Để tăng cường phối hợp công tác giữa Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), ngày 09/11/2022, hai cơ quan đã thống nhất ký kết Bản thỏa thuận phối hợp công tác.
Đến dự buổi Lễ ký kết, về phía Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội có đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban và các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Uỷ viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách, các đại biểu Quốc hội là Ủy viên của Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội; các đồng chí Lãnh đạo, chuyên viên Vụ KH,CN&MT thuộc Văn phòng Quốc hội. Về phía Bộ KH&CN có đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; các đồng chí Thứ trưởng Bộ KH&CN và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN.
Tại Lễ ký kết, theo báo cáo của đồng chí Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bản thỏa thuận có một số nội dung chính sau: Phối hợp tham vấn, đóng góp ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến lĩnh vực KH,CN&ĐMST; Phối hợp chặt chẽ trong quy trình xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết do Bộ KH&CN chủ trì soạn thảo và Ủy ban KH,CN&MT chủ trì thẩm tra; Phối hợp trong các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban KH,CN&MT về lĩnh vực KH,CN&ĐMST; Hỗ trợ, triển khai các đề tài, dự án; các hoạt động khảo sát, hội nghị, hội thảo; Phối hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin về KH,CN&ĐMST.
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội tin tưởng rằng, hai cơ quan sẽ phối hợp công tác hiệu quả, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, hướng tới mục tiêu, yêu cầu rất cao của Đảng, Nhà nước, Nhân dân đối với KH,CN&ĐMST là “quốc sách hàng đầu”, là “động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Theo phát biểu của đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Bản thỏa thuận này là một dấu mốc quan trọng, góp phần làm tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan. Bên cạnh đó, các đơn vị đầu mối của hai cơ quan cần khẩn trương triển khai các hoạt động cụ thể để hiện thực hóa các nội dung phối hợp công tác, trong đó tập trung ngay vào xây dựng kế hoạch tổ chức các hội thảo, hội nghị để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, các nhà quản lý về các chủ trương, chính sách của ngành KH&CN (ví dụ như: thí điểm chính sách thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển thị trường KH&CN, vấn đề xử lý tài sản hình thành từ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, cơ chế tài chính, chi tiêu cho các nhiệm vụ KH&CN,…). Bộ KH&CN rất mong muốn được lắng nghe nhiều hơn để hoàn thiện các chính sách này trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.
Tin, ảnh: Trần Hà