Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ sáu, 22/11/2024 , 06:47 am
Cập nhật : 28/06/2018 , 16:06(GMT +7)
Lai Châu hướng đến nền nông nghiệp giá trị kinh tế cao
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc
Sáng 28/6, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lai Châu về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và khoa học công nghệ phục vụ phát triển KT-XH địa phương.

Dự buổi làm việc, về phía Bộ KH&CN có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh; Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương Nguyễn Văn Liễu;  Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Văn Hậu; Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Trọng Bình.

Làm việc với Đoàn công tác về phía tỉnh có ông Vũ Văn Hoàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đỗ Ngọc An, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cùng lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh Lai Châu.

Thúc đẩy ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp

Tại Lai Châu, trên cơ sở kế hoạch phát triển KT-XH, các nhiệm vụ KH&CN tập trung vào việc ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sở KH&CN đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN trên địa bàn; thực hiện tốt trách nhiệm thường trực Hội đồng KH&CN tỉnh, Hội đồng sáng kiến tỉnh và Thường trực Ban chỉ đạo ISO hành chính tỉnh Lai Châu. 

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã bám sát tình hình phát triển KT-XH, số lượng đề tài, dự án KH&CN thực hiện theo cơ chế đặt hàng, đảm bảo kết quả thực hiện được các ngành, địa phương tiếp nhận và nhân rộng sau thực hiện. Hiệu quả của hoạt động nghiên cứu ứng dụng được nâng cao, có sự gắn bó chặt chẽ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN với sản xuất, đời sống, nhu cầu xã hội, góp phần tạo ra sự chuyển biến về năng suất, chất lượng và hiệu quả, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, hiện nay các nhiệm vụ KH&CN chủ yếu tập trung nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp (các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm trên 60% tổng số nhiệm vụ thực hiện mới hàng năm). Trong 3 năm từ 2016 - 2018 có 36 đề tài, dự án được triển khai thực hiện (gồm cả cấp tỉnh và cấp nhà nước). Nhìn chung các nhiệm vụ KH&CN trong giai đoạn này đã bám sát các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, các nhiệm vụ triển khai trên địa bàn các huyện phù hợp với quy hoạch phát triển của từng địa phương, tập trung nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng và sản phẩm đặc sản của địa phương. Bước đầu, Lai Châu đã xây dựng được thương hiệu cho một số sản phẩm đặc sản của tỉnh.

Kết quả từ các đề tài, dự án góp phần phục vụ kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, đảm bảo việc tăng năng suất lao động, chuyển giao kỹ thuật tiến bộ cho nhân dân, dần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực vào sản xuất. Không những vậy, hiệu quả từ đề tài, dự án còn góp phần nâng cao dân trí, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân; tăng cường an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Ông Tống Thanh Hải cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, kinh phí phân bổ cho hoạt động KH&CN của tỉnh còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu phát triển của địa phương. Bên cạnh đó công tác thẩm định, phân bổ kinh phí cho lĩnh vực hàng năm còn chậm đã ảnh hưởng không nhỏ tới thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Một số đề tài, dự án KH&CN được đánh giá nghiệm thu nhưng công tác hoàn thiện hồ sơ, quyết toán, thanh lý hợp đồng còn chậm. Số người làm công tác nghiên cứu triển khai ứng dụng kinh nghiệm còn hạn chế trong quá trình thực hiện các đề tài, dự án KH&CN. 

Cũng theo ông Tống Thanh Hải, từ những khó khăn trên đã dẫn đến hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng các nhiệm vụ KH&CN chưa thực sự cao. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2018 - 2020, Sở KH&CN cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN, đổi mới công tác quản lý triển khai các đề tài, dự án nhằm lựa chọn các đề tài, dự án gắn với nhu cầu thực tế và có tính ứng dụng cao. 

“Phát triển KH&CN phải xuất phát và phục vụ trực tiếp các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn kết chặt chẽ với các hoạt động giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh, quốc phòng. Phát triển KH&CN phải hướng trọng tâm vào việc đẩy nhanh ứng dụng chuyển giao KH&CN vào sản xuất và đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư cho KH&CN của tỉnh”, ông Tống Thanh Hải cho hay.

Ông Vũ Văn Hoàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu: tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng đã rất quan tâm việc xây dựng nông thôn mới và đã đạt được những kết quả quan trọng

Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng hàng năm

Tại buổi làm việc, ông Vũ Văn Hoàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu cho biết, trong 10 năm qua, bám sát mục tiêu, nội dung Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), nắm bắt xu thế hội nhập, Sở KH&CN tỉnh Lai Châu đã tập trung mọi nguồn lực phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn. 

Theo đó, đến nay, Lai Châu đã có 96/96 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã. Có 24 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. 745 hộ nghèo được xóa nhà tạm trong năm 2017. Tính đến hết năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh có 60/96 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực, dần từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Đối với nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN, trong giai đoạn 2008-2017 có 60 đề tài, dự án cấp quốc gia và cấp tỉnh. Nghiên cứu chú trọng vào việc bảo tồn và phát triển giống cây trồng bản địa (gồm 05 giống lúa: Khẩu Ký, Nếp Tan Co Giàng, Tẻ Râu, Séng Cù và Tả Cù); phát triển nguồn gien cây lâm nghiệp; bảo tồn và phát triển nhóm cây dược liệu quý hiếm tại địa phương; nghiên cứu nhân giống và xây dựng mô hình nuôi cá nước lạnh tại các khu vực có điều kiện phù hợp; nghiên cứu xây dựng 12 quy trình mới trong gây trồng, chăm sóc, bảo quản sản phẩm nông sản địa phương. Lai Châu cũng đang hoàn thiện, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao 271 quy trình kỹ thuật khoa học trong nông nghiệp.

Việc thu hút các nguồn lực tham gia tiếp nhận chuyển giao KH&CN trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao KH&CN với tổng nguồn kinh phí đối ứng ngoài ngân sách sự nghiệp đạt 46,8 tỷ đồng, đạt 39,8% tổng kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu KH&CN; hỗ trợ được 03 doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất.

Trong những năm qua, Sở KH&CN tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ xây dựng thành công 06 nhãn hiệu tập thể cho 06 nhóm sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh; hỗ trợ cho 02 doanh nghiệp được nhận giải thưởng chất lượng quốc gia… thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất giống, xây dựng mô hình trình diễn, đặc biệt là triển khai các chương trình phát triển thương hiệu sản phẩm chủ lực của địa phương. Qua đó, bước đầu đã xây dựng thành công các vùng sản xuất nông sản an toàn, công nghệ cao.

Ngoài ra công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học về sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân đã được tăng cường. Thông qua đào tạo kỹ thuật viên cơ sở và chuyển giao quy trình, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản đã đào tạo được 25 kỹ thuật viên cơ sở và chuyển giao kỹ thuật cho hơn 9000 lượt người dân địa phương.

Toàn cảnh buổi làm việc

Cũng theo ông Vũ Văn Hoàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu, với những kết quả đã đạt được, trong 10 năm qua, các hoạt động KH&CN đã có nhiều nét phát triển nổi bật, vượt trội đóng góp cho sự phát triển KT-XH của tỉnh Lai Châu. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết đã được tỉnh triển khai đồng bộ, góp phần xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Chỉ tính riêng việc thực hiện cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp đã có 74 đề án được phê duyệt thực hiện, bước đầu đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Các sản phẩm chủ lực của địa phương đã vượt ra ngoài tỉnh và được sự công nhận của người tiêu dùng như: chè Tam Đường Lai Châu, thịt trâu sấy Than Uyên, cá Tầm Lai Châu… gần đây nhất là Sâm Lai Châu, một loài sâm có hàm lượng Saponin tương đương với hàm lượng Saponin của sâm Ngọc Linh.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh Lai Châu giai đoạn  2008 – 2017 tăng từ 2,3-8,28%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 đạt 11,8 triệu đồng/người/năm, tăng trên 5 triệu đồng/người/năm so với năm 2008. 

Có thể nói, mặc dù Lai Châu là tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng đã rất quan tâm việc xây dựng nông thôn mới và đã đạt được những kết quả quan trọng. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có nhiều thay đổi, trong số 05 nhóm chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết đều đã đạt được những thành tựu đáng kể. Đặc biệt giá trị sản xuất nông nghiệp hằng năm tăng bình quân 5,6%/năm, cao hơn so với mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 7 là đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt 3,5-4%/năm. Ngoài ra, một số chỉ tiêu đạt như nhóm chỉ tiêu về kết cấu hạ tầng đường giao thông, y tế, xã hội…

Cần hướng đến sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận và khẳng định, Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân cả nước nói chung và Lai Châu nói riêng. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện, Lai Châu vẫn còn một số một số khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong quản lý đất đai, dồn điền đổi thửa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa công nghiệp hoá vào nông thôn hay thẩm định chất lượng xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, thu nhập, đời sống của một bộ phận nhân dân còn thấp, nhất là ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục xác định việc nâng cao thu nhập cho người dân là tiền đề để thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu khác của Nghị quyết, đa dạng hóa các nguồn lực; ban hành hệ thống văn bản, cơ chế chính sách thiết thực, sát đúng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân. Đồng thời cần hướng đến việc liên kết sản xuất trong nông nghiệp, chuyển đổi nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao cho hiệu quả cao hơn.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng chia sẻ với những mất mát của tỉnh Lai Châu trong đợt lũ vừa qua. Đồng thời đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp Ủy, Đảng và ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Lai Châu sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Bộ trưởng tặng quà cho xã nông thôn mới Nậm Loỏng, tỉnh Lai Châu.

 Bộ trưởng Bộ Khoa Chu Ngọc Anh đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền, vận động sâu rộng để tiếp tục nâng cao nhận thức mới về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Cùng với đó là, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và quan tâm đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, nhất là các vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc... Đồng thời Bộ trưởng lưu ý, trong chương trình tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết, tỉnh cần rà soát, bám sát mục tiêu để có các số liệu so sánh, đánh giá cụ thể, thiết thực và hiệu quả  hơn.

Trước đó, Bộ trưởng cùng Đoàn công tác đã đến thăm hỏi, chia sẻ và ủng hộ bà con xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu bị thiệt hại do mưa lũ đêm 23 rạng sáng 24/6.

Bài, ảnh: Bùi Hiếu


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner