Cần có cơ chế, chính sách tài chính riêng đối với các tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc theo hướng tăng tỷ lệ chi cho KH&CN. Đó là kiến nghị của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hòa Bình đối với Bộ KH&CN.
Theo ông Đỗ Hải Hồ - Giám đốc Sở KH&CN Hòa Bình, hiện tổng kinh phí sự nghiệp KH&CN mà tỉnh được giao theo chỉ tiêu kế hoạch là 86.549 tỷ đồng; kinh phí đầu tư phát triển là 40.900 tỷ đồng. Kinh phí sự nghiệp KH&CN thực hiện là 45.649 tỷ đồng.
Giai đoạn 2014-2016, nhiều nghiên cứu đã được ứng dụng, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế. Một số đề tài tạo ra bước đột phá như xây dựng và công bố chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong, giúp tăng 30-40% giá trị quả cam, giá trị gia tăng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhiều hộ nông dân đã trở thành tỷ phú. Diện tích trồng cam tăng từ 1.200ha năm 2014 lên gần 3.000ha vào năm 2016, dự kiến là hơn 5.000ha vào năm 2020.
Đề tài xây dựng bộ chữ cho người dân tộc Mường tại Hòa Bình đã được UBND tỉnh phê chuẩn, giúp 520.000 người Mường ở đây có bộ chữ viết chính thức, là cơ sở cho việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây cũng là công cụ hữu hiệu để giữ gìn, phát huy tiếng Mường, bản sắc văn hóa dân tộc Mường.
Về nông nghiệp, Hòa Bình đã nghiên cứu lựa chọn được các giống cây trồng, vật nuôi thế mạnh có năng suất cao, chất lượng tốt, có sức chống chịu sâu bệnh và phù hợp với điều kiện sinh thái như ngô chịu hạn, chịu lạnh. Các nhà khoa học đã xác định được cây đầu dòng của nhiều giống cây có múi như quýt Ôn Châu, cam CS1, cam Canh, cam V2...; nghiên cứu thành công việc nuôi cá tầm trên lòng hồ, đẻ nhân tạo giống cá trắm đen, bảo tồn gene cây giổi ăn hạt Lạc Sơn...
Tuy nhiên ông Hồ thừa nhận, một số nhiệm vụ KH&CN có hàm lượng khoa học chưa cao, chưa sát với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, còn hiện tượng trùng với chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của ngành. Các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Theo Sở KH&CN, nguyên nhân là nguồn nhân lực KH&CN còn thiếu, không đồng đều, thiếu chuyên gia giỏi về KH&CN. Hoạt động đầu tư, nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp còn hạn chế và chậm. Đặc biệt, kinh phí đầu tư cho hoạt động KH&CN còn hạn chế. Tỷ lệ chi cho KH&CN của Hòa Bình chưa bằng 1/4 mức bình quân cả nước (2% tổng chi ngân sách nhà nước).
Giám đốc Sở KH&CN cho biết, trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ tăng mức đầu tư và ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Sở kiến nghị Bộ KH&CN có cơ chế, chính sách tài chính đặc thù đối với các tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc theo hướng tăng tỷ lệ chi cho KH&CN.
“Đề nghị bộ xem xét nâng mức phân bổ ngân sách sự nghiệp KH&CN hằng năm cho địa phương với tỷ lệ phù hợp để đảm bảo cân đối khi thực hiện các nhiệm vụ. Năm 2017, đề nghị nâng mức phân bổ gấp 1,5 lần năm 2016, phấn đấu đảm bảo giai đoạn 2017-2020 đạt tỷ lệ 1% tổng chi ngân sách địa phương trở lên” - ông Hồ kiến nghị.