Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ hai, 25/11/2024 , 06:16 am
Cập nhật : 23/03/2017 , 09:03(GMT +7)
Kiểm soát an toàn thực phẩm bằng chất lượng phân tích
Phân tích thành phần hóa học trong sản phẩm của doanh nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí ngh
Tình trạng sử dụng hóa chất, nguyên liệu độc hại trong sản xuất và chế biến thực phẩm diễn ra phổ biến ở nước ta những năm gần đây. Đặc biệt, các thành phẩm qua xử lý hóa chất ngày càng tinh vi với màu sắc rất tự nhiên để dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Thực tế đó đặt ra trọng trách nặng nề cho các cơ sở phân tích, thí nghiệm trong việc phát hiện, cảnh báo kịp thời những nguy cơ về mất an toàn thực phẩm (ATTP).

Nhà nước, doanh nghiệp đã quan tâm

Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM - CASE thuộc Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) cho biết, trong năm 2016, trung tâm này đã phân tích, kiểm nghiệm hơn 80.000 mẫu thử thuộc nhiều lĩnh vực đời sống - xã hội. Trung bình mỗi ngày, các chi nhánh của trung tâm tiếp nhận hàng chục yêu cầu của khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp (DN) và cả các cơ quan nhà nước về phân tích, xét nghiệm thành phần hóa học đối với nhiều chủng loại sản phẩm trên thị trường; cho thấy mức độ quan tâm đến ATTP của xã hội đang dần được nâng lên.

Điển hình là trong lĩnh vực thủy sản. Nếu như trước kia, một vụ mùa thành công nghĩa là đạt sản lượng tốt và được giá. Nhưng nay, mặt hàng thủy sản lại cần có thêm cả chỉ tiêu chất lượng. Tùy từng thị trường mà giá cả khác nhau, nhưng để đạt doanh thu lớn thì phải xuất khẩu được thủy sản sang các thị trường khó tính, có chỉ tiêu chất lượng cao. Trước yêu cầu của hàng rào kỹ thuật ở các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU… với nhiều chỉ tiêu khắt khe về chất lượng và VSATTP, DN thu mua trong nước đã chủ động tìm đến các hệ thống giám định, phân tích kiểm nghiệm trước khi xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, yêu cầu từ thị trường đặt ra nhiệm vụ cho hệ thống giám định, phân tích kiểm nghiệm phải nâng cao năng lực và đẩy mạnh chất lượng phân tích. CASE trong những năm vừa qua đã được TPHCM đầu tư hơn 61 tỷ đồng để xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm và trang thiết bị phòng kiểm nghiệm thức ăn chăn nuôi, có khả năng đáp ứng các yêu cầu phân tích đòi hỏi độ chính xác cao. Song song đó, Sở KH-CN TP đã chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và nâng cao tiềm lực KHCN, nhằm tăng cường các giải pháp đảm bảo ATTP trên địa bàn. Đồng thời hỗ trợ 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm (chợ Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền) xây dựng thương hiệu. Trong đó, xây dựng hệ thống ATTP là một trong những tiêu chí quan trọng nhất.

Đẩy mạnh liên kết phòng thí nghiệm

Tuy các cơ quan nhà nước đã vào cuộc mạnh mẽ để tuyên chiến với thực phẩm bẩn, các DN đã ý thức hơn trước thách thức từ thị trường xuất khẩu, nhưng ở thị trường trong nước, vấn đề ATTP vẫn khá nhức nhối. Nhiều cá nhân, DN hám lợi hàng ngày vẫn tung ra thị trường đủ loại sản phẩm kém chất lượng, độc hại. Bằng chứng là khi những cái tên như vàng ô, salbutamol chưa kịp lắng xuống, thì những loại chất cấm mới như Cysteamine - chất tiền hormone tạo nạc có tác dụng tăng trọng cho gia súc, gia cầm - đã xuất hiện trên thị trường. Trong khi đó, việc đưa kiểm nghiệm thành một phần tất yếu vào quy trình thanh tra còn nhiều bất cập; các thiết bị test nhanh khá đắt đỏ, một bộ kit tổng hợp 16 chỉ tiêu có giá trên 10 triệu đồng nên không thể trang bị cho từng địa phương, bộ ngành. 

Theo Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng, thách thức đó đòi hỏi hệ thống phân tích, kiểm nghiệm lớn như Viện Dinh dưỡng quốc gia, CASE, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (QUATEST)… phải nỗ lực nghiên cứu các quy trình mới, các công cụ test nhanh để theo kịp thực tế. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, việc đầu tư dàn trải nhiều phòng thí nghiệm, xét nghiệm ở từng đơn vị chuyên ngành là không khả thi và gây tốn kém chi phí. Vì thế, nên mở rộng hệ thống phòng phân tích thí nghiệm ATTP bằng cách sử dụng và trang bị lại các cơ sở đã có. Đặc biệt, tại TPHCM đang có trên 900 phòng phân tích chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc 17 lĩnh vực thử nghiệm khác nhau, với quy mô, trình độ kỹ thuật công nghệ và máy móc thiết bị đa dạng… nhưng lại hoạt động khá đơn lẻ. Do đó, TP cần sớm ban hành cơ chế, quy trình phối hợp để sử dụng có hiệu quả tiềm lực của các phòng thí nghiệm này.

Tại buổi giám sát về công tác thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP trên địa bàn TPHCM của HĐND TP với Sở KH-CN mới đây, trước ý kiến nên xây dựng các phòng thí nghiệm tại các chợ đầu mối để chủ động kiểm soát ATTP, bà Chu Vân Hải, Giám đốc CASE cho rằng, giải pháp sẽ không khả thi vì dẫn đến tình trạng dàn trải ngân sách của TP. Thay vào đó, có thể xây dựng những kit test nhanh tại những khu vực này. Với năng lực của hệ thống phân tích, thí nghiệm tại TPHCM, giải pháp này tiết kiệm và hiệu quả hơn.

 

 

Nguồn tin: Sài gòn giải phóng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner