà máy chế biến alumina, chúng ta chỉ cần đi với một nhà thiết kế công nghệ alumina tốt, có thể chủ động được công nghệ xây dựng nhà máy, xác định được thiết bị nào cần mua hay mua một phần, thiết bị nào có thể chế tạo hoặc được cung cấp trong nước, phần cung cấp trong nước không chỉ là những phần thiết bị đơn giản mà có thể là hệ thống tự động hóa, phần công việc phức tạp nhất của nhà máy. Thế mạnh kết nối vạn vật của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 giúp chúng ta khai thác và phát huy được hết tiềm lực của mình với chi phí đầu tư ít nhất có thể. Và như vậy việc xác định công nghệ cần làm chủ, các cơ chế hỗ trợ để làm chủ là điều đặc biệt quan trọng giúp chúng ta bắt kịp với trình độ công nghệ của thế giới.
PV: Viện Nghiên cứu Cơ khí là đơn vị nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực cơ khí tự động hóa và đã có nhiều hoạt động chuyển giao công nghệ. Xin ông cho biết một vài hoạt động chuyển giao công nghệ nổi bật cũng như những khó khăn, thuận lợi trong hoạt động này trong thực tiễn triển khai?
- Trong lĩnh vực thủy điện: Trước năm 2003 Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết thiết bị cơ khí thủy công từ nước ngoài với giá thành đắt khoảng 3-4 USD/1kg. Với chủ trương của Chính phủ về nâng cao năng lực của các đơn vị trong nước để thiết kế, chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, giảm giá đầu tư, Bộ Công thương giao Viện tìm kiếm và nhận chuyển giao công nghệ, làm chủ thiết kế thiết bị cơ khí thủy công. Viện đã hợp tác với Zaporoghidrostal, đã làm tiếp thu và làm chủ được công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị cho nhà máy thủy điện. Công nghệ chế tạo này sau đó được Viện chuyển giao cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Kết quả là làm chủ 100% phần thiết kế, chế tạo, giá thành giảm bằng 50-70% so với trước đây, đã thiết kế, chế tạo hơn 30 công trình thủy điện trong đó có Sơn La và Lai Châu. Có khả năng cạnh tranh và thắng thầu kể cả với nhà thầu Trung Quốc.
Trong ngành công nghiệp khai thác và chế biến bô xít: Để phục vụ cho các dự án về chế biến bô xít, việc làm chủ công tác tư vấn, thiết kế, chế tạo nhà máy nhằm chủ động việc xây dựng nhà máy, giảm giá thành đầu tư là chiến lược của Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Viện Nghiên cứu cơ khí (NARIME) đã tham mưu cho Tập đoàn về công nghệ cần làm chủ, về đối tác nên liên kết, về hình thức liên kết và nhận chuyển giao công nghệ… NARIME đã hợp tác với các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam làm tổng thầu EPC nhà máy tuyển và Hợp tác với Hatch để làm tư vấn thiết kế, chuyển giao công nghệ cho dự án đầu tiên. Kết quả, NARIME đã làm chủ thiết kế, xây dựng nhà máy tuyển, nhà máy sản xuất alumina. Đến nay NARIME đã làm chủ công nghệ xây dựng nhà máy chế biến bô xít, chế biến alumina. Có thể làm chủ việc xây dựng, mở rộng nhà máy chế biến bô xít mới, giảm chi phí đầu tư dự án ít nhất 15%.
Nhà nước luôn quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ
Trong lĩnh vực nhiệt điện: Theo quy hoạch điện VII, chúng ta sẽ phải đầu tư từ nay đến 2030 khoảng 80 tỷ USD cho các nhà máy nhiệt điện đốt than. Chính phủ, Bộ Công Thương chủ trương về thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện theo Quyết định số 1791 nhằm giảm gía thành đầu tư, nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo của doanh nghiệp trong nước. Bộ Công Thương và Bộ KHCN đã hỗ trợ Viện trong hoạt động nhận chuyển giao công nghệ để Viện và các doanh nghiệp trong nước có thể làm chủ việc thiết kế, chế tạo một số thiết bị nhà máy nhiệt điện. Viện đã hợp tác với các đối tác nước ngoài trong việc thiết kế và nhận chuyển giao công nghệ như: FAM của Đức về hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than, MHPS trong hệ thống lọc bụi tĩnh điện, UCC trong hệ thống thải tro xỉ,… đồng thời Viện hợp tác với các doanh nghiệp trong nước như LILAMA, MIE, EEMC, COMA trong công tác chế tạo các thiết bị này ,… Bước đầu, NARIME đã làm chủ được thiết kế và chế tạo ESP với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 80%, làm chủ thiết kế, chế tạo hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than, tỷ lệ nội địa hóa trên 50%. Làm chủ thiết kế, chế tạo hệ thống AHS với tỷ lệ nội địa hóa trên 50%.
Trong lĩnh vực tự động hóa, NARIME đã từng bước làm chủ được công nghệ điều khiển trong các nhà máy, dây chuyền thiết bị công nghệ, nắm được phần hồn của công nghệ…
Trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, NARIME đã hợp tác và giải mã công nghệ từ nhà thiết kế, chế tạo đồ gá hàn thân xe ô tô cho Nhật, đã bước đầu tham gia cung cấp thiết kế, và các sản phẩm cho bộ đồ gá hàn thân, vỏ xe ô tô.
Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện chúng tôi gặp phải là việc kết hợp được chương trình phát triển kinh tế, xã hội với các đề tài, dự án KH&CN. Các đề tài/dự án sau khi nghiên cứu cần có cơ chế áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, các chủ đầu tư thường sợ rủi ro nên không chịu sử dụng kết quả nghiên cứu hay nhận chuyển giao công nghệ mà thiên về nhập ngoại toàn bộ sản phẩm của nước ngoài. Trong đấu thầu, chủ đầu tư thường đưa ra các điều kiện đấu thầu như đòi hỏi nhà thầu phải có hợp đồng tương tự. Cùng với đó là khó khăn trong thu hút người tài, giữ người làm công tác khoa học. Với chính sách trả lương cho các nhà khoa học tại Nghị định số 54 chỉ trả theo thang bảng lương quy định dẫn đến lương nhà khoa học thấp, khó giữ người.
Trên tất cả là NARIME có được nhiều thuận lợi, luôn được sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ KH&CN, Bộ Công Thương trong công tác nghiên cứu làm chủ hay nhận chuyển giao công nghệ.
PV: Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) được ban hành sẽ tác động như thế nào đến hoạt động chuyển giao công nghệ nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, thưa ông?
- Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) được ban hành giúp nâng cao trình độ, tiềm lực công nghệ quốc gia nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội do Luật chú ưu tiên chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực, công nghệ phục vụ quốc phòng, an ninh từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong nước; bố trí nguồn lực đầu tư cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn; chú trọng hoạt động chuyển giao công nghệ cho địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; đa dạng hóa hình thức, phương thức chuyển giao công nghệ; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ nhiều nguồn khác nhau.
Luật tạo điều kiện để các doanh nghiệp KH&CN, các hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ phát triển; Tạo được sự liên kết giữa tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất; chú trọng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước; phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Cùng với đó, Luật được ban hành giúp ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng xấu đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe con người.
Bảo Chi (thực hiện)