Hình thành hệ thống bảo tàng khoa học trên khắp cả nước, tổ chức họp báo một tháng một lần để giới thiệu những vấn đề nổi cộm của khoa học và công nghệ (KH&CN), xuất bản các ấn phẩm báo chí, làm phim về các kết quả nghiên cứu khoa học, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các nhà khoa học với giới truyền thông... là những hình thức Nhật Bản đang sử dụng để chuyển tải thông tin KH&CN đến với đông đảo quần chúng nhân dân.
Đó là ý kiến của đại diện một số cơ quan quản lý KH&CN, cơ quan truyền thông KH&CN của Nhật Bản trong các buổi làm việc với đoàn công tác do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (Bộ KH&CN) tổ chức đến học tập kinh nghiệm truyền thông KH&CN tại Nhật Bản mới đây.
Xác định rõ vai trò quan trọng của KH&CN
Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT), Cơ quan Khoa học Công nghệ Nhật Bản (JST), Đài Phát thanh và Truyền hình NHK (Nhật Bản), Công ty Thiết kế nội dung truyền thông và Tư vấn thông tin Vicom và một số đơn vị trực thuộc của các cơ quan trên…
Tại buổi làm việc với MEXT và JST, đại diện các cơ quan đã giới thiệu những nét cơ bản nhất về hệ thống KH&CN và sáng tạo ở Nhật Bản. Ông Shigeyuki Ueno, Quản lý phòng quan hệ công chúng (thuộc JST) cho biết, Luật KH&CN của Nhật Bản được đưa vào thực hiện từ năm 1995 và đây là một trong những chính sách rất quan trọng, cơ bản của Nhật Bản. Các kế hoạch 5 năm và nhiều kế hoạch khác đã được xây dựng trên cơ sở luật này. Nhật Bản đã thực hiện có hiệu quả các kế hoạch phát triển KH&CN giai đoạn 1996-2000, 2001-2005, 2006-2010. Tuy nhiên, sau thảm họa động đất, sóng thần (11.3.2011), Nhật Bản tập trung vào kế hoạch phát triển KH&CN lần thứ tư (giai đoạn 2011-2015), trong đó đặc biệt chú trọng việc phục hồi và tái cấu trúc nền KH&CN sau thảm họa, đưa vào thực hiện ý tưởng sáng tạo xanh, đổi mới KH&CN gắn với đời sống... Mục tiêu lớn đặt ra với Chính phủ Nhật Bản là làm thế nào để KH&CN có thể hồi phục và tái thiết lại đất nước sau thảm họa.
KH&CN được Chính phủ Nhật Bản quan tâm và dành kinh phí đầu tư lớn. Số liệu năm 2011 cho thấy, ngân sách dành cho KH&CN được Chính phủ Nhật Bản phân bổ tới nhiều Bộ có trách nhiệm thực hiện kế hoạch phát triển KH&CN như: Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT): 67% -tương đương 30,6 tỷ USD; Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI): 16% - tương đương 7,4 tỷ USD; Bộ Quốc phòng (MOD): 3% - tương đương 1,3 tỷ USD; Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW): 4% - tương đương 1,9 tỷ USD; Bộ Nông nghiệp, Rừng và Đánh cá (MAFF): 3% - tương đương 1,4 tỷ USD; các đơn vị khác: 7% - tương đương 3,1 tỷ USD.
Ông Shigeyuki Ueno cho biết thêm, tổng kinh phí hoạt động của JST (đơn vị thuộc MEXT) năm 2011 là 1,474 triệu USD, trong đó MEXT đầu tư 1,312 triệu USD (chiếm 89% tổng kinh phí hoạt động của JST). Phần lớn ngân sách đó được JST đầu tư cho sáng tạo công nghệ tiên tiến: 750,7 triệu USD (51%), còn lại dành cho các hoạt động khác như thúc đẩy truyền thông khoa học: 105,5 triệu USD (7,2%); thúc đẩy phổ biến thông tin khoa học: 92,1 triệu USD (6,3%); hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu quốc tế: 53,7 triệu USD (3,6%); chi phí khác: 148,9 triệu USD (10,1%).
Truyền thông KH&CN hướng đến công chúng
Hoạt động truyền thông KH&CN, quảng bá các sản phẩm công nghệ mới luôn được Chính phủ Nhật Bản cũng như các tổ chức, doanh nghiệp dành sự quan tâm, đầu tư phát triển. Các đơn vị quản lý KH&CN của Nhật Bản đã xây dựng, chăm sóc mối quan hệ giữa nhà báo với nhà khoa học tương đối tốt, tạo sự gần gũi, thoải mái. Đây cũng là lợi thế để thông tin KH&CN được chia sẻ và chuyển tải nhanh chóng, không qua các cầu nối hoặc khâu trung gian. Với mục đích thu hút sự quan tâm của công chúng đến KH&CN và thông tin KH&CN được đăng tải trên các tờ báo, tạp chí, một tháng một lần, JST tổ chức họp báo để giới thiệu những vấn đề KH&CN nổi cộm nhất trong thời gian đó với phóng viên, mời các nhà khoa học giới thiệu về những thành tích của họ, dành thời gian để phóng viên và nhà khoa học có thể trao đổi, thảo luận…
Thông tin về những dự án, thành tựu và sự kiện KH&CN nổi bật được chia sẻ tại câu lạc bộ báo chí của MEXT và xuất bản trên các ấn phẩm báo chí. Mỗi năm có khoảng 200 chủ đề, hơn 1.000 bài báo được đăng trên các báo, tạp chí. Cùng với đó, mạng lưới website về KH&CN đã được hình thành để mọi người dù ở bất kỳ đâu cũng có thể truy cập được rất nhiều thông tin về KH&CN. Có 2 trang chính là Kênh khoa học, đăng các video (http://sc-smn.jst.go.jp/), Cổng thông tin khoa học đăng các bài viết (http://scienceportal.jp/) và 5 trang chuyên đề là Trung tâm Khoa học ảo thuộc JST (http://jvsc.jst.go.jp/en/), Cơ sở dữ liệu khoa học của các tình nguyện viên (http://rikasuki.tokyo.jst.go.jp/), Quản lý bảo tàng ở Nhật Bản (http://museum-dir.jst.go.jp/), Khoa học vệ tinh (http://www.kagakunavi.jp/), Liên kết khoa học Nhật Bản (tiếng Anh, Trung, Pháp: http://sciencelinks.jp/).
Một hình thức truyền thông khác Nhật Bản đang thực hiện là hình thành hệ thống gồm hàng trăm viện bảo tàng khoa học trên khắp cả nước. Trong khuôn khổ chương trình làm việc, đoàn đã đến thăm và làm việc với Bảo tàng Quốc gia về khoa học và sáng tạo tiên tiến (Miraikan). Đây là nơi mô hình hoá những hiện tượng khoa học tự nhiên, tổ chức các cuộc triển lãm giới thiệu những thành tựu KH&CN, tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các nhà khoa học với công chúng; phối hợp với các trường đại học để xây dựng những chương trình giúp nâng cao kiến thức về khoa học cho sinh viên; xây dựng mạng lưới gồm các nhà nghiên cứu, tình nguyện viên, khách tham quan, trường học, các viện bảo tàng khoa học khác… Những sự vật, hiện tượng tự nhiên, đều được thể hiện bằng hình ảnh, mô hình trực quan, sinh động, thậm chí cả những sản phẩm công nghệ đã và đang được sử dụng trong thực tế… như các mô hình về hiện tượng động đất, sóng thần, rô bốt cứu hộ... khiến Miraikan không chỉ là địa chỉ thú vị để tham quan mà còn là nơi học sinh, sinh viên có điều kiện thực hành những kiến thức được học trong nhà trường.
Mô hình trung tâm truyền thông cũng là mô hình hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực này tại Nhật Bản. Trung tâm truyền thông khoa học Nhật Bản (SMC) trực thuộc JST được thành lập với vai trò là cầu nối giữa nhà khoa học với nhà báo thông qua các chương trình nghị sự đươc tổ chức khi có các sự kiện, phát triển mối liên kết giữa cộng đồng khoa học và xã hội. Mặc dù được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ và cấp kinh phí như một dự án nghiên cứu để hoạt động nhưng SMC lại không phải phụ thuộc vào định hướng phát ngôn của chính phủ.
Một trong những hoạt động nổi bật của SMC là xử lý các thông tin KH&CN của Nhật Bản, dịch sang tiếng Anh và chuyển đến các Trung tâm truyền thông khoa học của các nước. Ngược lại, với những vấn đề khoa học mới người dân chưa hiểu, SMC thu thập những thông tin liên quan đến vấn đề đó từ nước ngoài và chuyển sang tiếng Nhật để phát hành trong nước. SMC có mạng lưới danh sách nhà báo và các thành viên đăng ký kết nối lên tới 400 người. Khi có một vấn đề khoa học nổi cộm, với vai trò kết nối, SMC sẽ thu thập thông tin từ các thành viên trong mạng lưới này và chuyển tới các trung tâm truyền thông của các nước khác để lấy được ý kiến đánh giá thứ cấp.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn đã đến thăm và làm việc với Đài NHK - hãng phát thanh, truyền hình công cộng duy nhất tại Nhật Bản. Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) là ưu điểm nổi bật của NHK. Các công nghệ truyền hình mới nhất NHK đang sử dụng là: truyền hình có độ phân giải siêu cao; công nghệ nhận dạng tiếng nói, phát âm phục vụ cho những người khuyết tật xem truyền hình và nhiều tính năng, tiện ích hiện đại… Để thực hiện công tác R&D và chiến lược phát triển của mình, NHK thường xuyên hợp tác với các hãng điện tử lớn của Nhật Bản như Sam Sung, Toshiba…
Ngay từ rất sớm, để nghiên cứu các kỹ thuật truyền hình đa dạng, hiện đại và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, NHK đã thành lập Viện Nghiên cứu kỹ thuật phát thanh, truyền hình và Viện Đào tạo truyền thông. Không chỉ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Đài NHK, Viện Đào tạo truyền thông còn đào tạo các khóa ngắn hạn và dài hạn cho các sinh viên đến từ một số nước Châu Á, Châu Phi. Đây chính là một trong những điểm mấu chốt đưa NHK trở thành kênh truyền hình lớn nhất Nhật Bản, với số lượng người xem đông đảo.
Truyền thông KH&CN là lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam, do vậy, những kinh nghiệm có được từ phía Nhật Bản sẽ thực sự hữu ích trong việc xây dựng một mô hình truyền thông về KH&CN phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trong quá trình làm việc với các đối tác Nhật Bản, hai bên cũng đã trao đổi về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này. Các cơ quan khoa học của Nhật Bản như MEXT, JST, SMC, Viện Đào tạo truyền thông… đều khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực truyền thông KH&CN thông qua việc gửi cán bộ đi đào tạo tại Nhật Bản hoặc trao đổi chuyên gia giữa hai nước. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam có thể hình thành được đội ngũ nhân lực mạnh trong lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động KH&CN nói chung và truyền thông KH&CN nói riêng trong thời gian tới.
Nguyễn Hạnh