Ký ức nhà khoa học về những ngày dân tộc bước vào cuộc trường chinh
Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu vẫn miệt mài công việc dù ông đã ngoài 80 tuổi. (Nguồn: TTXVN)
Sinh năm 1938, Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - cây đại thụ của nền khoa học và công nghệ Việt Nam thuộc lớp những nhà khoa học đầu tiên được đào tạo dưới mái trường Chủ nghĩa Xã hội và chứng kiến bao sự đổi thay của đất nước trong chặng đường 70 năm qua.
Xen lẫn giữa những chuyến đi giảng bài trong và ngoài nước bận rộn, phóng viên VietnamPlus may mắn có được cuộc hẹn với Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, nghe ông tâm sự về những ngày đất nước mới giành độc lập cũng như thời điểm khởi đầu của ngành khoa học và công nghệ Việt sau giải phóng…
“Tản cư ở đâu cũng thấy trường mới mở”
- Thưa Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, là một trong những người sống trong những ngày Cách mạng tháng Tám sục sôi và chứng kiến giây phút độc lập của đất nước, ấn tượng của ông về ngày ấy như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu: Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về ngày hôm đó là sự vui mừng, sung sướng của tất cả mọi người dân sau khi đất nước giành độc lập và ý chí theo cụ Hồ bảo vệ đến cùng nền độc lập của đất nước.
Thời điểm đó, nhà tôi ở Hà Đông và tôi chỉ nghe người lớn kể lại về việc Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Ngày ấy tôi còn rất nhỏ nhưng tôi biết bắt đầu từ hôm nay, Việt Nam chính thức trở thành một quốc gia độc lập, có tên trên bản đồ thế giới.
Tôi nhớ rất rõ thời điểm kháng chiến bùng nổ. Khi ấy, tất cả mọi người đều nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ tiêu thổ kháng chiến. Người dân nô nức đi theo kháng chiến, đi lên chiến khu, đi về những vùng nông thôn xa xôi để chống giặc.
Nhiều người thân trong gia đình tôi vào tự vệ với khẩu hiệu “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh,” chặn đường tiến của quân giặc. Tôi còn nhỏ cho nên theo mẹ đi tản cư, đi đến đâu cũng được nhân dân đùm bọc.
Chính tinh thần đó đã làm nên thắng lợi của cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm (1945-1954).
Ngoài ra, tôi cũng còn nhớ như in trên con đường tản cư từ Hà Đông về Thanh Hóa và những vùng xa xôi, đi tới đâu cũng có trường học mới được thành lập. Và, chỉ sau 1 ngày kiểm tra sơ bộ, các thầy cô giáo sẵn sàng nhận học sinh vào học nên trong hoàn cảnh gian khổ như vậy, tôi chỉ bị gián đoạn việc học chứ không bị thất học. Khi miền Bắc được giải phóng, tôi trở về Hà Nội, khi ấy đã học xong cấp 3 và thi vào Đại học.
Sục sôi ý chí làm khoa học
- Xin giáo sư chia sẻ về không khí của những người làm khoa học trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn…?
Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu: Nói về sự phát triển khoa học công nghệ Việt Nam có 2 thời kỳ. Ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp thì tôi không được chứng kiến.
Đến thời kỳ thứ hai, sau khi miền Bắc được giải phóng vào năm 1954, chúng tôi ra trường, đi làm việc và chứng kiến khí thế, không khí quyết tâm của các thầy, tầng lớp lãnh đạo… tạo điều kiện cho lớp trẻ chúng tôi trở thành người làm khoa học.
Ngồi ngẫm lại, tôi thấy mình có 2 may mắn: Khi lớn lên trở thành công dân của một nước độc lập và ngay từ khi còn trẻ đã được nhà trường, cơ quan lãnh đạo và đặc biệt là các thầy, các nhà khoa học tiền bối tạo mọi điều kiện để trở thành nhà khoa học.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
- Ai là người có ảnh hưởng nhất đến sự nghiệp khoa học của ông, thưa giáo sư?
Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu: Với cá nhân tôi thì có 3 người, một là Giáo sư Lê Văn Thiêm - một nhà toán học. Lúc tôi ra trường, ông là Phó Hiệu trưởng Đại học Tổng Hợp kiêm Trưởng khoa Toán Lý. Giáo sư là người hết sức tận tâm tới sự tiến bộ của chúng tôi, luôn tạo điều kiện, hướng dẫn chúng tôi nghiên cứu khoa học.
Người thứ 2 là tôi được làm việc trực tiếp là Giáo sư Ngụy Như Kon Tum. Tuy là hiệu trưởng của nhà trường nhưng ông dành nhiều thì giờ để xây dựng nhóm nghiên cứu ở trong khoa Toán Lý. Tôi cũng là người may mắn được làm việc với giáo sư một thời gian.
Người thứ 3 là Giáo sư Tạ Quang Bửu. Vào năm 1958, tại Đại giảng đường Đại học Tổng hợp, giáo sư đã tới và nói chuyện về công trình của 2 nhà khoa học Mỹ gốc Tung Quốc là Dương Chấn Ninh và Lý Chính Đạo về học thuyết mới về cấu tạo vật chất. Buổi thuyết trình của giáo sư rất sức hấp dẫn và tôi quyết định đi ngay vào hướng nghiên cứu này. Sau đó, tôi gặp Giáo sư Tạ Quang Bửu nhờ ông hướng dẫn đọc tài liệu, giáo sư rất vui mừng và hướng dẫn, chia sẻ tài liệu hết sức tận tình.
Vào năm 1960, Giáo sư Tạ Quang Bửu giữ chức Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước. Ông nói với tôi trong tương lai sẽ xây dựng viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam nhưng muốn có Viện phải có nhà nghiên cứu. Do đó, Ủy ban Khoa học chủ trương mỗi năm chọn và gửi đi nước ngoài khoảng 10 cán bộ trẻ và tôi được Giáo sư Lê Văn Thiêm giới thiệu nên Ủy ban cử đi học ở Liên Xô để trở về xây dựng Viện.
Tôi kể anh nghe, ngày ấy, trong một lần sang Trieste làm việc với Giáo sư Abram Salam, nhà khoa học Pakistan đoạt giải Nobel, khi tôi nói về tình hình phát triển khoa học ở nước ta, vị giáo sư ấy đã nói với tôi: “Ưu việt số 1 của Chủ nghĩa xã hội các anh là luôn quan tâm tới khoa học.”
Giờ nghĩ lại, tôi hết sức khâm phục tầm nhìn, ý chí của các nhà lãnh đạo thời đó, một thời hết sức khó khăn. Lúc ấy cả nước chỉ có 3 giáo sư tiến sĩ, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn quyết phải tiến tới thành lập Viện Hàn lâm để phát triển khoa học.
- Theo giáo sư, đâu là điểm nhấn của ngành khoa học và công nghệ Việt Nam trong suốt 70 năm qua?
Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu: Rất khó mà nói thành tựu lớn nhất vì mỗi giai đoạn đều có thành tựu rõ rệt.
Tuy nhiên, tôi cho rằng nổi bật nhất vẫn là thời kỳ sau khi có Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 2, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 8 về phát triển khoa học và công nghệ và Nghị quyết của của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa 11 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Hai Nghị Quyết này đánh dấu hai thời kỳ phát triển khoa học công nghệ rất mạnh mẽ của Việt Nam.
Trở về đóng góp cho Tổ quốc
- Thưa giáo sư, vào thời điểm đất nước vô cùng gian khó, đã có những nhà khoa học đầu ngành như Giáo sư Trần Đại Nghĩa trở về nước, đồng cam cộng khổ cùng dân tộc để làm nên chiến thắng vẻ vang trước kẻ thù hùng mạnh. Ngày nay, chúng ta vẫn có nhiều nhà khoa học giỏi, nhưng lại lập nghiệp ở nước ngoài. Vậy, làm thế nào để thu hút họ về giúp đất nước phát triển?
Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu: Có nhiều bài học của các quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc, Trung Quốc… Các nhà khoa học của họ đi học hỏi khắp nơi rồi về dựng xây nước nhà trở thành những quốc gia có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Tại Việt Nam, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước rất rõ ràng với việc thu hút nhà khoa học Việt Nam định cư tại nước ngoài về trong nước nghiên cứu cũng như tạo điều kiện đào tạo các nhà khoa học trẻ tuổi ở trong nước. Chỉ có điều, việc thực hiện còn chậm và tôi hy vọng thời gian tới sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu mong muốn các nhà khoa học trẻ đang làm việc ở nước ngoài phải hướng về Tổ quốc, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong nước... (Ảnh: Tùng Lâm/Vietnam+)
- Giáo sư có nhắn nhủ gì với các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài?
Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu: Tôi chỉ mong các bạn trẻ Việt Nam lập nghiệp ở nước ngoài nếu cảm thấy chưa có điều kiện để về nước thì cũng cần phải hướng về Tổ quốc. Hiện nay, cơ chế hoạt động khoa học trong nước rất mở. Các nhà khoa học không nhất thiết phải rời bỏ vị trí của mình ở nước ngoài về hẳn trong nước, mà có điều kiện sắp xếp dành thời gian về trong nước làm việc trong thời hạn ngắn, giúp anh em trong nước, tạo điều kiện cho anh em tiếp nhận nhanh chóng thành tựu khoa học mới ở nước ngoài. Đó cũng là cống hiến cho nền khoa học công nghệ nước nhà như Giáo sư Ngô Bảo Châu…
- Xin cảm ơn giáo sư!
Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu là nhà vật lý lý thuyết và vật lý toán học hàng đầu của Việt Nam với 130 công trình nghiên cứu khoa học, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, nhiều công trình được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín.
Ông từng giữ các nhiệm vụ như Viện trưởng sáng lập Viện Vật lý, Viện Khoa học Vật liệu Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông cũng là viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ 3.
Năm 1986, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu được trao tặng Giải thưởng Lênin; Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kĩ thuật (1996); Huân chương độc lập hạng Nhất (2009). Ông cũng được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân…
Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu còn là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VI, VII, và VIII; ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa V; đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam các khoá IV, V, VII, VIII, IX, X.